PV Shipyard chìm trong thua lỗ

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Theo báo cáo tài chính quý II/2018 tự lập vừa được công bố, lũy kế đến thời điểm 30/6/2018, Công ty CP Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard, mã chứng khoán PVY) đã lỗ tới 704,12 tỷ đồng, khiến cho vốn chủ sở hữu âm 106,62 tỷ đồng. Hiện tại, Công ty hoạt động chủ yếu từ nguồn vốn đi vay và chiếm dụng từ nhà cung cấp.

09_sgoj.jpg

6 tháng đầu năm 2018, PV Shipyard ghi nhận mức lỗ ròng 30,48 tỷ đồng. Ảnh: Quang Tuấn
Càng làm càng lỗ

PV Shipyard được thành lập vào năm 2007 với các cổ đông lớn gồm Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí Việt Nam (28,7%), Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - SBIC (7,5%), BIDV (4,03%), Liên doanh Vietsopetro (3,63%) và Lilama (4,03%). Hoạt động kinh doanh chính của Công ty là đóng mới, sửa chữa, hoán cải các loại giàn khoan, giàn khai thác dầu khí, phương tiện nổi và kinh doanh các nguyên vật liệu, thiết bị liên quan.

Được định hướng trở thành đơn vị tiên phong thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo dầu khí Việt Nam phát triển, song môi trường kinh doanh không thuận lợi khiến cho Công ty liên tục phải gánh chịu thua lỗ. Cụ thể, trong 2 năm 2016 và 2017, tổng mức lỗ lũy kế của Công ty lên tới 505,86 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp kinh doanh dưới giá vốn không đủ để bù đắp các chi phí hoạt động của doanh nghiệp.

Nửa đầu năm 2018, hoạt động kinh doanh của PV Shipyard cũng không có nhiều khác biệt. Doanh thu thuần của Công ty chỉ đạt 186,44 tỷ đồng, giảm 21,73% so với cùng kỳ 2017. Theo thuyết minh tài chính, doanh thu chính của PV Shipyard đến từ việc chế tạo 4 sà lan cá hồi lần 2 và 3 sà lan cá hồi lần 3 (gần 100 tỷ đồng, chiếm 53,7% doanh thu). Mặc dù vậy, tất cả các nguồn thu đều kinh doanh dưới giá vốn và không đủ để bù đắp chi phí hoạt động. Qua đó, Công ty tiếp tục ghi nhận mức lỗ ròng 30,48 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018, trong đó lỗ ròng quý II/2018 là 18,24 tỷ đồng.

Mất cân đối tài chính trầm trọng

Tại thời điểm 30/6/2018, tổng tài sản của PV Shipyard là 980,69 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm 2018. Cơ cấu tài sản tập trung nhiều vào tài sản dài hạn và các khoản phải thu ngắn hạn. Riêng hai khoản này đã chiếm tới 84,14% tổng tài sản.

Một điểm khá tích cực trong cơ cấu nợ vay của doanh nghiệp này là sự sụt giảm của các khoản nợ vay tài chính trong vòng 4 năm trở lại đây. Cụ thể, nợ vay tài chính của PV Shipyard đã giảm tới hơn 40%, từ mức trên 1.100 tỷ đồng năm 2014 xuống chỉ còn hơn 600 tỷ đồng cuối năm 2017. Tương ứng với đó, Công ty cũng ghi nhận mức lỗ lũy kế từ 175,71 tỷ đồng năm 2014 lên tới 673,63 tỷ đồng vào cuối năm 2017.

Bên cạnh đó, tình hình tài chính của Công ty trở nên mất cân đối trầm trọng khi nợ ngắn hạn đang vượt quá 227,17 tỷ đồng so với tài sản ngắn hạn vào thời điểm 30/6/2018. Trong điều kiện kinh doanh không mấy sáng sủa như hiện tại, PV Shipyard chắc chắn cần tới sự cứu trợ của công ty mẹ để cơ cấu lại các khoản nợ đến hạn trả.

PV Shipyard tiến hành niêm yết cổ phiếu trên UPCoM vào cuối năm 2017 với mức giá chào sàn 5.000 đồng/CP tương ứng với mức vốn hóa 297,4 tỷ đồng. Hiện tại thị giá của PVY chỉ còn 2.300 đồng và không có giao dịch.

Anh Ngọc
Báo Đấu thầu
 

Việc làm nổi bật

Top