Tập đoàn Dầu khí Việt Nam- Sáng mãi ngọn lửa niềm tin

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Ngày 3/9/2016 này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tròn 41 tuổi, và ngày 27/11/2016 tới sẽ là kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống ngành dầu khí. Từ điểm xuất phát hầu như là con số không, đến nay, Tập đoàn Dầu khí hay nói rộng hơn là ngành dầu khí Việt Nam đã có vị thế xứng đáng trong khu vực.

Ngành công nghiệp hiện đại, kỹ thuật cao

Dẫu vẫn biết dầu khí là ngành công nghiệp kỹ thuật cao và hiện đại, nhưng khi đến thăm Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 vào đúng dịp Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) tổ chức lễ khánh thành và bàn giao sau gần 3 năm triển khai, thiết kế thi công, chúng tôi vẫn thực sự choáng ngợp trước giàn khoan khổng lồ với những khối thép nặng gần 14 ngàn tấn. Đây là giàn khoan nhất từ trước đến nay (gấp 1,5 lần so với giàn khoan ra đời trước đó Tam Đảo 03). Giàn khoan có thể hoạt động ở độ sâu nước biển 120m, có khả năng khoan tới mỏ dầu khí ở độ sâu 9.000m, có thể hoạt động an toàn trong điệu kiện bão cực mạnh trên cấp 12 và được đăng kiểm bởi đơn vị ABS (Hoa Kỳ). Điều đáng nói ở giàn khoan Tam Đảo 05 chính là tỷ lệ nội địa hóa đã lên tới trên 40%.

Gian-khoan-Tam-Dao-05-ben-t.gif

Phó Tổng giám đốc của PV Shipyard- Đào Đỗ Khiêm cho hay, điểm rất khó trong đóng giàn khoan chính là có nhiều cấu kiện kỹ thuật phức tạp đòi hỏi độ chính xác gần như tuyệt đối. Anh Khiêm tự hào khoe, hiện đội ngũ kỹ sư thiết kế, giám sát của PV Shipyard có chuyên môn, kỹ thuật đủ khả năng đảm trách được toàn bộ các khâu tính toán thiết kế chi tiết, thi công, chạy thử giàn khoan tự nâng. Điều này sẽ giúp đơn vị giảm thiểu việc phải thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài trong các dự án tiếp theo.

Phát biểu tại lễ khánh thành Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 giữa tháng 8 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, việc hoàn thành và chế tạo thành công giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 đã khẳng định sự quyết tâm, ý chí bản lĩnh và đặc biệt trí tuệ của đội ngũ cơ khí của Việt Nam, khẳng định năng lực tự chủ về máy móc thiết bị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong thời kỳ vươn ra biển khai thác thế mạnh và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Nếu như đến Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard), chúng tôi chưa hết cảm phục những kỹ sư, thợ lành nghề đã chế tạo thành công giàn khoan tự nâng khổng lồ thăm dò khai thác dầu khí, thì khi đến Công ty Dịch vụ khảo sát và Công trình ngầm PTSC G&S, chúng tôi càng thêm tự hào về những kỹ sư trẻ của ngành công nghiệp dầu khí nước nhà.

Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ khảo sát và Công trình ngầm PTSC G&S Trương Tuấn Nghĩa - cho biết, PTSC G&S tập trung vào dịch vụ khảo sát địa chấn, địa chất công trình ngầm. Đây là loại hình dịch vụ kỹ thuật cao, phức tạp với các hoạt động cung cấp, quản lý, vận hành tàu khảo sát địa chấn 2D, 3D, khảo sát địa chất, cung cấp vận hành các phương tiện; cung cấp tàu hỗ trợ, nhân lực kỹ thuật, dịch vụ lặn phục vụ công tác khảo sát địa vật lý, khảo sát địa chất công trình, cung cấp trọn gói dịch vụ khảo sát, sửa chữa công trình ngầm.

Đặc biệt, PTSC G&S có dịch vụ khảo sát và sửa chữa công trình ngầm bằng robot lặn biển ROV (Remote Operated Vehicle), dùng các camera, các công cụ chuyên dụng và 2 cánh tay máy để khảo sát, đo đạc, bảo dưỡng, sửa chữa và hỗ trợ xây dựng các công trình dưới nước. Anh Hải cho biết, do con người không thể lặn sâu xuống biển nên những rôbôt gắn camera điều khiển từ xa này sẽ giúp kiểm tra, khảo sát, bảo dưỡng, bảo trì các công trình dầu khí dưới đáy đại dương. Đây là các dịch vụ mang hàm lượng chất xám cao và sử dụng các trang thiết bị hiện đại nhất thế giới.

