PVN: Chủ động, sáng tạo để không ngừng vươn lên

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
QĐND - Mấy năm nay, giá dầu thế giới ở mức thấp, tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người lao động ngành dầu khí Việt Nam. Trước những khó khăn đó, các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã nỗ lực phấn đấu, triển khai nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn, khẳng định vị trí quan trọng của ngành dầu khí trong nền kinh tế nước nhà.

Phát huy sáng kiến, trọng dụng nhân tài

Nhà máy Đạm Phú Mỹ thuộc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) được coi là cái nôi của ý tưởng, sáng kiến áp dụng hiệu quả vào thực tiễn, nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh. Ông Lê Trọng Đĩnh Chi, Giám đốc nhà máy cho biết: “Nhà máy có đội ngũ cán bộ, công nhân viên trẻ, có trình độ, tay nghề cao làm chủ hoàn toàn công nghệ, thiết bị hiện đại. Với khả năng sáng tạo từ thực tiễn, mỗi năm chúng tôi có hàng trăm ý tưởng, sáng kiến cải tiến kỹ thuật; trong đó có nhiều sáng kiến được ứng dụng, làm lợi cho nhà máy hàng chục tỷ đồng”. Nổi bật là phương án tăng hiệu suất thu hồi hydro của cụm HRU do nhóm tác giả Lê Văn Minh, Phó giám đốc nhà máy cùng các cộng sự thực hiện tháng 1-2015. Nói về ý tưởng hình thành sáng kiến, anh Minh chia sẻ: "Xuất phát từ thực tế sản xuất, phát hiện sự chênh lệch áp suất giữa đầu vào và đầu ra của cụm HRU quá lớn; van đầu vào và van đầu ra mở nhỏ gây tổn thất áp suất, ảnh hưởng tới năng suất lao động. Để khắc phục, chúng tôi đã nghiên cứu tăng áp suất đầu vào cụm HRU bằng cách tăng dần setpoint, lấy số liệu tính toán lưu lượng và hiệu suất thu hồi hydro lớn nhất có thể. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã tìm được điều kiện hoạt động tối ưu của cụm HRU. Giải pháp này được áp dụng đã làm lợi cho nhà máy hàng tỷ đồng".

07092016pv2.jpg

Cũng với tinh thần sáng tạo để vươn lên, kỹ sư Phan Tấn Hậu, Quản đốc Nhà máy xử lý khí Dinh Cố cùng Phó giám đốc Công ty Chế biến khí Vũng Tàu Lê Đức Thắng đã nghiên cứu thành công sáng kiến hệ thống phun sương cho trạm nén đầu vào, nhằm làm giảm nhiệt độ khí hydrocacbon để tăng hiệu quả thu hồi LPG. Phó giám đốc Lê Đức Thắng cho biết: “Trung bình mỗi năm, công ty có khoảng 50 sáng kiến. Năm 2015, các sáng kiến cải tiến, hợp lý hóa sản xuất phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, làm lợi cho công ty 45 tỷ đồng”.

Tại Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard), chúng tôi chứng kiến các kỹ sư, chuyên gia đang vận hành hệ thống thiết bị hiện đại trên Giàn khoan Tam Đảo 05 do công ty vừa đóng mới. Đây là giàn khoan hiện đại nhất hiện nay. Anh Nguyễn Quang Thắng, Giám đốc dự án Giàn khoan Tam Đảo 05 cho biết: “Hầu hết các công đoạn từ thiết kế chi tiết, mua sắm thiết bị, thi công, chạy thử giàn khoan đều do công ty tự thực hiện. Điều này khẳng định sự trưởng thành vượt bậc, làm chủ công nghệ hiện đại của đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân của công ty”. Nếu như Giàn khoan Tam Đảo 03 phải thuê 13 chuyên gia trong suốt thời gian thực hiện dự án, thì Giàn khoan Tam Đảo 05 chỉ thuê 3 chuyên gia trong từng công đoạn. Các vị trí chủ chốt đều do các kỹ sư của công ty đảm nhiệm mà vẫn rút ngắn 4 tháng thi công theo dự kiến, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, làm lợi cho công ty hàng triệu USD; đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực chế tạo giàn khoan hiện đại. Bí quyết thành công được ông Đào Đỗ Khiêm, Phó tổng giám đốc PV Shipyard “bật mí”: Đó là cách trọng dụng nhân tài của PV Shipyard. Những kỹ sư có năng lực sẽ được kiểm nghiệm, giao trọng trách để chứng tỏ bản thân. Điển hình như anh Thắng, từ một trợ lý giám đốc được chúng tôi mạnh dạn bổ nhiệm làm giám đốc dự án hơn 200 triệu USD. Thành công của dự án đã chứng minh quyết định đúng đắn của công ty.

