Sẽ bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Đại diện cơ quan điều hành sẽ tính tới việc điều chỉnh giá xăng dầu hàng ngày, không cần phải đợi đến chu kỳ 15 ngày như hiện nay.

Trao đổi thông tin với các cơ quan báo chí ngày 12/1, Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Đỗ Thắng Hải cho biết, cái được nhất của cơ quan điều hành giá xăng dầu năm 2015 là đã đảm bảo tính công khai minh bạch. Giá xăng dầu đã dần theo sát giá thị trường, mua đắt bán đắt, mua rẻ bán rẻ.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong năm 2015 đã có 18 lần điều chỉnh tăng, giảm giá xăng dầu với 12 lần giảm và 6 lần tăng cùng một số lần xăng dầu giữ giá. Điều quan trọng nhất là trước đây việc điều chỉnh giá xăng dầu thường rơi vào những thời điểm “nhạy cảm” như 3h đêm hay 5h chiều, nhưng hiện nay cứ theo đúng lịch vào 15h, sau 15 ngày là điều chỉnh giá.

xang_dau_LSGL.jpg

Thứ trưởng cũng cho biết, đối với việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu xưa nay vốn được dùng làm công cụ cân đối, dùng trong trường hợp giá xăng dầu tăng quá mạnh, nhưng rồi sẽ có lúc Quỹ này cũng phải bỏ. Đồng thời hiện nay, công thức tính giá xăng dầu đã có sẵn, do đó trong tương lai, cơ quan điều hành sẽ tính tới việc điều chỉnh giá xăng dầu hàng ngày, không cần phải đợi đến chu kỳ 15 ngày như hiện nay.

“Tuy nhiên, việc điều này còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp trong nước và khâu hậu kiểm của các cơ quan chức năng có đảm bảo để vận hành thị trường như vậy được hay không?”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Theo dự báo, giá dầu thô năm 2016 không có biến động bất thường mà sẽ ổn định ở xu hướng giảm, quanh ngưỡng 25 - 45 USD/thùng. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây thực sự là cơ hội cho việc quản lý thị trường xăng dầu Việt Nam theo hướng mở, thay vì điều hành và chi phối thị trường thông qua Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như trước nay.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, với một quốc gia đang nhập khẩu tới 70% nguồn xăng dầu thành phẩm từ nước ngoài, Việt Nam nên mạnh dạn mở cửa hoàn toàn mặt hàng này để đảm bảo tính thị trường của hàng hóa.

“Cần xem xét lại Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn phù hợp đến mức độ nào, nếu cần cho việc dự phòng trong tương lai thì thời gian đó là bao lâu? Sự cần thiết của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nên được lý giải như thế nào và nên được vận dụng như thế nào cho thích hợp. Nếu cứ vận dụng Quỹ theo cách cũ để đề phòng giá xăng dầu tăng mạnh và lấy quỹ đó giảm đi có lẽ là không còn thích hợp nữa”, TS Lê Đăng Doanh cho biết.

Đồng tình với quan điểm thu thêm Quỹ Bình ổn giá trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh và dự báo sẽ tiếp tục giảm sâu là không còn phù hợp, TS. Nguyễn Minh Phong khuyến nghị, cơ quan quản lý nhà nước cần tính toán lại để đưa giá xăng dầu sát hơn với giá thế giới. Về lâu dài, để đảm bảo mặt hàng xăng dầu được vận hành theo đúng quy luật của thị trường, nên xây dựng Quỹ An ninh năng lượng quốc gia thay vì tiếp tục tồn tại quỹ bình ổn giá xăng dầu như hiện nay.
“Quỹ An ninh năng lượng quốc gia sẽ dự trữ nguồn xăng dầu 15 ngày của các cơ quan năng lượng, nếu cần thì có thể lấy quỹ đó làm nguồn ban đầu để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và mua trữ xăng dầu ít nhất 15-20 ngày. Còn lại các doanh nghiệp phải tự dự trữ theo yêu cầu của thị trường. Các doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp tư nhân tự do cạnh tranh, nhà nước thu thuế, từ đó sẽ không còn ai phải bù lỗ, người dân không còn kêu ca giá xăng dầu lên nhanh xuống chậm như hiện nay”, TS. Nguyễn Minh Phong đề xuất.

Trong năm 2015, giá xăng dầu giảm khá nhiều lần song vẫn có ý kiên cho rằng chưa phản ánh đúng với giá xăng dầu trên thị trường thế giới. Trong khi đó, với cách thức điều hành, giám sát các tác động của giá xăng dầu trên thị trường còn khá lỏng lẻo nên hiệu ứng lan tỏa từ giá dầu giảm chưa cao.

PGS. TS. Bùi Xuân Hồi (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, để diễn biến giá xăng dầu trong nước phản ánh đúng quy luật và mức độ tăng giảm của thị trường thế giới phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm quản lý của nhà nước trong điều hành giá xăng dầu.

“Nếu nhà nước khuyến khích tiêu dùng, thậm chí chấp nhận câu chuyện thả nổi giá xăng dầu theo giá quốc tế, để nếu giá dầu lên 110 USD/thùng và người dân sẽ trả với giá 35.000/lít xăng thì đương nhiên mức điều chỉnh nhỏ giọt như hiện nay là không phù hợp. Vấn đề quan trọng là các cơ cấu trong biểu giá cuối cùng luôn phải minh bạch, rõ ràng, điều chỉnh tăng hay giảm phải nêu rõ quan điểm và cơ sở điều chỉnh, khi đó sẽ tránh được các ý kiến trái chiều nhau liên quan đến điều chỉnh giá xăng trong mối quan hệ với biến động giá trên thị trường quốc tế”, PGS. TS. Bùi Xuân Hồi chỉ rõ./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN​
 

Việc làm nổi bật

Top