Vai trò ngành dầu khí trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
An ninh năng lượng chính là việc bảo đảm đầy đủ những nguồn cung cho nhu cầu sản xuất và đời sống. Các quốc gia xuất khẩu năng lượng sẽ nhấn mạnh khía cạnh bảo đảm nguồn cầu trong hoạt động xuất khẩu của mình, còn các quốc gia nhập khẩu lại quan tâm đến mức giá, nguồn cung ổn định, thuận tiện.

An ninh năng lượng và bảo đảm an ninh năng lượng

Trong thời gian từ thập niên 60 của thế kỷ XX trở về trước, nhu cầu về năng lượng của các quốc gia nhìn chung được bảo đảm tương đối ổn định qua thị trường. Song có một thực tế là các sản phẩm công nghiệp chế biến luôn có giá so sánh cao hơn giá nguyên nhiên liệu trên thị trường và vì vậy các nước phát triển luôn có lợi thế và giành được nguồn lợi từ chính tình trạng này. Với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào độc lập dân tộc, việc khai thác thuộc địa trở nên khó khăn, việc tranh chấp các nguồn tài nguyên ngày càng quyết liệt. Đó cũng là chất xúc tác dẫn đến cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 - 1974. Tình trạng ngắt quãng hoặc không ổn định trong cung cấp dầu mỏ đã tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới, đẩy nền kinh tế thế giới lâm vào tình trạng khủng hoảng kép, khủng hoảng cơ cấu đi liền khủng hoảng chu kỳ. Thời kỳ này, an ninh năng lượng được hiểu theo nghĩa hẹp đồng nghĩa với an ninh dầu mỏ, tức là bảo đảm khả năng tự cung cấp dầu ở mức cao nhất, đồng thời giảm mức nhập khẩu dầu và kiểm soát được những nguy cơ đi kèm việc nhập khẩu.

vai-tro-9-11.jpg

Sau cuộc khủng hoảng này, nhiều quốc gia đã có chuyển đổi trong cơ cấu tiêu dùng năng lượng, giảm bớt dầu khí, phát triển các nguồn năng lượng mới. Đặc biệt từ cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, quá trình liên kết, hội nhập quốc tế được thúc đẩy, toàn cầu hóa kinh tế trở thành xu thế trong nền kinh tế thế giới. Bối cảnh này đã làm cho quan niệm về an ninh nói chung và an ninh năng lượng nói riêng có sự chuyển dịch, mở rộng. An ninh trong bối cảnh này chính là an ninh tương tác, việc bảo đảm các điều kiện cho sản xuất và đời sống của các quốc gia, của những nước xuất khẩu hay nhập khẩu đều gắn bó ràng buộc lẫn nhau.

Mặc dù các quốc gia đã có sự điều chỉnh trong cơ cấu kinh tế, song cùng với sự gia tăng về tổng lượng kinh tế, mức tiêu dùng năng lượng của nhân loại tăng lên nhanh chóng trong những thập niên vừa qua. Từ những năm 90 của thế kỷ XX đến nay, mỗi năm bình quân một người tiêu thụ khoảng 1,6 tấn dầu quy đổi. Tuy nhiên mức tăng tiêu dùng năng lượng có sự khác biệt khá lớn giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước kinh tế phát triển và những nước có thu nhập cao có mức tiêu dùng năng lượng bình quân theo đầu người ở mức cao nhất, cũng chính vì vậy, mức tiêu dùng năng lượng của nhóm này chiếm hơn một nửa tổng số năng lượng được sản xuất ra trên thế giới; trong khi đó những nước nghèo có mức tiêu dùng năng lượng thấp nhất, và tính chung mức tiêu dùng năng lượng của các nước đang phát triển chỉ chiếm 1/3 tổng mức tiêu dùng năng lượng thế giới.