Cách bổ nhiệm người tài này cũng được các doanh nghiệp khác của tập đoàn như: Công ty Dịch vụ khảo sát và Công trình ngầm (PTSC G&S), Liên doanh Viet-Nga VietsovPetro, Tổng công ty Khí Việt Nam… áp dụng, mang lại hiệu quả khi “giữ chân” được các chuyên gia giỏi tự nguyện làm việc lâu dài với mức lương thấp hơn so với các công ty nước ngoài.

Mở rộng thị trường, tối ưu hóa hoạt động

Chúng tôi may mắn được gặp các thành viên của tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 (thuộc PTSC G&S) khi tàu vừa hoàn thành chuyến khảo sát theo hợp đồng của Phi-líp-pin. Ngoài nhiệm vụ khảo sát địa chấn phục vụ các hoạt động tìm kiếm, thăm dò trong nước, tàu Bình Minh 02 còn thực hiện nhiều hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp dầu khí nước ngoài, được đối tác quốc tế đánh giá cao. Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó giám đốc PTSC G&S cho biết: Trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm sâu, vấn đề mở rộng thị trường ra nước ngoài, liên kết các hoạt động với đối tác để tìm kiếm việc làm cho người lao động là vô cùng cần thiết. Thời gian qua, ngoài việc giữ vững thị trường truyền thống, chúng tôi đã chủ động tiếp cận các công ty dầu khí trong và ngoài nước như: Nam Côn Sơn Pipeline, Lilama, Murphy Oil, BG Myanmar… để chào giá, đấu thầu cung cấp dịch vụ khảo sát; đồng thời mở rộng thị trường dịch vụ xử lý số liệu địa chấn, thị trường khảo sát địa chấn, đặc biệt là khảo sát hải dương, địa hóa… hoàn chỉnh chuỗi dịch vụ khép kín mang lại lợi nhuận cao và giải quyết việc làm thường xuyên cho người lao động.

Để cập nhật diễn biến thị trường, công ty đã lập bản tin thị trường hàng tuần, thu thập thông tin về các dự án, nắm bắt kế hoạch khai thác của khách hàng; tiếp cận các dự án lớn trong và ngoài nước… để đấu thầu hoạt động.

Cùng với mở rộng thị trường, các đơn vị thành viên của PVN coi trọng tiết giảm chi phí, sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có. Theo ông Lê Trí Thành, Giám đốc Công ty Tàu dịch vụ Dầu khí (PTSC Marine), tối ưu hóa mọi hoạt động của các đội tàu và tính toán chi tiết từng hạng mục để chào giá nhằm mục đích thắng thầu là một trong những biện pháp quan trọng để trụ vững trong bối cảnh khó khăn và cạnh tranh gay gắt hiện nay. Năm 2015, từ việc tiết giảm chi phí, thời gian sửa chữa các tàu, tối ưu hóa hoạt động, PTSC Marine đã tiết kiệm được gần 15,5 tỷ đồng và 59 ngày sửa chữa, góp phần ổn định tình hình công ty.

(còn nữa)

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH - QDND​
 

Việc làm nổi bật

Top