Tìm cơ hội với nhóm cổ phiếu dầu khí

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Kỳ vọng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong cuộc họp diễn ra vào ngày 30/11 khiến giá dầu thô tăng vọt lên mức cao nhất 3 tuần. Sự kiện quan trọng được dự báo sẽ quyết định đến xu hướng tiếp theo của nhóm cổ phiếu dầu khí.

Rủi ro giảm dần

Dự báo về động thái của OPEC, ông Lê Anh Minh, Trưởng bộ phận Phân tích, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBS) cho rằng, nội khối OPEC khó có thể đạt được thỏa thuận cắt giảm đáng kể sản lượng khai thác. Lý do là bởi vẫn tồn tại nhiều xung đột lợi ích giữa các nước bên trong OPEC.

06_RNFZ.jpg

Bên cạnh đó, nếu có cắt giảm thì lượng cắt giảm cũng không đủ lớn để tạo lực đẩy cho xu hướng tăng mới của giá dầu. Thêm nữa, các nước thành viên OPEC cũng có tiền lệ xấu trong quá khứ là thường ngấm ngầm vi phạm thỏa thuận về cắt giảm sản lượng, thông qua việc xuất khẩu dầu mỏ thông qua các con đường tiểu ngạch, không chính thức…

Ông Minh cũng lưu ý rằng, trong trường hợp OPEC đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng và các bên tuân thủ nghiêm túc và giá dầu đi lên thì ngay lập tức nguồn cung sẽ gia tăng từ các mỏ dầu đá phiến tại Bắc Mỹ. Các mỏ này đang tạm thời “đắp chiếu” hoặc giảm sản lượng để chờ thời cơ giá dầu khởi sắc trở lại.

Theo quan điểm của VPBS, giá dầu sẽ khó tăng mạnh và các doanh nghiệp ngành dầu khí sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, ít nhất là đến giữa năm 2017. Tuy nhiên, các doanh nghiệp như Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS), Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS), Công ty cổ phần Kinh doanh khí miền Nam (PGS), Công ty cổ phần Kết cấu kim loại và lắp máy Dầu khí (PXS)… dự kiến sẽ ít gặp khó khăn hơn nhóm doanh nghiệp “thượng nguồn” như Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD), Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (PVC), Công ty cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB).

Giá dầu Brent chốt phiên giao dịch cuối tuần qua ở mức 49 USD/thùng và có một tuần tăng giá tích cực khi kế hoạch cắt giảm sản lượng đã được các các thành viên OPEC thông qua và chờ kết quả cụ thể hơn về lượng cắt giảm trong cuộc họp vào tuần này. Ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, giá dầu Brent vẫn đang trong xu hướng tăng trung hạn, hiện biến động trong vùng giá 45 - 50 USD/thùng và xu hướng ngắn hạn đã có chuyển biến tích cực hơn.

Nhìn chung, rủi ro giá dầu đã có chiều hướng giảm dần, mặc dù vậy lượng cung vẫn còn rất lớn, nên sự hồi phục của giá dầu lần này sẽ chậm hơn so với đợt hồi phục của mặt hàng này trong năm 2009.

Nhiều chuyên gia phân tích nhận định, giá dầu khó duy trì mức tăng mạnh trong thời gian tới, ngoài việc phụ thuộc vào thỏa thuận mới đạt được của OPEC thì nhu cầu được dự báo chưa có sự gia tăng mạnh trong ngắn hạn, khi nhiều nền kinh tế trên thế giới đang tăng trưởng chậm lại.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra dự báo, kinh tế Mỹ năm 2016 sẽ chốt mức tăng trưởng 1,6%, thấp hơn mức 2,2% dự báo trước đó, tăng trưởng của các nước phát triển cũng bị hạ 0,2% so với dự báo trước. Trong khi đó, IMF dự báo Trung Quốc có mức tăng trưởng thấp hơn năm 2015.

Tìm cơ hội với nhóm cổ phiếu dầu khí


Nhóm cổ phiếu ngành dầu khí thường có biến động tỷ lệ thuận với diễn biến giá dầu. Nhìn nhận về cơ hội đầu tư với nhóm cổ phiếu ngành này, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, Công ty Chứng khoán Maritime (MSI) cho biết, nhóm doanh nghiệp dầu khí là nhóm ngành cơ bản, các doanh nghiệp lớn trong ngành đều có nền tảng tài chính tốt, nhiều cổ phiếu trong ngành dầu khí hiện nay đã giảm giá rất mạnh so với bình quân thị trường, tỷ lệ P/E hiện tương đối hấp dẫn. Xét về dài hạn, với nhà đầu tư giá trị thì cổ phiếu ngành dầu khí vẫn là một lựa chọn hấp dẫn.

Theo ông Khánh, với các mã PVD, PVS, PVC, nhóm cổ phiếu chịu ảnh hưởng lớn nhất từ diễn biến giá dầu so với các doanh nghiệp trong ngành, chỉ số P/E và P/B của nhóm này đang ở mức thấp hơn đáng kể so với trung bình ngành.

Thực tế, giá dầu Brent tăng hơn 75% kể từ đầu năm 2016 đến nay, điều này đã tác động tích cực lên nhóm cổ phiếu dầu khí. Nhiều công ty chứng khoán cũng khuyến nghị nhà đầu tư có thể cân nhắc thêm vào danh mục những cổ phiếu dầu khí có chỉ số P/E và P/B đã ở mức chiết khấu cao so với lịch sử và mức độ tương quan cao với giá dầu.

Trong khi đó, ông Lê Anh Minh đưa ra khuyến nghị, đối với nhóm cổ phiếu dầu khí, phương pháp đầu tư “top-down” phù hợp hơn, tức là đi từ vĩ mô xuống vi mô. Cụ thể, nhà đầu tư nên để ý đến các điều kiện, diễn biến của ngành trước, rồi mới chọn mã cổ phiếu trong ngành mà mình ưa thích.

Có quan điểm thận trọng về diễn biến giá dầu cũng như triển vọng cổ phiếu ngành dầu khí trong ngắn hạn, VPBS cho rằng, rủi ro vẫn còn hiện hữu nên nhiều khả năng giá dầu sẽ vẫn đi ngang trong biên độ 42 - 50 USD/thùng trong vòng 3 - 6 tháng tới. Mặc dù vậy, vẫn có những cổ phiếu được VPBS đánh giá là ổn định và có khả năng chống chọi tương đối tốt với tình hình bất lợi như PVS, PXS…

Xét các chỉ số định giá P/E và P/B, nhiều chuyên gia đánh giá, nhóm cổ phiếu dầu khí đang được thị trường định giá là tương đối thấp và khá hấp dẫn so với các nhóm cổ phiếu khác. Tuy nhiên, những khó khăn hiện tại vẫn còn khiến kết quả kinh doanh của nhóm cổ phiếu này chưa được cải thiện tích cực.

Theo dự báo, trong thời gian tới, giá dầu Brent sẽ kiểm định lại mức 54 USD/thùng và nếu vượt được mức này thì nhiều khả năng sẽ tiến lên các mức cao hơn, có thể đạt 70 USD/thùng. Đây là yếu tố sẽ hỗ trợ tích cực đến nhóm cổ phiếu dầu khí khi điểm lợi nhuận của các doanh nghiệp dầu khí là ở mức 60 USD/thùng.

Hoàng Anh - Tinnhanhchungkhoan.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top