Trong cơ cấu năng lượng của nền kinh tế thế giới, dầu khí là nguồn năng lượng quan trọng bậc nhất, đang đóng góp 64% tổng năng lượng đang sử dụng toàn cầu, 36% năng lượng còn lại là gỗ, sức nước, sức gió, địa nhiệt, ánh sáng mặt trời, than đá, và nhiên liệu hạt nhân. Mặc dù các quốc gia đã triển khai các kế hoạch đa dạng hóa trong cơ cấu tiêu dùng, nhưng nhìn về cơ cấu kinh tế vẫn thể hiện rõ nền kinh tế tiêu thụ nhiều dầu khí. Có thể nói trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, an ninh năng lượng là một trong những vấn đề toàn cầu hết sức bức thiết. Có bảo đảm được an ninh năng lượng cho phát triển sản suất và đời sống hay không nó tác động ngay đến sự ổn định quốc gia và an sinh xã hội. Bảo đảm an ninh năng lượng chính là cơ sở cho phát triển kinh tế bền vững. Và để bảo đảm được an ninh năng lượng trong bối cảnh hiện nay không thể chỉ là sự cố gắng của một quốc gia riêng lẻ nào, mà phải có sự hợp tác, liên kết của cộng đồng, kể cả các quốc gia xuất khẩu cũng như các quốc gia nhập khẩu năng lượng. Một khi tình trạng an ninh năng lượng ở một quốc gia bị đe doạ lập tức sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng ở các quốc gia khác. Chính vì vậy, không thể thiếu sự hợp tác giải quyết bảo đảm an ninh năng lượng chung của các nền kinh tế.

Để bảo đảm an ninh năng lượng, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, các quốc gia đã triển khai các giải pháp mang tính chiến lược như sau:

Thứ nhất, các quốc gia đều chú trọng đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng. Việc đa dạng hóa này nhằm tránh phụ thuộc vào một nguồn cung, từ đó cho phép hạn chế sự gián đoạn cung cấp năng lượng cho nền kinh tế, đồng thời tạo điều kiện cho lựa chọn nguồn cung, giảm giá thành đầu vào, nâng cao hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực sử dụng nhiều dầu khí.

Thứ hai, tập trung xây dựng các cơ sở dự trữ đủ lớn, bảo đảm nguồn cung trong thời gian nhất định khi có khó khăn, thậm chí sự gián đoạn nguồn cung do các yếu tố khách quan như thiên tai, chiến tranh… Bên cạnh đó, cùng với dự trữ trực tiếp các nguồn năng lượng, cần dự phòng các trang thiết bị, vật tư hàng hóa để bảo đảm duy trì hoạt động ổn định của các cơ sở công nghiệp năng lượng.

Thứ ba, mở rộng liên kết và hội nhập trong hoạt động kinh tế nói chung, trong bảo đảm an ninh năng lượng nói riêng. Trong bối cảnh hiện nay, an ninh quốc gia được hiểu là an ninh tương tác, chỉ có mở rộng các quan hệ kinh tế, liên kết hội nhập thông qua các thỏa thuận, cam kết hội nhập làm cơ sở cho bảo đảm an ninh kinh tế nói chung, an ninh năng lượng nói riêng. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng thúc đẩy sự gia tăng của các thỏa thuận song phương và đa phương từ những năm 90 của thế kỷ XX đến nay.

Thứ tư, cùng nhau thúc đẩy dân chủ hóa và toàn cầu hóa trong tiếp cận các nguồn năng lượng, cùng hợp tác đấu tranh chống độc quyền trong nguồn cung. Tiến tới xây dựng các thỏa ước và định chế quốc tế cùng nhau bảo đảm ổn định nguồn cung, bảo đảm lợi ích của các nhà xuất khẩu cũng như thuận lợi hóa cho các nhà nhập khẩu năng lượng.

Thứ năm, đi liền đa dạng hóa nguồn cung là đa dạng hóa nguồn năng lượng sử dụng. Các quốc gia đã chủ động cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là các quốc gia phát triển, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào một dạng năng lượng cụ thể. Bên cạnh đó là sử dụng các thành tựu khoa học công nghệ để giảm mức tiêu hao năng lượng trong sản xuất và đời sống, nâng cao hiệu năng của một đơn vị năng lượng.

