Tập đoàn dầu khí Việt Nam: Nhiều công trình KH-CN cho hiệu quả kinh tế cao

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Giai đoạn 2012-2017, người lao động trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có nhiều công trình nghiên cứu KH-CN, sáng kiến “triệu đô” được ứng dụng vào thực tiễn, qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy ngành dầu khí tiếp tục phát triển.

images1369023_DK.jpg

Theo đánh giá của PVN, 5 năm qua (2012-2017), thành tựu của công tác nghiên cứu khoa học đã làm lợi cho Tập đoàn hơn 2.600 tỷ đồng. KH-CN đã góp phần đáng kể vào việc phát triển ngành dầu khí, được thể hiện qua các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận của PVN tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2015, doanh thu của PVN tăng 2,5 lần so với giai đoạn 2006 - 2010.

Công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và công nghệ chế tạo, lắp ráp, hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” của kỹ sư Phan Tử Giang và 16 đồng tác giả của Công ty CP Chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) là một trong 3 công trình của BR-VT được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH-CN năm 2016 là một ví dụ. Kỹ sư Phan Tử Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT PV Shipyard cho biết, trước năm 2010, chưa có một công ty nào tại Việt Nam thực hiện nghiên cứu chi tiết về thiết kế và công nghệ chế tạo giàn khoan tự nâng. Ngay cả việc bảo trì, sửa chữa, nâng cấp các giàn khoan tự nâng đang hoạt động tại Việt Nam cũng đều phải đưa ra nước ngoài thực hiện. PV Shipyard là công ty đầu tiên tại Việt Nam tham gia lĩnh vực nhiều tiềm năng nhưng có yêu cầu rất cao về công nghệ này. Kết quả nghiên cứu của công trình KH-CN nêu trên đã được áp dụng để chế tạo thành công giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03. Tiếp đó, kết quả nghiên cứu cũng được áp dụng cho dự án giàn Tam Đảo 05 (có khối lượng, quy mô gấp 1,5 lần), với tỷ lệ nội địa hóa đạt gần 40% (tỷ lệ này của giàn Tam Đảo 03 là 34,6%).

Ngoài công trình trên, nhiều công nghệ hiện đại đã được người lao động PVN nghiên cứu, chế tạo và áp dụng vào thực tiễn như: Công nghệ khoan trên các vùng biển sâu; công nghệ xử lý vùng cận đáy giếng trong các giếng có độ ngập nước cao; công nghệ nâng cao hệ số thu hồi dầu của thân dầu Mioxen mỏ Bạch Hổ bằng bơm nút dung dịch polyme; công nghệ giàn dầu giếng nằm ngang tại mỏ Tê Giác Trắng… Đặc biệt, cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam” của Tiến sĩ Từ Thành Nghĩa và 29 đồng tác giả của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH-CN năm 2016. Công trình này xây dựng và áp dụng thành công công nghệ vận chuyển dầu nhiều parafin bằng đường ống ngầm ngoài khơi thềm lục địa Nam Việt Nam. Tiến sĩ Từ Thành Nghĩa, Tổng Giám đốc Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro cho biết, kết quả nghiên cứu trên đã cho phép Vietsovpetro mở rộng, phát triển và đưa vào khai thác thành công các mỏ nhỏ, cận biên thuộc Lô 09-1.

Năm 2016, toàn tỉnh chỉ có duy nhất công trình “Nghiên cứu phương án tối ưu để chế tạo, hạ thủy và lắp đặt chân đế siêu trường siêu trọng ở vùng nước sâu hơn 100m phù hợp với điều kiện ở Việt Nam” của kỹ sư Trần Xuân Hoàng và 8 đồng tác giả của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đạt Giải thưởng Nhà nước về KH-CN. Công trình này được áp dụng tại Liên doanh Việt - Nga Vietsopetro đã góp phần then chốt trong việc thi công an toàn các công trình trọng điểm của ngành dầu khí như: Giàn Đại Hùng 02 (chân đế nặng 4.500T); giàn Mộc Tinh (chân đế nặng 6.500T); giàn Hải Thạch (chân đế nặng 7.500T), giàn Thiên Ưng (chân đế nặng 6.500T).

Từ thực tiễn thành công ở Vietsovpetro, PV Shipyard và các đơn vị khác trong ngành, thời gian tới, PVN tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng KH-CN nhằm cải tiến kỹ thuật, tối ưu hóa vận hành, tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất.
QUANG VŨ - Báo Bà Rịa - Vũng Tàu​
 

Việc làm nổi bật

Top