Việt Nam tiếp tục nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Dự báo tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của Việt Nam năm 2016 lên đến 184 tỉ kWh, tăng cao so với con số 164 tỉ kWh năm 2015. Hiện Việt Nam đang phải nhập khẩu 3,1% nhu cầu điện từ Trung Quốc, Lào và sẽ tiếp tục nhập khẩu hơn 2% nhu cầu điện từ các nước này những năm tới.

Trên đây là thông tin được ông Nguyễn Hải Hà, Trưởng Ban Kỹ thuật sản xuất thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết tại hội thảo Việt – Pháp chuyên về ngành điện diễn ra tại TPHCM sáng nay (4-10).

83a55_son_la_1_online.jpg

Ông Hà cho biết tổng công suất lắp đặt nguồn điện cả nước tính đến hết năm 2015 là 38.642 MW. Trong đó, nguồn từ thủy điện chiếm 41,6%, nhiệt điện than 33%, turbin khí 18,7%, nhập khẩu 3,1% từ Trung Quốc và Lào, còn lại từ các nguồn khác.

Cũng theo ông Hà, tại Việt Nam hiện các nguồn thủy điện dần cạn kiệt, trong đó thủy điện lớn hầu như không còn, chỉ còn thủy điện nhỏ nên nguồn nhiệt điện than đang được ưu tiên phát triển. Xu hướng đến năm 2020 tỷ trọng nguồn nhiệt điện than sẽ tăng lên 49%, đến năm 2025 tăng lên 55% và sau đó sẽ giảm dần.

Để đảm bảo cung ứng điện cho nhu cầu tiêu thụ của quốc gia những năm tới, theo ông Hà, EVN sẽ từng bước đầu tư để cân bằng nguồn phát và phụ tải giữa các miền Bắc, Trung, Nam bởi hiện nay nguồn điện tập trung chủ yếu ở miền Bắc (chiếm hơn 60%), trong khi đó miền Nam đang thiếu hụt nguồn điện.

Bên cạnh phát triển các trung tâm điện lực lớn như Vĩnh Tân, Duyên Hải…, EVN tiếp tục phát triển các nguồn điện trung bình và nhỏ để cân bằng nguồn điện, phát triển nguồn năng lượng mới đáp ứng tiêu chuẩn môi trường và sử dụng công nghệ hiện đại, đa dạng các hình thức đầu tư phát triển nguồn, phát triển nguồn nhiệt điện với tỷ lệ hợp lý sử dụng than, khí, đặc biệt phát triển nguồn điện khí ở miền Nam, ưu tiên phát triển điện gió, năng lượng tái tạo, phát triển điện hạt nhân và tiếp tục nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào.

Mục tiêu đến năm 2020 tổng công suất nguồn điện trên cả nước đạt 60.000 MW (tăng gấp rưỡi hiện nay), đến năm 2025 tăng dần lên 96.500 MW và đến năm 2030 đạt 129.500 MW.

Ngoài ra, EVN tiếp tục phát triển thêm hệ thống truyền tải đồng bộ với nguồn điện, lấy hệ thống lưới điện đường dây 500 kV hiện có làm trọng tâm để truyền điện từ các trung tâm điện lực lớn về các trung tâm tiêu thụ vùng miền, tăng cường thêm hệ thống 220 kV và 110 kV.

Theo tính toán của EVN, nhu cầu vốn đầu tư phát triển lưới, nguồn đáp ứng phát triển ngành điện như đề cập ở trên sẽ rất lớn, khoảng 8-10 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Các giải pháp được đại diện EVN nêu ra là sẽ xây dựng cơ cấu giá điện hợp lý để đảm bảo cho đầu tư và chi phí cho sản xuất, đổi mới công tác quản lý để nâng cao hiệu quả lĩnh vực điện lực, bảo vệ môi trường và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.\

Thời báo Kinh tế Sài Gòn​
 

Việc làm nổi bật

Top