Nhu cầu năng lượng và vai trò của ngành dầu khí trong bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta

Hiện nay, cơ cấu của nền kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển đổi từ phát triển theo chiều rộng sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu, từ thâm dụng nhiên liệu năng lượng và vốn, lao động sang áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ để nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, nâng cao năng suất lao động.

Theo tính toán của các chuyên gia, nhu cầu năng lượng sơ cấp cho nền kinh tế năm 2010 quy đổi là 61.123 KTOE (hệ số quy đổi năng lượng), trong khi đó khả năng đáp ứng từ năng lực nội địa là 76.889 KTOE. Tuy nhiên, với sự mở rộng quy mô kinh tế, nhu cầu năng lượng tăng lên, trong khi đó năng lực đáp ứng nội địa có giới hạn nên giai đoạn 2010-2015, được xem là giai đoạn chuyển đổi từ cân đối nội địa sang phải bổ sung từ nguồn cung cấp bên ngoài, với số liệu được tính toán vào năm 2015 thì nhu cầu năng lượng sơ cấp 91.675 KTOE, khả năng cung cấp nội địa là 89.402 KTOE. Với tốc độ tăng tiêu thụ năng lượng như hiện nay của nền kinh tế, chúng ta khó duy trì bảo đảm nguồn cung nội địa. Theo dự tính đến năm 2020 nhu cầu năng lượng sơ cấp sẽ là 148.786 KTOE, trong khi đó cung nội địa chỉ đáp ứng 96.172 KTOE.

Việc gia tăng nhu cầu năng lượng của nền kinh tế gắn liền với mở rộng quy mô kinh tế. Nhìn chung mức tiêu thụ năng lượng của các nền kinh tế thế giới đều tăng trong những thập niên qua. Chẳng hạn, trong 3 thập niên từ năm 1976 đến năm 2006, tổng mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp trên thế giới đã tăng từ 6 tỷ tấn quy dầu (TOE) một năm lên 12 tỷ tấn quy dầu. Ở Việt Nam mức tăng tiêu dùng năng lượng ngoài việc gia tăng quy mô kinh tế, còn gắn liền với việc sử dụng không hiệu quả do trang thiết bị lạc hậu, cơ cấu kinh tế thiên về thâm dụng nguyên nhiên vật liệu và quan trọng là ý thức tiết kiệm trong sử dụng còn hạn chế. Chính vì vậy, tiêu hao năng lượng trong công nghiệp của Việt Nam gấp 1,5 - 1,7 lần so với các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Tỷ lệ giữa nhu cầu năng lượng so với mức tăng trưởng GDP của Việt Nam cao gấp khoảng 2 lần, trong khi ở các nước phát triển tỷ lệ này dưới 1. Với mức tăng này, trong tương lai, việc bảo đảm an ninh năng lượng là một thách thức lớn.

Có thể thấy cơ cấu tiêu thụ năng lượng của Việt Nam hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào than và dầu khí. Mức tiêu thụ than chiếm khoảng hơn 30%, tương ứng với mức tiêu thụ dầu và khí, còn lại dựa vào các nguồn thủy điện và năng lượng tái tạo,... Theo dự báo, nhu cầu năng lượng hóa thạch (dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, than đá) vẫn chưa thể giảm, và sẽ chiếm tới 78% nhu cầu vào năm 2040. Tuy nhiên, trong những năm tới nguồn than và dầu khí khai thác khó gia tăng, nên cần có chiến lược phát triển hướng tới gia tăng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, các nguồn năng lượng mới.

