Phát triển lưới điện cho xây dựng nông thôn mới

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội ở nông thôn, miền núi vùng sâu, vùng xa và hải đảo, điện lực có vai trò quan trọng và là nhân tố thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân.

Điều dễ nhận thấy, công tác đưa điện về nông thôn trong thời gian qua của EVN đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hỗ trợ đắc lực cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào vùng nông thôn trên phạm vi toàn quốc.

Khắc phục khó khăn

Với mục tiêu, năm 2015 cả nước có 7709 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 85% tổng số xã trên toàn quốc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong điều kiện cơ sở hạ tầng điện nông thôn còn thấp vào thời kỳ đầu, lưới điện cũ nát không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, năm 2011 cả nước chỉ có 3545 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 39,1% tổng số xã trên toàn quốc, trong khi đó mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 có 85% số xã đạt tiêu chí số 4, đến năm 2020 có 95% số xã đạt tiêu chí số 4 thực sự là một nhiệm vụ rất nặng nề.

Trước những khó khăn của nguồn vốn trong nước, với sự cam kết của Chính phủ, EVN đã tiếp cận và làm việc với các Nhà tài trợ quốc tế, đồng thời xây dựng các cơ chế chính sách, tổ chức quản lý và tăng cường lực lượng để đảm nhận vai trò chủ đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA cho chương trình điện khí hóa nông thôn tại Việt Nam: Dự án Năng lượng nông thôn Việt Nam (REI) có tổng vốn đầu tư hơn 3.294 tỷ đồng, trong đó vay vốn WB 150 triệu USD cấp điện cho 976 xã với hơn 550.000 hộ dân; Dự án “Điện khí hóa nông thôn miền Nam” có tổng vốn đầu tư 395 tỷ đồng, trong đó vay AFD là 19 triệu EUR cấp điện cho 138 xã với 155.000 hộ dân; Dự án Năng lượng nông thôn II (REII) vay WB 420 triệu USD thực hiện nâng cấp cải tạo mở rộng lưới điện tại 1.977 xã; Dự án “Năng lượng tái tạo và cải tạo, mở rộng cung cấp điện cho các xã nghèo vùng sâu vùng xa” vay vốn ADB 151 triệu USD cấp điện cho khoảng 210.500 hộ dân; Dự án “Lưới điện Phân phối nông thôn” vay vốn WB 150 triệu USD; Dự án “Phân phối hiệu quả” vay vốn WB 486 triệu USD; Dự án “Nâng cao hiệu quả lưới điện nông thôn” vay của Ngân hàng Tái thiết Dức (kfW) - 120 triệu EUR để cải tạo và mở rộng lưới điện tại 1.509 xã; Dự án “Giảm cường độ phát thải trong cung cấp năng lượng điện” vay KfW - 120 triệu EUR để nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp điện khu vực nông thôn.

Cùng với việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay của các Nhà tài trợ quốc tế, EVN nhận trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ chính trị do Chính phủ giao đưa điện tới các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và biên giới, hải đảo nhằm góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Trong những năm qua với tổng vốn đầu tư là 5.356 tỷ đồng theo cơ chế đặc biệt của Chính phủ: vốn ngân sách cấp 85% (4.600 tỷ đồng) và vốn của EVN 15% (756 tỷ đồng) EVN đã đầu tư thực hiện các Dự án: dự án “Cấp điện cho các thôn bản chưa có điện 5 tỉnh Tây nguyên” cấp điện cho 1331 thôn buôn với tổng số hơn 116.000 hộ dân, sau khi dự án hoàn thành đã đưa tỷ lệ số hộ dân có điện 5 tỉnh Tây nguyên từ 84% lên trên 93%; Các dự án “Cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer” khu vực Tây Nam bộ các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang cấp điện cho 91.591 hộ dân đưa tỷ lệ hộ có điện từ 86% lên 93%; Dự án “Cấp điện cho các hộ dân chưa có điện” khu vực Tây Bắc các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La với 52.725 hộ dân đưa tỷ lệ hộ có điện từ 78% lên 86,83%.

Để phát triển kinh tế các huyện đảo, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc, EVN đã tiếp nhận, quản lý bán điện trực tiếp tại 8/12 huyện đảo, mỗi năm bù lỗ hàng trăm tỷ đồng cho các huyện đảo sử dụng nguồn điện Diesel tại chỗ, có giá thành điện rất cao. Nhằm đảm bảo cấp điện thường xuyên, liên tục, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển và bảo vệ môi trường các huyện đảo, EVN đã đầu tư điện lưới quốc gia bằng đường dây trên không ra các huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh), Cát Hải (Hải Phòng) và đưa điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm ra các huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang), Lý Sơn (Quảng Ngãi), với tổng vốn đầu tư hơn 4.100 tỷ đồng cho 24.300 hộ dân trên các huyện đảo này.

Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau: khấu hao cơ bản, chi phí sửa chữa lớn hàng năm để đầu tư sửa chữa lưới điện, vốn hỗ trợ từ ngân sách, vốn ứng của các địa phương, vốn vay thương mại, vay vốn ODA của các tổ chức tài chính nước ngoài như: WB, ADB, JIBIC, AFD, KfW... từ năm 2011 đến năm 2015, các đơn vị Điện lực của EVN đã đầu tư khoảng 13.400 tỉ đồng; Xây dựng, cải tạo và phát triển lưới điện nông thôn với khối lượng 15.800 trạm biếp áp phân phối, 8.900 km đường dây trung thế, 32.400 km đường dây hạ thế, nâng cao chất lượng lưới điện ở khu vực nông thôn, đưa điện về nhiều thôn, xã ở các vùng biên giới xa xôi, hải đảo trên cả nước. Kết quả, năm 2015, toàn quốc có số hộ nông thôn đã được sử dụng điện, đạt 98,4% (năm 2011 là 96,4%). Tổng số xã đạt tiêu chí số 4 trên phạm vi toàn quốc là 6016 xã, đạt tỉ lệ 66,6%.

