Vì sao dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 chậm tiến độ?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Theo dự kiến sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành năm 2019, nhà máy sẽ cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỷ kWh/năm. Tuy nhiên, cho tới lúc này, dự án đã chậm tiến độ hơn 19 tháng do nhiều nguyên nhân...

Khởi công từ tháng 5- 2015, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư; Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) làm tổng thầu EPC. Đây là một trong các dự án trọng điểm thuộc Quy hoạch điện VII, đồng thời cũng là 1 trong 3 nhà máy nhiệt điện của Trung tâm Điện lực Sông Hậu.

Theo dự kiến sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành năm 2019, nhà máy sẽ cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỷ kWh/năm. Tuy nhiên, cho tới lúc này, dự án đã chậm tiến độ hơn 19 tháng do nhiều nguyên nhân...

Chúng tôi đến công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 vào những ngày cuối cùng của năm 2017. Đưa chúng tôi đi thăm công trường, ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Ban dự án Sông Hậu 1 - Lilama, đại diện tổng thầu cho biết, nhà máy có tổng công suất 1.200 MW gồm 2 tổ máy (2x600MW). Tới thời điểm này, các máy biến áp chính đã được đưa vào vị trí và tiếp tục công tác lắp đặt phù hợp với kế hoạch đặt ra.

thumb_660_e71c7e88-3de6-4992-9d18-d7788b998589.jpg

Những vướng mắc về cơ chế khiến dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 chậm tiến độ.
Ngoài ra, công tác lắp đặt phần áp lực lò hơi 1 và 2 đạt khoảng 91% và 40%, đủ điều kiện thử áp vào giữa năm 2018; tất cả các hạng mục công trình đều đảm bảo chất lượng theo đúng thiết kế được phê duyệt; công tác thực hiện dự án đã đạt khoảng 48,74%, trong đó thiết kế đạt 87,68%, mua sắm đạt 65,21%, thi công đạt 36,53%.

Tuy nhiên, việc triển khai dự án hiện đang gặp nhiều khó khăn. Đó là gói thầu M05-Hệ thống khử lưu huỳnh, dù đã trải qua 30 tháng thực hiện dự án nhưng gói thầu FGD vẫn chưa được triển khai.

Việc này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thiết kế của hệ thống (FGD, ống khói) và là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến mốc hoàn thành bàn giao tổ máy 1 khoảng 19,5 tháng so với tiến độ cấp 3.

Không những thế, công tác bàn giao điện từ sân phân phối, Lilama mới nhận được thông tin chủ đầu tư sẽ không kịp bàn giao điện chạy thử đúng kế hoạch. Việc này đã dẫn đến kế hoạch chạy thử các hệ thống như xử lý nước, thử áp, bảo ôn hoàn thành hệ thống lò sẽ bị ảnh hưởng.

Theo ông Sơn, một vướng mắc lớn nhất hiện nay là dự án thực hiện áp dụng theo cơ chế đặc thù còn nhiều bất cập. Mặc dù Lilama và PVN đã có quy chế phối hợp rõ ràng cho công tác này nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc đối với một số vật tư nhỏ lẻ và một số chi tiết tiêu chuẩn áp dụng cao. Việc này cũng góp phần kéo dài thời gian mua sắm thêm từ 2-4 tháng.

Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là công tác thực thanh, thực thu theo Quyết định 2414/QÐ-TTg (Quyết định 2414) về việc điều chỉnh danh mục, tiến độ một số dự án điện và quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư các công trình điện cấp bách giai đoạn 2013 - 2020.

Quyết định 2414/QĐ-TTg cho phép áp dụng phương thức điều chỉnh giá nêu trong điều khoản Hợp đồng EPC đối với công tác thi công xây dựng, lắp đặt và gia công chế tạo trong nước khi thị trường có biến động về tỷ giá, đơn giá nhân công và giá nguyên vật liệu đầu vào, tạo điều kiện để tổng thầu/nhà thầu phụ có đủ chi phí thực tế khi thi công dự án.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã phát sinh rất nhiều chi phí thực tế hợp lý để điều chỉnh giá, nhưng do các bộ định mức chuyên ngành do ban hành đã lâu nên không còn phù hợp thưc tế; thậm chí nhiều khâu, công đoạn còn chưa được cập nhật vào hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn chỉnh hồ sơ, nghiệm thu nên chưa thể thanh quyết toán.

Để dẫn chứng, ông Phạm Hồng Sơn đưa ra một loạt ví dụ, như Định mức 3814/QĐ-BCN ngày 26-12-2006 cho công tác lắp đặt thiết bị nhà máy nhiệt điện, đối chiếu với thực tế thì một số công việc như: công tác thí nghiệm, kiểm tra không phá hủy phục vụ công tác lắp đặt (NDT), công tác đổ vữa không co ngót chèn bu lông móng, móng máy không được quy định dẫn đến khó khăn trong việc lập đơn giá để xác định chi phí và thanh toán cho nhà thầu. Bất cập nhất là Định mức 1776/BXD-VP ngày 16-8-2007 cho công tác xây dựng công trình.