Đối với than, ở nước ta với tổng trữ lượng đã tìm kiếm thăm dò khoảng 6,14 tỷ tấn, mỗi chu kỳ kế hoạch 5 năm, tổng sản lượng khai thác than tăng khoảng 1 - 5 triệu tấn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo Quy hoạch điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, triển vọng đến năm 2030 (phê duyệt tại Quyết định số 403/2016/QĐ-TTg ngày 14-3-2016) nhu cầu than của nền kinh tế quốc dân ngày càng tăng cao, cụ thể đến năm 2020 là 86,4 triệu tấn, năm 2025 là 121,5 triệu tấn và năm 2030 là 156,6 triệu tấn.

Trong những năm trước đây, để giải quyết nhu cầu năng lượng chúng ta chủ yếu dựa vào ngành than. Chúng ta đã đẩy mạnh khai thác đáp ứng nhu cầu của sản xuất và đời sống, thậm chí còn xuất khẩu, có năm chúng ta đã xuất khẩu đến 20 triệu tấn. Tuy nhiên, nguồn than dự trữ là có hạn, hơn nữa điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, đòi hỏi chi phí cao đối với những mỏ ở sâu, và độ rủi ro vì vậy cũng tăng lên. Trong khi đó cạnh tranh trên thị trường than ngày càng gay gắt, do giá cả than nhập khẩu thấp hơn than khai thác, chất lượng cũng cao hơn. Điều này cho thấy việc nâng cao sản lượng khai thác than khó khăn, thậm chí phải thông qua nhập khẩu mới đáp ứng được nhu cầu. Riêng năm 2016 chúng ta đã phải nhập tới gần 10 triệu tấn than và dự kiến mức nhập khẩu này sẽ tăng trong những năm tới.

Đối với thủy điện, chúng ta đã tập trung khai thác ở mức cao nhất. Ngay trong thời gian chiến tranh chúng ta cũng đã tập trung đầu tư một số công trình thủy điện. Bước vào giai đoạn đổi mới, ta đã tập trung nguồn lực và thông qua hợp tác xây dựng nhiều công trình thủy điện tầm cỡ, khai thác triệt để tiềm năng thủy điện ở các lưu vực sông chính. Theo dự báo, kế hoạch phát triển thủy điện trong tổng sơ đồ điện VII đến năm 2020, toàn bộ trữ lượng tiềm năng kinh tế - kỹ thuật của thủy điện lớn sẽ được khai thác hết.

Bên cạnh khai thác tiềm năng thủy điện ở các dòng sông lớn, với chủ trương phủ điện tới các vùng sâu, vùng xa, chúng ta cũng đã đầu tư bằng các nguồn vốn khác nhau, kể cả vốn xã hội hóa đối với các năng lượng thủy điện nhỏ và cực nhỏ. Các công trình này đã góp phần cải thiện đời sống của người dân, cũng như đóng góp bảo đảm an ninh, quốc phòng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.

Nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối có nhiều tiềm năng. Do Việt Nam nằm trong giới hạn giữa xích đạo và chí tuyến Bắc, thuộc vùng nội chí tuyến có ánh nắng mặt trời chiếu sáng quanh năm, nên có thể nói có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời. Tuy nhiên hiện nay do nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, nhất là với điện gió, hơn nữa cơ chế chính sách và tâm lý trong tiêu dùng năng lượng, nhất là với người dân vẫn quen với than và dầu. Đây là những hạn chế ảnh hưởng đến việc gia tăng tiêu dùng dạng năng lượng mặt trời.

Nguồn năng lượng sinh khối ở Việt Nam cũng khá dồi dào. Điều này gắn liền với đặc trưng của nền kinh tế nước ta, bởi lẽ, ngành nông nghiệp của Việt Nam phát triển khá mạnh trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua. Các sản phẩm và phế thải từ ngành nông nghiệp, cả trồng trọt và chăn nuôi đa dạng và dồi dào, là tiềm năng cho phát triển nguồn năng lượng sinh khối. Bên cạnh đó cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, khối lượng rác thải hữu cơ cũng gia tăng, đòi hỏi chúng ta cần xây dựng quy trình xử lý khoa học, tận dụng nguồn nhiệt năng từ nguồn rác thải hữu cơ này.