Và để sử dụng được những trang thiết bị hiện đại này, không thể thiếu những kỹ sư giỏi. Họ phần lớn đều tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và Bách khoa Hồ Chí Minh. Đó là anh Lê Thiên Khang- một trong 10 người được đào tạo, huấn luyện và được phép cấp chứng chỉ về ROV của Công ty PTSC G&S, là hạt nhân của dịch vụ khảo sát và sửa chữa công trình ngầm bằng robot lặn biển ROV. Nghe anh Khang nói chuyện say sưa về việc điều khiển các robot lặn biển để khảo sát, đo dòng chảy ở các tầng nước biển và thủy triều, phục vụ công tác thiết kế, xây lắp dầu khí dưới biển, phân tích các mẫu đất đá trên bề mặt đáy biển để xác định tiềm năng dầu khí..., chúng tôi càng thêm cảm phục những kỹ sư dầu khí. Chính họ đã góp phần đưa ngành dầu khí Việt Nam tiến lên và tạo được vị thế trong khu vực.

Giữ mãi ngọn lửa khát vọng

Cùng đi với chúng tôi đến các đơn vị dầu khí, anh Trần Quang Dũng- Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí- cho hay, PV Shipyard và PTSC G&S là hai đơn vị tiêu biểu trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí chất lượng cao, là 1 trong 5 lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn Dầu khí. Đây là những đơn vị luôn ứng dụng những công nghệ tiên tiến hiện đại của thế giới trong lĩnh vực dầu khí để nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định được vị thế tại thị trường dầu khí khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác của Tập đoàn Dầu khí cũng đều là những lĩnh vực hoạt động đặc thù, đòi hỏi công nghệ cao và kỷ luật lao động hết sức nghiêm ngặt.

Đi đến các đơn vị dầu khí, điều chúng tôi dễ nhận thấy là người lao động dầu khí luôn có đam mê và khát khao, đầy nhiệt huyết với niềm tự hào của những người đi tìm lửa- ngọn lửa của niềm tin và khát vọng. Anh Trần Quang Dũng cho biết, hiện Tập đoàn có hơn 60.000 lao động đang ngày đêm miệt mài làm việc trên các công trình, dự án trọng điểm của quốc gia, của ngành, trải rộng trong các lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí, công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao.

robot-ROV.gif

Là ngành phải sử dụng khoa học công nghệ hiện đại, đồng thời cũng là ngành có địa bàn hoạt động rộng lớn nhất: trên đất liền, trên biển khơi mênh mông, và trải dài từ châu Á , Trung Đông, sang tận châu Phi, châu Mỹ…, ngành dầu khí luôn phải đối mặt với những thách thức rất lớn về nhu cầu nhân lực, nguồn vốn, sự cạnh tranh quốc tế và tiến bộ khoa học công nghệ. Nhưng vượt lên trên những khó khăn thử thách, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã trưởng thành và lớn mạnh, là tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao, lĩnh vực sản xuất kinh doanh đa dạng, ngày càng tham gia sâu rộng vào quá trình hội nhập quốc tế.

Đến nay, sau 41 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có một vị trí xứng đáng trong khu vực, thu hút được nhiều công ty dầu khí quốc tế vào đầu tư, chuỗi giá trị ngành kinh tế dầu khí càng ngày càng cao, hàng năm đóng góp cho GDP đất nước không dưới 25%, nộp ngân sách nhà nước khoảng 30%, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Những ngày Thu này, người dân cả nước đang nhớ về Bác Hồ- người đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bằng linh cảm tuyệt vời và tầm nhìn xa trông rộng, Bác đã đặt mục tiêu phải xây dựng được ngành công nghiệp dầu khí mạnh để góp phần đưa nước Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Và đến nay, thực sự Tập đoàn Dầu khí đã đáp lại được nguyện vọng của Bác, đó là xây dựng một ngành dầu khí vững mạnh làm nòng cốt cho nền kinh tế đất nước.

Vũng Tàu- tháng 8/2016

Lê Kim Liên - cohoigiaothuong.vn/​
 

Việc làm nổi bật

Top