Việt Nam xem xét mua điện của Lào: Rẻ hơn Trung Quốc?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Việc mua điện từ Lào là cần thiết trong bối cảnh nguồn năng lượng trong nước không đảm bảo và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Mua được tốt quá

Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương bổ sung, hoàn thiện đề án Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2016.

viet-nam-xem-xet-mua-dien-cua-lao-mua-duoc-tot-qua_22623338.jpg

Đặc biệt, về quan điểm phát triển ngành điện, Phó thủ tướng yêu cầu bổ sung, nhấn mạnh quan điểm phát triển bền vững ngành điện; đa dạng hóa nguồn cung cấp điện cả trong nước và nhập khẩu, liên kết lưới điện với các nước láng giềng, trong đó chú trọng đến hợp tác mua bán điện với Lào nhằm bù đắp những thiếu hụt về điện khi phải giảm phát triển một số nguồn điện không đảm bảo an toàn và môi trường.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Lê Văn Doanh, Chủ nhiệm khoa Điện & Bảo dưỡng Công nghiệp, Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội cho rằng đây là một hướng đi cần thiết để đa dạng hóa nguồn cung cấp điện trong nước.

Theo PGS.TS Lê Văn Doanh, tiềm năng thủy điện của Lào là rất lớn, đặc biệt là trên sông Mê Công. Trong thời gian tới, Lào dự định xây dựng thêm 1 số nhà máy nữa để phục vụ lợi ích quốc gia và khả năng dư thừa đã được báo trước.

“Nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam còn rất lớn. Năm 2015-2016, chúng ta mới sản xuất ra được khoảng 150 tỷ KWh điện. Đến năm 2020, Việt Nam phải cần tới trên 200 tỷ KWh điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Để bù đắp vào đó, Việt Nam đã xây 1 số nhà máy nhiệt điện lớn chạy than và buộc phải nhập than từ nước ngoài về với giá đắt.

Ngoài ra, hiện nay Việt Nam không còn con sông nào để xây thủy điện nữa. Tất cả các dòng sông có công suất lớn như sông Đà, sông Yaly… chúng ta xây hết rồi.

Trong khi Lào làm thủy điện nhưng dùng ít thôi, đến 90% lượng điện là họ bán. Lào có điện bán cho chúng ta thì quá tốt”, PGS.TS Doanh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc đa dạng hóa nguồn điện trong nước bằng cách chú trọng đầu tư phát triển năng lượng mặt trời, nguồn năng lượng phong điện cũng rất hạn chế. Vì vậy hướng đến nguồn điện của Lào sẽ giúp Việt Nam giải quyết tốt các khó khăn trong nước.

“Năng lượng mặt trời hay phong điện số lượng rất ít mà giá thành cao, không thể bù đắp được bằng những thiếu hụt trong nước. Lào xây thủy điện không dùng được hết họ buộc phải bán. Lào cũng bán được 2 năm rồi. Trong khi chúng ta đang thiếu nên việc mua như thế là lợi cả hai bên”, PGS.TS Doanh khẳng định.

Đồng quan điểm, GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, Lào có một quy hoạch phát triển thủy điện và tiềm năng thủy điện khá tốt. Đặc biệt từ năm 2016, nguồn điện ở Lào rơi vào tình trạng cung vượt cầu nên nhiều khả năng là Lào sẽ bán điện cho Việt Nam.

“Hiện nay tỷ lệ điện chạy than chiếm tỷ lệ ngày càng lớn ở Việt Nam. Mà lượng than dùng để chạy ở các nhà máy nhiệt điện lại là than nhập ngoại, giá cả ngày càng tăng. Đây là khó khăn của EVN. Chúng ta có nguồn điện từ Lào để tránh việc phải đốt than hoặc xây thêm các nhà máy luyện than mới, như thế cũng thuận lợi. Nó giúp tránh ô nhiễm môi trường, cân bằng sinh tồn, sinh thái”, GS.VS.TSKH Trần Đình Long nói.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng khẳng định, việc mua bán điện với Lào không có gì khó khăn mà rất thuận lợi. Điểm duy nhất cần lưu ý nhất ở đây là những rủi ro từ thiên nhiên có thể xảy ra.

“Phát triển thủy điện bây giờ phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thiên nhiên, thời tiết. Nếu chúng ta ký mua điện với Lào nhưng gặp năm không thuận lợi, rơi vào những trường hợp bất khả kháng như: sông không có nước thì chúng ta phải chấp nhận chịu một rủi ro nào đó”, GS.VS.TSKH Long nhấn mạnh thêm.

Việt Nam có thêm lựa chọn

Theo Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, có thêm nguồn điện từ Lào, chúng ta sẽ đa dạng hóa được nguồn điện nhập khẩu, từ đó giảm dần phụ thuộc vào điện từ Trung Quốc hiện nay.

“Việt Nam mua điện của Trung Quốc cũng không nhiều lắm, chỉ trên dưới 5%. Chúng ta cố gắng giảm xuống để tránh phụ thuộc vào nguồn điện của nước ngoài. Bây giờ có thêm được 1 nguồn năng lượng nữa từ Lào thì khả năng năng lượng sẽ rộng hơn và mức phụ thuộc cũng sẽ giảm bớt hơn.

Chúng ta có thêm quyền lựa chọn, có quyền mặc cả để mua điện giá phù hợp hơn. Với Lào, giá điện đắt hay rẻ còn tùy thuộc vào hợp đồng chúng ta thương lượng với họ như thế nào. Nhưng đây cũng là điều tốt với Việt Nam”, ông Long phân tích.

Trong khi đó, PGS.TS Lê Văn Doanh khẳng định, dù khi thương thảo hợp đồng chúng ta có thể mua được điện giá rẻ của Lào nhưng thời gian tới, giá điện trong nước không giảm mà sẽ tăng để phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế.

“Giá điện Việt Nam hiện rẻ nhất thế giới. Chúng ta bán với giá 1.500-2.000 đồng là thấp so với thế giới. Giá điện ở Thái Lan phải đắt gấp rưỡi so với Việt Nam, của của Đức gấp 3 lần chúng ta. Giá điện của Việt Nam chỉ bằng 40% của Pháp.

Giá điện rẻ của như vậy đã hạn chế các công ty năng lượng mặt trời, gió không phát triển được mặc dù nhà nước đã có khuyến khích rồi. Giá điện phải tăng lên, nếu không thì sẽ không khuyến khích được đầu tư”, ông Doanh khẳng định.

Phân tích kỹ hơn quan điểm của mình, Chủ nhiệm khoa Điện & Bảo dưỡng Công nghiệp, Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội đưa dẫn chứng: “Giá điện trong nước rẻ sẽ dẫn tới một hệ quả là các nhà máy xi măng, các nhà máy thép ngày càng nhiều hơn. Đây là những ngành rất tốn năng lượng. Đơn cử như nhà máy thép Việt – Ý, Việt – Đức.

Nhà máy xi măng cũng vậy. Hiện nay Việt Nam đứng thứ 6 trên thế giới về sản xuất xi măng, và sản lượng còn nhiều hơn cả Mỹ vì giá điện của chúng ta quá rẻ. Trong tương lai, giá điện phải tăng lên chứ không phải chúng ta nhập điện của Lào về rồi giá rẻ đâu. Chúng ta phải cân đối, hài hòa nền kinh tế”.

Hoàng Nam - Báo Đất Việt​
 

Việc làm nổi bật

Top