Theo ông Sơn, về cơ bản định mức này không còn phù hợp đối với các hạng mục công trình xây dựng thuộc dự án nhà máy nhiệt điện và không đáp ứng đủ chi phí thi công. So với chi phí thực tế, nhiều công việc trong định mức hiện hành chỉ đáp ứng được khoảng 60-70% chi phí thi công thực tế.

Ngoài những quy định đã lạc hậu này, tại dự án Sông Hậu 1 hiện còn phát sinh những hạng mục/công việc chưa có định mức hoặc định mức chưa phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của dự án như:

Hệ giáo chống thi công dầm sàn tua bin máy phát; Gia công chế tạo, sơn hoàn thiện và lắp đặt kết cấu thép nhà tua bin, kho than; Hệ giáo an toàn và giáo hoàn thiện phục vụ thi công theo tiêu chuẩn an toàn cao của dự án nhiệt điện; Thi công bê tông khối lớn; Ván khuôn cho các kết cấu đặc thù; Yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt và tính thẩm mỹ cao; Chi phí biện pháp thi công cho một số hạng mục đặc thù: Cửa nhận nước, trạm bơm…

Do không có quy định hoặc quy định không phù hợp thực tế thi công đã khiến cho chủ đầu tư và tổng thầu vướng mắc vì không xác định được chi phí để chủ đầu tư thanh toán do không có cơ sở lập dự toán vì thiếu định mức. Việc vận dụng từ các dự án khác vẫn chưa đủ cơ sở do các dự án trước đó áp dụng hình thức trọn gói chi phí thi công, xây dựng.

Nhà thầu thì bị đọng vốn, hoàn toàn bị động trong việc xác định doanh thu và cân đối chi phí thi công. Không những thế, việc thi công song song với việc phê duyệt dự toán và xác định chi phí nên nhà thầu hoàn toàn bị động về việc xác định doanh thu-chi phí, gây khó khăn cho công tác huy động vốn.

"Chính vì những bất cập này mà có nhiều nhà thầu phụ là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) như PVC-IC, PVC-Bình Sơn, PVC-Đông Đô… đã trả lại công việc; một số đơn vị xây dựng mạnh như CC1, Bạch Đằng dù được Lilama mời nhưng không mặn mà tham gia", ông Sơn nói.

Trước những khó khăn này, cuối tháng 10-2017, PVN đã thành lập Tổ đơn giá/định mức.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, việc hoạt động của tổ chưa đáp ứng được yêu cầu và tính cấp bách của công việc: các định mức cần lập mới chưa được triển khai; các dự toán/đơn giá mới vẫn không được phê duyệt mà chỉ có mục đích sử dụng để tạm thanh toán…

Nguyên nhân chủ yếu của việc này là nguyên tắc thanh toán và điều chỉnh giá của Hợp đồng EPC chưa được phê duyệt; chưa có ý kiến hướng dẫn chỉ đạo rõ ràng của các cấp có thẩm quyền…

Vì vậy ông Sơn kiến nghị, để tháo gỡ khó khăn do áp dụng Quyết định 2414 như hiện nay, các Bộ ngành chủ quản liên quan cần tiếp tục nghiên cứu và ban hành thông tư hướng dẫn riêng và chi tiết hơn cho quyết định này. Đặc biệt là phương pháp tính điều chỉnh giá.

Được biết vào đầu tháng 10-2017, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã vào kiểm tra việc triển khai dự án. Thứ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu PVN đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình duyệt các thay đổi trong dự án, điều chỉnh trong thi công, để giải quyết ngay những vướng mắc.

Vậy PVN với vai trò là chủ đầu tư sẽ có giải pháp cụ thể nào để tháo gỡ? Để trả lời cho câu hỏi này, ngày 26-12-2017, phóng viên Báo CAND đã liên hệ với ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Chánh văn phòng PVN đề nghị bố trí một cuộc phỏng vấn lãnh đạo Tập đoàn hoặc người phụ trách dự án.

Ông Hùng yêu cầu gửi câu hỏi trước qua email. Phóng viên đã gửi câu hỏi, tuy nhiên cho tới thời điểm này đã hơn 10 ngày nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi. Khi chúng tôi liên hệ với ông Hùng qua điện thoại thì ông nói đang trình và chưa trả lời được vì thời điểm này tập đoàn rất nhiều việc (?).

Nguyễn Thiêm
Công An Nhân Dân
 

Việc làm nổi bật

Top