Thay đổi bộ mặt nông thôn

Công ty Điện lực Thái Bình là một trong ba Công ty Điện lực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã hoàn thành tiêu chí số 4 về điện trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Hệ thống lưới điện nông thôn tỉnh Thái Bình được đầu tư từ 20- 30 năm trước, với các tổ chức quản lý điện nông thôn được thành lập thiếu đồng bộ, chắp vá; nguồn vốn hạn hẹp nên hầu hết không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn; trong quá trình vận hành, sử dụng, đa số các lưới điện không được sửa chữa nên đã xuống cấp trầm trọng. Chất lượng điện không bảo đảm, có nơi điện áp cuối nguồn xuống thấp, tỷ lệ tổn thất điện năng cao, từ 30- 33%.

dien.jpg

Từ năm 2009- 2010, sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp của 184 xã, thị trấn (trong đó 15 xã tiếp nhận giai đoạn 2004- 2005), Công ty Điện lực Thái Bình đã phối hợp với các địa phương kiện toàn lại bộ máy quản lý, tận dụng các nguồn vốn từng bước đầu tư cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn. Đến nay, Công ty đã đầu tư trên 700 tỷ đồng cải tạo, sửa chữa nâng cao chất lượng lưới điện hạ áp nông thôn và bảo đảm khoảng cách an toàn, phát quang hành lang lưới điện, lắp đặt mới công tơ đo đếm điện năng. Kết quả của những biện pháp này làm chuyển biến rõ rệt chất lượng dịch vụ cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện ở nông thôn. Đặc biệt tỷ lệ tổn thất điện năng giảm, từ 30- 33% trước tiếp nhận xuống còn 10- 15%. Tại 8/8 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh đã đạt tiêu chí về điện, với tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên đạt 100%. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện tại 8/8 xã đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo theo các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành.

Cùng với việc hoàn thành 18 tiêu chí khác về xây dựng NTM, việc hoàn thành tiêu chí số 4 về điện đã làm đang đổi thay diện mạo nhiều miền quê ở Thái Bình. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện ngày càng giảm, chất lượng cuộc sống của người dân, ngày càng được nâng lên. Đối với công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân và các mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với XD NTM, thời gian qua cũng được các địa phương ở Thái Bình tích cực triển khai xây dựng và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như nghề nuôi trồng thủy sản, phát triển tiểu thủ công nghiệp,..có điện, bà con nông dân cơ cơ hội phát triển công nghệ nuôi biển, chế biến hải sản.

Cũng như phần lớn các tỉnh thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc quản lý bán điện, trước đây, hệ thống hạ tầng lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng thiếu đồng bộ, chắp vá; nguồn điện do các hợp tác xã, tổ dịch vụ điện quản lý phần lớn đều do nhân dân đóng góp từ trước, nguồn vốn hạn hẹp nên hầu hết không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn. Trong quá trình vận hành, sử dụng, đa số các lưới điện không được sửa chữa nên đã xuống cấp trầm trọng. Chất lượng điện không bảo đảm, có nơi điện áp cuối nguồn xuống thấp, tỷ lệ tổn thất điện năng cao, từ 25-30%. Sau 3 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hạ tầng điện được quan tâm đầu tư đồng bộ, các hợp tác xã dịch vụ điện phối hợp với Công ty Điện lực tỉnh đầu tư vốn cải tạo, sửa chữa, nâng cao chất lượng lưới điện hạ áp nông thôn và bảo đảm khoảng cách an toàn; phát quang hành lang lưới điện, lắp đặt mới công tơ đo đếm điện năng. Từ đó, làm chuyển biến rõ rệt chất lượng dịch vụ cung cấp điện cho các hộ sử dụng ở nông thôn. Đặc biệt, tỷ lệ tổn thất điện năng ở nông thôn giảm còn 8-10%, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên đạt 100%. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện tại các xã được đầu tư nâng cấp, cải tạo theo các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành.

Điện đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đẩy nhanh phát triển tiểu thủ công nghiệp, khôi phục các làng nghề truyền thống, du nhập và phát triển nghề mới nhằm tạo việc làm tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Có điện, nhiều làng nghề mộc, cơ khí ở Vĩnh Phúc đã mở rộng quy mô sản xuất khá hiệu quả như làng rèn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, Vĩnh Tường có gần 100 hộ đầu tư búa dập để thay cho búa đập tay, hiện chuyên sản xuất phôi để làm các mặt hàng cơ khí xuất bán ở khắp các tỉnh thành trong nước và một số nước lân cận, nhiều cơ sở thu lời hàng tỷ đồng/năm.

Việt Nam đang tiến gần tới đích 100% số hộ dân nông thôn có điện. Mục tiêu xây dựng NTM, nhất là hoàn thành tiêu chí về điện đã từng bước đạt được, ngoài sự chung tay nỗ lực của Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương, người dân, phải kể đến là vai trò chủ đạo của EVN.

Theo: Hà Nội Mới​
 

Việc làm nổi bật

Top