Bên cạnh các nguồn năng lượng trên, Việt Nam cũng có nguồn năng lượng gió, năng lượng từ thủy triều, địa nhiệt. Vấn đề là, cần có cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư để góp phần gia tăng nguồn năng lượng cho nền kinh tế-xã hội, cũng như góp phần điều chỉnh cơ cấu năng lượng cho phù hợp với xu thế phát triển thế giới: tăng trưởng nhưng không tăng tiêu dùng năng lượng. Từ năm 2011 đến năm 2030, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam theo chỉ tiêu GDP dao động trong mức từ 7% đến 8,6%. Với mức tăng trưởng này sẽ kéo theo sự gia tăng về nhu cầu năng lượng. Các nghiên cứu cũng đã dự báo về nhu cầu sử dụng năng lượng cho giai đoạn 2010 - 2030 tương ứng là: tỷ lệ tiêu thụ điện năng tăng từ 15,2% lên 32,1%; tiêu thụ than giảm nhẹ từ 20,1% xuống còn 18,2%; sử dụng khí đốt tăng từ 1% lên 1,6%; sản phẩm dầu tăng từ 33,7% lên 40,6%... Với mức tăng trưởng tiêu dùng năng lượng như vậy, từ năm 2025 đến năm 2030 khả năng thiếu năng lượng cho nhu cầu tăng trưởng kinh tế là khó tránh khỏi.

Đối với nguồn dầu khí, Việt Nam được đánh giá là quốc gia thuộc nhóm nước có tổng trữ lượng dầu khí có thể đưa vào khai thác khoảng từ 3,8 đến 4,2 tỷ tấn quy đổi (TOE), trong đó trữ lượng đã được xác định khoảng 60%. Trong những năm qua chúng ta đã thăm dò, khai thác đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, tăng thu ngân sách, góp phần khẳng định chủ quyền và an ninh trên biển.

Ngành dầu khí là ngành đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách quốc gia. Có thời điểm đóng góp của ngành dầu khí lên tới 25 - 29% tổng ngân sách. Tại thời điểm hiện nay, dù đang phải đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu không ổn định, không còn cao như giai đoạn trước, kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhưng ngành dầu khí vẫn cố gắng duy trì sản xuất và đóng góp trên 10% tổng ngân sách. Đối với tỷ phần trong GDP, trong những năm qua, ngành dầu khí luôn duy trì vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, trong khi khối doanh nghiệp nhà nước đóng góp khoảng 42% GDP của cả nước, riêng ngành dầu khí đã chiếm khoảng 20 - 26% GDP, mức cao nhất so với cả nước trong giai đoạn 2008 - 2015.

Trong những năm gần đây tỷ lệ đóng góp của ngành dầu khí vào ngân sách nhà nước cũng như vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế có giảm đi, do ngành đang gặp không ít khó khăn từ sự suy giảm giá dầu, kéo theo đó là mức đầu tư cho thăm dò khai thác cũng bị hạn chế. Tuy nhiên mức giảm tỷ lệ còn do sự tăng trưởng của các lĩnh vực kinh tế khác. Vai trò ngành dầu khí cũng được thể hiện trong cơ cấu tiêu dùng năng lượng của nền kinh tế. Cùng với than, dầu khí là nguồn năng lượng chính bảo đảm cho nhu cầu của nền kinh tế. Với cơ cấu kinh tế hiện nay, cho dù chúng ta đang thúc đẩy chuyển dịch sang phát triển theo chiều sâu, song việc tiêu thụ nguồn năng lượng dầu khí vẫn tiếp tục tăng. Cùng với khai thác tại Việt Nam, ngành dầu khí cũng đã mở rộng hợp tác quốc tế, đầu tư khai thác bên ngoài, gia tăng lợi nhuận. Điều này không chỉ khẳng định sự phát triển của ngành dầu khí mà còn gia tăng năng lực bảo đảm an ninh năng lượng cho nền kinh tế.

