Thế đứng trên biển

Anh Ba Thanh

New Member
Cách đây ít lâu, câu chuyện Việt Nam không sản xuất được ốc vít từng làm nóng nghị trường Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã dẫn chứng Việt Nam là một trong 10 nước sản xuất được giàn khoan tự nâng để đáp trả lập luận sai lệch đó. Nhưng, đó vẫn chưa phải là thành tựu lớn xung quanh cái giàn khoan. Thành công lớn nhất lại là câu chuyện chiếc cần câu và con cá, làm thuê hay làm chủ. Đã có những bước đi mạnh mẽ làm thay đổi vị thế những người Việt Nam nhỏ bé trên hệ thống giàn khoan lừng lững giữa đại dương xanh thẳm...

Giấc mơ giàn khoan

TS Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam kể rằng, những ngày đầu khai thác dầu khí, 100% máy móc, thiết bị do Liên Xô viện trợ. Người Việt Nam chỉ là những tay thợ quê mùa đảm nhiệm những công việc đơn giản. Thời ấy có người nói, Liên Xô lừa Việt Nam để nhằm lấy tài nguyên của Việt Nam. Nhưng thật ra, hằng năm, Liên Xô phải viện trợ cho Việt Nam một triệu tấn dầu, thậm chí phải bỏ tiền ra mua dầu ở I-rắc rồi chuyển cho Việt Nam. Chính vì vậy, Đảng và nhân dân Liên Xô đã thay đổi quan điểm chiến lược: Phải giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp dầu khí. Cho “cần câu” chứ không cho “cá”.

26111501080616657.jpg

Khát vọng sở hữu giàn khoan từng cháy bỏng trong cả những nhà lãnh đạo cấp cao như đồng chí Đỗ Mười. “Vào đầu tháng 3-1981, ở cương vị Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông đã đến kiểm tra hạ thủy chân đế giàn khoan đầu tiên của Vietsovpetro. Thiết bị, người lắp ráp 100% từ Liên Xô. Ông hỏi: "Một chân đế giàn khoan có bao nhiêu tấn thép, loại mác gì? Bao nhiêu bu-lông, mác thép, kích cỡ…?". Trong gương mặt suy tư của ông, tôi nhận ra ông trăn trở Việt Nam có thể làm được gì, để không phải nhập từ Liên Xô”-TS Ngô Thường San kể.

Mơ ước vẫn chỉ là ước mơ, bởi để sở hữu một giàn khoan là bài toán tầm cỡ quốc gia. TS Văn Đức Tờng, Phó tổng giám đốcTổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling), người đã hơn 35 năm lăn lộn vận hành hầu hết giàn khoan ở Việt Nam, cho biết: Giàn khoan biển là tổ hợp của nhiều công trình, có sân bay nối với đất liền, có khách sạn, có hệ thống hàng hải, định vị hàng hải vệ tinh... Nếu giàn khoan trên đất liền tốn khoảng 20 triệu USD thì giàn khoan trên biển phải hơn 200 triệu USD.

Một người dám nghĩ và một người… dám quyết

Người dám nghĩ, ấy là một “người hùng” của ngành dầu khí, có cái tên hơi lạ, Đỗ Văn Khạnh, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP). Năm 1992, ông Khạnh là Phó tổng giám đốc Công ty Liên doanh dầu khí giữa Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) và Na Uy. Ông sớm nhận ra rất khó có một ngành công nghiệp khoan độc lập, tự chủ vì các ông Tây luôn giấu nghề. Ông Khạnh bàn với Tổng giám đốc PTSC: Nếu không đầu tư sở hữu giàn khoan thì mãi chúng ta vẫn chỉ là người đi làm thuê cho các giàn khoan nước ngoài trên vùng biển của chính chúng ta. Cơ hội cũng đã đến khi hai năm sau, liên doanh kết thúc, theo đề nghị của ông, Xí nghiệp Dịch vụ Dầu khí biển (PTSC Offshore) ra đời chỉ vỏn vẹn có ông, một kế toán trưởng và một lái xe, sau đó quần tụ được 20 người. Công việc ban đầu là sửa chữa, cho thuê thiết bị khoan. Trước đó, các thiết bị giàn khoan của ta phải mang đi tận Xin-ga-po sửa. Công ty dần trở thành nơi sửa chữa thiết bị dầu khí vào loại lớn nhất Đông Nam Á.

