PVN muốn chi tiền giải cứu các đại dự án thua lỗ ngàn tỉ

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Trong 12 dự án có tổng nợ 20.000 tỉ đồng ngành công thương, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) muốn chi thêm tiền để "cứu", còn Chính phủ đề nghị xử lý trên cơ sở thị trường.

Chiều 26-2, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Chính phủ về xử lý các tồn tại, yếu kém tại một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương.

Đề nghị đổ thêm tiền để tái khởi động dự án

"Chúng ta ứng xử với 12 dự án này như cứu chữa người bệnh bị bệnh nặng, đang phải đưa vào phòng cấp cứu, vì vậy cần có giải pháp rất đặc biệt", tân Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) Trần Sỹ Thanh bày tỏ.

tran-sy-thanh-26218-1519693795849516821089.jpg

Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh kiến nghị cho phép Tập đoàn chi thêm tiền để "cứu" dự án có hiệu quả hơn - Ảnh: LÊ KIÊN
Ông Thanh cho rằng vướng mắc chính là quy định không được sử dụng tiền nhà nước để xử lý các dự án thua lỗ trong khi để đạt hiệu quả cao thì cần đưa các dự án vận hành trở lại.

"Muốn như vậy thì phải có tiền, ví dụ như tiền trả nợ tiền điện, trả nợ đối tác, tiền thuê luật sư tham gia giải quyết tranh chấp hợp đồng EPC… Tập đoàn dầu khí, với tư cách là nhà đầu tư, có tiền để giải quyết những việc như vậy. Nhưng vì quan điểm không được dùng tiền Nhà nước, mà tiền của tập đoàn là tiền Nhà nước, nên rất khó", ông Thanh giải thích.

Chủ tịch PVN cho rằng "nếu đầu tư thêm một số tiền cần thiết thì có thể thu hồi vốn tốt hơn, đem lại hiệu quả tốt hơn", nên mong muốn kiến nghị này được xem xét vì "có giải pháp tốt thì sẽ bảo toàn vốn tốt hơn".

Trong khi đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc lại rằng nguyên tắc không sử dụng tiền ngân sách để xử lý các dự án yếu kém cần được tuân thủ nghiêm và quá trình xử lý các dự án phải có đề án xử lý cụ thể, trên cơ sở thị trường.

"Đối với các dự án cụ thể thì đại hội cổ đông quyết định phương án. Trong dự án có cổ đông là Nhà nước thì khi có phương án phải trình cơ quan có trách nhiệm quyết định theo quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh vốn Nhà nước", Phó thủ tướng lưu ý.

12-du-an-thua-lo-nghin-ti-1506154023544-15196459405661844673532.png


Đã có 2 dự án có lãi

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết trong năm 2018 ngành sẽ phấn đầu xử lý căn bản các tồn tại yếu kém với 12 đại dự án này.

Theo ông Vượng, trong 12 dự án đó, đến nay đã có 5 nhà máy đi vào sản xuất, khắc phục dần thua lỗ, gồm 4 dự án sản xuất phân bón và 1 dự án sản xuất gang thép.

"Trong số đó, có những dự án làm ăn đã có lãi như dự án mỏ Quý Xa và phân bón DAP số 1 - Hải Phòng", ông Vượng nói.

Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết khó khăn nhất trong quá trình xử lý, đặc biệt là khi tái khởi động các dự án, là việc đàm phán giãn, hoãn nợ, cơ cấu lại các khoản nợ vay của các tổ chức tín dụng.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, tính đến 31-12-2017, tổng dư nợ của 12 dự án là hơn 20.000 tỉ đồng, trong đó nợ xấu khoảng 8.000 tỉ đồng.

Các ngân hàng cũng cố gắng hỗ trợ, tạo điều kiện tái cơ cấu vốn để dự án có thể tiếp tục hoạt động.

Một khó khăn chung trong quá trình xử lý mà tất cả các dự án, doanh nghiệp có vướng mắc đó là tranh chấp hợp đồng EPC đều vẫn đang bế tắc và chưa giải quyết được theo tiến độ đề ra, một số trường hợp không dàn xếp được phải đưa ra trọng tài quốc tế phân xử.

Đặc biệt, đối với 4 dự án thuộc Tập đoàn hoá chất Việt Nam, chỉ mới có dự án DAP số 1 - Hải Phòng đã hoàn thành việc quyết toán hoàn thành dự án, còn 3 dự án còn lại việc đàm phán không có nhiều tiến triển.

ptt-vuong-dinh-hue-26218-1519693719148713004542.jpg

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu phải xử lý 12 đại dự án trên cơ sở thị trường, tuân thủ quy định không dùng tiền ngân sách - Ảnh: LÊ KIÊN
Lý do là nhà thầu EPC các dự án đạm Hà Bắc, Ninh Bình không có mặt tại Việt Nam, thậm chí nhà thầu EPC của dự án đạm Ninh Bình lại không liên lạc được.

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, việc xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương trong năm 2017 đã đạt những kết quả quan trọng tích cực, đúng định hướng.

Theo ông Huệ, với các dự án đã xử lý được tồn tại, làm ăn có lãi, thì có thể đề nghị đưa ra khỏi danh sách chậm tiến độ, kém hiệu quả, còn các doanh nghiệp đã giảm được lỗ lũy kế, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó.

Một số dự án sản xuất như sơ xợi, ethanol hiện nay đã có thị trường, có thể khởi động lại được.

Đó mới là kết quả bước đầu, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn. Giai đoạn khó khăn thì càng cần phải quyết liệt, phải cần kiệm, thắt lưng buộc bụng để vượt qua. Khó khăn nếu không quyết liệt giải quyết thì nó vẫn trì trệ mãi. Đây là bài học.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ

Phó thủ tướng cũng lưu ý, với những tranh chấp EPC nếu không đàm phán được thì phải đưa ra toà án.

Theo ông Huệ, cần chủ động các phương án, "hoặc là mình khởi kiện người ta hoặc là người ta khởi kiện mình", nhưng "phải có phương án xử lý dứt điểm các tranh chấp trong quyết toán hợp đồng".

Phó thủ tướng nhắc lại các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra rất rõ ràng, phải xử lý triệt để các doanh nghiệp, các dự án đã "chết lâm sàng", xử lý đúng pháp luật các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm liên quan.

Điểm mặt 5 dự án thua lỗ ngàn tỉ của PVN

5-du-an-thua-lo-final-1506073522359-15196462249091481892915.jpg

LÊ KIÊN
Báo Tuổi Trẻ

 

Việc làm nổi bật

Top