Sự phát triển của ngành dầu khí còn góp phần bảo đảm môi trường tăng trưởng và giải quyết việc làm, an sinh xã hội. Đặc biệt sự phát triển khai thác dầu khí trên biển đã góp phần quan trọng khẳng định chủ quyền lãnh hải Việt Nam. Các nguồn lực đem lại từ phát triển ngành dầu khí góp phần cân đối vĩ mô, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng chung của cả nền kinh tế, góp phần cải thiện mức sống cho người dân. Như vậy, với sự đóng góp của mình, ngành dầu khí có vai trò rất quan trọng trong bảo đảm an ninh kinh tế nói chung, an ninh năng lượng nói riêng.

Tiếp tục phát triển có hiệu quả ngành dầu khí góp phần bảo đảm an ninh năng lượng

Để có thể bảo đảm năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế cần đổi mới quan điểm phát triển. Trước đây, quy mô cũng như trình độ phát triển của nền kinh tế còn khiêm tốt, đồng thời khả năng khai thác cũng như dự trữ nguồn năng lượng còn dồi dào nên kinh tế phát triển đến đâu, chúng ta đều bảo đảm được cơ bản nguồn năng lượng. Tuy nhiên, trong vài năm lại đây, do biến động thị trường năng lượng, cùng với dự trữ nguồn than ngày càng giảm, nên vấn đề tự cân đối gặp nhiều khó khăn. Chúng ta từ nước xuất khẩu than đã chuyển thành nước nhập khẩu than cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn dự trữ có hạn trong khi quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng trở thành một trong những vấn đề then chốt cho duy trì tăng trưởng. Nếu chúng ta không đổi mới quan điểm phát triển, theo hướng giảm ngành sử dụng than, dầu, chuyển mạnh sang phát triển các ngành sử dụng các dạng hình năng lượng khác, đồng thời với sử dụng tiết kiệm năng lượng sẽ khó bảo đảm an ninh năng lượng. Mặt khác cần chú trọng hướng tăng trưởng xanh, tăng trưởng nhưng không tăng tiêu thụ năng lượng.

Hiện nay, trong cơ cấu năng lượng, dầu khí chiếm tới 1/3 trong tổng tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế nước ta. Do vậy, việc đầu tư phát triển ngành dầu khí có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng nước nhà, nhất là khi ngành than khai thác gặp nhiều khó khăn. Trong nhiều việc phải làm để thúc đẩy phát triển ngành dầu khí theo Nghị Quyết 41-NQ/TW, ngày 23-7-2015 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, trước mắt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nền kinh tế, cần tập trung một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động của ngành dầu khí, về khó khăn thuận lợi hiện nay, tiếp tục tạo sự đồng thuận, tập trung nguồn lực để thúc đẩy ngành dầu khí trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt cũng sự bất ổn của giá dầu hiện nay. Tuyên truyền cần làm rõ mặt được và hạn chế, đâu là do nguyên nhân chủ quan và đâu là do nguyên nhân khách quan. Đặc biệt cần làm rõ đặc tính kinh tế - kỹ thuật đặc thù của ngành dầu khí, nhất là trong khâu khai thác thăm dò để tạo niềm tin và sự đồng thuận trong xã hội.

Bên cạnh đó, cần làm rõ những bất cập trong quá trình phát triển những năm vừa qua, cái gì do chưa hoàn thiện về cơ chế chính sách, cái gì là do hạn chế yếu kém trong quản lý ở giai đoạn đầu của ngành dầu khí nước nhà, cũng như trách nhiệm của các tập thể và cá nhân. Với mục tiêu hướng tới khắc phục, tập trung nguồn lực, tạo cơ chế chính sách hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Ngành dầu khí Việt Nam không thể tách rời thị trường dầu khí toàn cầu, muốn phát triển phải xây dựng được ngành dầu khí hiện đại, hoạt động hiệu quả phải tuân thủ các tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật quốc tế.