Có tiền, ước mơ đầu tư và điều hành các giàn khoan bùng cháy. Ngày 26-11-2001, PV Drilling ra đời. Song, muốn “mơ” cũng đâu dễ dàng. Đầu tư một giàn khoan hàng trăm triệu USD là một gánh nặng ngân sách. Việt Nam lại chưa từng sở hữu giàn khoan. Nếu thua lỗ hàng trăm triệu USD, ai chịu trách nhiệm? Tình hình căng đến mức Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó phải họp với lãnh đạo tập đoàn để “quyết”.

Hôm ấy, Đỗ Văn Khạnh không thuộc thành phần dự họp, chỉ ngồi ngoài phấp phỏng chờ kết quả. Cuộc họp vẫn tranh luận gay gắt. Bất ngờ cuối buổi, một người trong phòng họp bước ra: “Thủ tướng cho gọi anh Khạnh!”. Ông Khạnh vui mừng bước vào phòng họp. Thủ tướng Phan Văn Khải tỉ mỉ hỏi: “Việt Nam chưa bao giờ tự vận hành giàn khoan. Vậy giờ có làm được không?... Có giàn khoan thì lỗ hay lãi?”. Ông Khạnh trình bày: “Thưa Thủ tướng, hiện Việt Nam đang phải đi thuê 10 giàn khoan của nước ngoài. Tiền thuê mỗi ngày của một giàn là 100.000USD, 10 giàn là 1 triệu USD/ngày; chưa đầy 3 năm đã mất cả tỷ USD. Nếu ta có giàn khoan chắc chắn lãi, tiết kiệm được rất nhiều ngoại tệ cho đất nước”. Thủ tướng chăm chú nghe nhưng vẫn băn khoăn: “Tôi vừa nghe báo cáo là đến bây giờ, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a cũng chưa tự vận hành được các giàn khoan biển. Vậy ta có làm được không?”. Ông Khạnh quả quyết: “Làm được ạ!”. Dù vẫn còn ý kiến bàn lùi, nhưng Thủ tướng Phan Văn Khải “chốt hạ”: “Thôi, không bàn nữa. Chúng ta cần có giàn khoan của Việt Nam!”.

Nhờ hướng đi táo bạo ấy, PV Drilling đã ra đời, nay là tổng công ty khoan lớn nhất Đông Nam Á và là một trong bốn nhà thầu khoan lớn nhất châu Á.

Từ thuê đóng đến tự đóng và xuất khẩu

Năm 2007 đã trở thành dấu mốc lịch sử khi Việt Nam sở hữu tới 3 giàn khoan, đều do PV Drilling đầu tư. Mở đầu là giàn khoan PV Drilling I được đóng theo mẫu thiết kế của Xin-ga-po, hạ thủy ngày 24-3-2007. Kế đó, hai giàn khoan tự nâng PV Drilling II và PV Drilling III hoàn thành năm 2009. PV Drilling 11-một giàn khoan đất liền tiếp tục được đầu tư để theo đuổi chiến lược đầu tư ở nước ngoài. Đặc biệt, tháng 10-2009, PV Drilling đã đóng mới giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm (TAD) PV Drilling V để khoan phát triển mỏ khí lớn nhất Việt Nam.

TS Văn Đức Tờng cho biết: “Giàn PV Drilling I đóng với giá rẻ nhưng khi đi cho thuê thu về tới 230.000USD/ngày và đã thu hồi vốn nhanh chóng. Còn giàn PV Drilling V, cho thuê với 235.000USD/ngày. Mỗi năm, doanh thu từ giàn khoan của PV Drilling đạt gần 15.000 tỷ đồng lãi ròng trên dưới 2.000 tỷ đồng. Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, Việt Nam hiện đã xuất khẩu và cho thuê giàn khoan cho nhiều nước trên thế giới…

Nghề khoan đã tỏ đường đi, lối về

Trong “binh chủng” giàn khoan, phải kể đến một đơn vị mạnh khác là Công ty Cổ phần Chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) mới ra đời từ năm 2007. Đơn vị được giao làm tổng thầu “Giàn khoan tự nâng 90m nước” Tam Đảo 03-công trình cơ khí trọng điểm quốc gia đầu tiên do Việt Nam chế tạo, triển khai từ năm 2008, hạ thủy ngày 31-8-2011. Tam Đảo 03 mở ra cánh cửa, Việt Nam không chỉ sửa chữa, vận hành mà đã có thể chế tạo theo công nghệ giàn khoan hiện đại, phức tạp nhất thế giới. Sự kiện ấy còn ghi tên Việt Nam vào một trong số ít nước trên thế giới chế tạo được giàn khoan loại này.

Ông Phan Tử Giang, Chủ tịch HĐQT PV Shipyard, nhớ lại: “Lúc đó, cũng có nhiều người đặt câu hỏi Việt Nam có làm được không? Nhưng chúng tôi đã làm được công trình phức tạp, như một ngôi nhà di động trên biển và phải chính xác tuyệt đối. Cái khó và phức tạp nhất là phải tích hợp, kết nối hơn 2.000 chủng loại thiết bị khác nhau, chỉ riêng đường dây điện nếu nối lại dài bằng từ Hà Nội vào Nghệ An. Chỉ một thiết bị sai lệch, cả hệ thống sẽ “câm lặng”, coi như “vứt đi”! Song chúng tôi đã thành công, được Cơ quan đăng kiểm hàng hải Hoa Kỳ (ABS) cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế".

Chúng tôi có mặt tại Cảng hạ lưu PTSC Vũng Tàu. Đầu đông nhưng nắng vẫn chói chang trên áo đồng phục Dầu khí đỏ chói. Từ xa, đập vào mắt chúng tôi là tòa “nhà”, khối sắt lừng lững, khổng lồ đang rầm rập tiếng máy nổ và loe lóe những ánh lửa hàn chớp liên hoàn. Anh Trần Quang Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Tập đoàn Dầu khí chỉ tay nói với giọng tự hào: “Đó là Tam Đảo 05-giàn khoan hiện đại nhất Việt Nam hiện nay! Còn nói về công nghệ, nó ngang ngửa Hải Dương 981”.

Leo lên tòa nhà khổng lồ, chui vào từng tầng, chúng tôi không khỏi kinh ngạc khi những người làm dầu khí hôm nay đã làm được giàn khoan hiện đại mà mới 9 năm trước tưởng như còn là một giấc mơ xa vời… Mới đó thôi, trước năm 2007, chúng ta chưa có một giàn khoan nào. Nay ta tự mang sức ta đóng giàn khoan cho ta, lại là loại giàn khoan hiện đại nhất thế giới, do người Việt làm gần như từ A đến Z…

Giàn khoan Tam Đảo 05 đóng cho Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro, là giàn khoan tự nâng lớn nhất Việt Nam do Việt Nam thi công 100% theo thiết kế của Hoa Kỳ, với tổng khối lượng khoảng 18 nghìn tấn sắt thép, có thể khai thác ở độ sâu 120m và khoan với độ sâu 9km. Trên công trường thường xuyên có 800 người, khi cao điểm nước rút, có thể huy động đến 3.000 người. Khi làm Tam Đảo 03, ta phải thuê 13 chuyên gia nước ngoài hỗ trợ thiết kế chi tiết thì nay tại Tam Đảo 05, ta chỉ phải thuê 3 chuyên gia. Nếu như dự án giàn Tam Đảo 03 đã đạt tỷ lệ nội địa hóa 34,6%, thì giàn khoan Tam Đảo 05 đạt 45%. Ông Nguyễn Nam Anh, Phó tổng giám đốc PV Shipyard, cho biết: “Từ Tam Đảo 03 đến Tam Đảo 05 đánh dấu một bước nhảy về chất. Người Việt Nam đã có thể làm được những gì khó nhất trong nghề chế tạo giàn khoan”.

Tam Đảo 05 sẽ giúp Vietsovpetro tiến xa hơn trong khai thác, thăm dò dầu khí ở cả các vùng nước sâu hơn, độ nghiêng lớn hơn, khó hơn.

Trên toàn thế giới hiện nay, tổng số giàn khoan trên biển chỉ khoảng gần 700 chiếc. Những nước đóng được giàn khoan tự nâng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lớn hơn câu chuyện tiết kiệm ngoại tệ là thế đứng vững vàng của người làm dầu khí trên Biển Đông, là biểu hiện độc lập, tự chủ ở ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước…

Chuyên gia hàng hải Đỗ Thái Bình, Phó chủ tịch Hội Khoa học Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, nhận xét: "Từ trước tới nay chúng ta đều phải mua giàn khoan của nước ngoài, từ những giàn cũ đã qua sử dụng, giàn được viện trợ, rồi dần tới việc thuê giàn khoan mới, mua mới, sau đó đến mua bản vẽ thiết kế và tự chế tạo. Nhưng lần này khác ở chỗ là dù mua thiết kế cơ bản của nước ngoài, nhưng ta có thể thực hiện công đoạn thiết kế công nghệ, tức là vẽ bản thiết kế chi tiết cho từng phân đoạn, từng bộ phận thiết bị và sau đó là tự chế tạo theo tiêu chuẩn và quy định của nước ngoài".

Ghi chép của NGUYÊN MINH - http://www.qdnd.vn/
 

Việc làm nổi bật

Top