Thứ hai, tập trung nguồn lực khắc phục khó khăn khách quan từ sự cạnh tranh trên thị trường dầu khí do giá cả giảm so với giai đoạn trước. Muốn vậy phải có giải pháp để tiết kiệm chi phí thông qua áp dụng công nghệ mới, hợp lý hóa tổ chức trên quy mô tập đoàn cũng như trong từng đơn vị thành viên để có sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau. Trên cơ sở đầu tư nghiên cứu, áp dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao hệ số thành công trong thăm dò, hệ số thu hồi, sử dụng tài nguyên một cách tối ưu… Có như vậy mới giảm được giá thành trung bình cho 1 tấn trữ lượng thăm dò và khai thác, tăng tính cạch tranh trong điều kiện giá dầu thấp, cũng như tạo nguồn lực để tiếp tục duy trì thăm dò khai thác, từ đó nâng cao tiềm năng và trữ lượng dầu khí.

Thứ ba, đẩy mạnh tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng nói chung, trong đó có dầu khí. Cần nâng cao ý thức tiết kiệm trong tiêu dùng, cũng như triển khai các giải pháp công nghệ mới trong quá trình sản xuất để nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng các nguồn năng lượng. Trên thực tế khả năng khai thác dầu thô dự báo đến năm 2020 sẽ sụt giảm, chỉ còn bảo đảm được ở mức 16-17 triệu tấn/năm. Chính vì vậy, để bảo đảm nhu cầu gia tăng, đáp ứng kịch bản tăng trưởng, việc mở rộng hợp tác khai thác ở nước ngoài cần đi liền với sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn năng lượng dầu khí trong sản xuất. Bên cạnh đó tiếp tục tuyên truyền trong nhân dân về ý thức tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, đẩy mạnh việc thực hiện “Chương trình quốc gia về tiết kiệm và hiệu quả năng lượng”.

Thứ tư, cần đẩy mạnh việc cơ cấu lại các lĩnh vực hoạt động của tập đoàn, tập trung phát triển đồng bộ các khâu của ngành công nghiệp dầu khí, từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, lọc hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Việc tái cơ cấu tập đoàn cần theo hướng tạo cơ chế bảo đảm sự liên thông về các nguồn lực trong toàn tập đoàn, để có thể tập trung khi triển khai các nhiệm vụ mục tiêu lớn có tính trọng điểm.

Thứ năm, có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp dầu khí phát triển. Các định hướng cơ bản đã được xác định trong Nghị quyết 41-NQ/TW, vấn đề cần cụ thể hóa và lãnh đạo triển khai thực hiện. Trong điều kiện giá dầu giảm, ảnh hưởng không chỉ đến nguồn thu mà còn ảnh hưởng đến quá trình tái đầu tư. Ngành dầu khí đòi hỏi nguồn đầu tư ban đầu lớn, nếu không có cơ chế, chính sách cho việc trích lập quỹ tái đầu tư hợp lý, đủ tạo nguồn cho đầu tư thăm dò và sau là khai thác chế biến, sẽ không thể tạo được năng lực và sức cạnh tranh trong thị trường dầu khí quốc tế.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với nước ngoài trong thăm dò, khai thác dầu khí không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các thị trường bên ngoài. Trên thực tế trong những năm qua, ngành dầu khí đã tích cực tham gia vào thị trường dầu mỏ toàn cầu, hợp tác khai thác với Mông Cổ, Ma-lai-xia, An-gie-ri, Cam-pu-chia, Nga, Cu-ba… Trong các dự án này đã có dự án cho sản phẩm, đóng góp vào nguồn thu chung của ngành dầu khí. Để tiếp tục định hướng này, một mặt cần nâng cao năng lực cạnh tranh và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp dầu khí, mặt khác cần cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động đầu tư ra nước ngoài./.

Hà Nam
Tạp chí Cộng sản​
 

Việc làm nổi bật

Top