Những tranh cãi về nhiên liệu sinh học

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Việc sử dụng nhiên liệu sinh học không những không mang lại những thành công như mong đợi mà còn gây ra những rủi ro tiềm ẩn.

Lợi hay hại?

“Chuyển đổi các nguyên liệu sinh khối sang nhiên liệu sinh học là một quá trình thân thiện với môi trường. Vì vậy, khi sử dụng xăng ethanol, chúng ta sẽ giúp làm giảm CO2 trong khí quyển”.

Lời khẳng định trên được trích dẫn từ một tài liệu do Bộ Năng lượng Mỹ dưới thời Tổng thống B.Clinton xuất bản năm 1999 với tên gọi: “Nhiên liệu sinh học: Một giải pháp chống biến đổi khí hậu”.

DSC_0136.jpg

Tổng thống Mỹ George W. Bush trong Thông điệp Liên bang năm 2007 đã kêu gọi tăng sản lượng nhiên liệu tái tạo và nhiên liệu thay thế, như xăng ethanol. Tổng thống Barack Obama cũng theo đuổi những mục tiêu tương tự trong những năm đầu tiên của nhiệm kỳ thứ nhất.

Trong bối cảnh đó, các động cơ sử dụng nhiên liệu linh hoạt kết hợp xăng và ethanol được quảng cáo là “động cơ của tương lai”. Brazil, một trong những thị trường lớn nhất về sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu sinh học, được chào đón như một quốc gia trong tương lai. Nhiều tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ nhiên liệu sinh học được công bố, và nhiên liệu sinh học được cho là giúp nước Mỹ độc lập hơn về năng lượng.

“Tất cả đều không đúng”, Bret Stephens, nhà báo chuyên về nội chính và chính sách đối ngoại viết trong bài bình luận đăng trên tờ The New York Times hồi đầu tháng 5 vừa qua.

Ông Stephens cho rằng, nhiên liệu sinh học chẳng những không mang lại thành công như mong đợi, mà trên thực tế chúng còn nguy hại. Sử dụng bắp để làm nhiên liệu, thay vì thực phẩm, đã gây ra tình trạng tăng giá lương thực trên toàn thế giới, với những ảnh hưởng bất lợi đối với người nghèo. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng, những chiếc xe chạy bằng nhiên liệu ethanol phát ra một lượng acetaldehyde khổng lồ. Chất này phản ứng với ánh sáng mặt trời tạo thành ozon, một thành phần gây ra tình trạng sương khói.

Ông Stephens khẳng định, những tuyên bố được đưa ra trong tài liệu của Bộ Năng lượng Mỹ được trích dẫn ở trên là không đúng.

“Chúng ta cần đưa ra các lựa chọn về chính sách ít dựa vào cảm tính mà chú ý nhiều tới kết quả thực tế”, ông nói.

Rủi ro tiềm ẩn

Trước đó, từ năm 2014, Ủy ban liên chính phủ của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (IPCC) đã công bố hai báo cáo của các nhóm công tác về vấn đề sử dụng nhiên liệu sinh học. Những báo cáo này đã làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt về việc nhiên liệu sinh học có thực sự mang lại bất cứ lợi ích môi trường nào hay không?

IPCC cho rằng: “Nhiên liệu sinh học có lượng phát thải trực tiếp theo chu trình nhiên liệu về cơ bản là thấp hơn từ 30-90% so với xăng và dầu diesel. Tuy nhiên, đối với một số nhiên liệu sinh học, sự phát thải gián tiếp - kể cả từ những thay đổi trong sử dụng đất - có thể dẫn đến tổng lượng phát thải lớn hơn so với sử dụng các sản phẩm dầu mỏ. Vì vậy, cần phải xem xét các chính sách hỗ trợ nhiên liệu sinh học theo từng trường hợp cụ thể”.

Một bài viết trên trang Scientific American cũng liệt kê nhiều rủi ro tiềm ẩn của phát triển nhiên liệu sinh học, chẳng hạn như tình trạng “xung đột” trực tiếp giữa đất đai dành cho nhiên liệu và đất dùng cho sản xuất thực phẩm, tình trạng khan hiếm nước, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm nitơ vì sử dụng phân bón quá mức.

Viện Quốc tế về phát triển bền vững cho rằng, những lợi ích của việc sử dụng nhiên liệu sinh học như ethanol để thay thế nhiên liệu xăng có tác dụng gần như bằng không trong việc giảm phát thải CO2.

Báo cáo của IPCC dẫn các số liệu cho thấy, năm 2000, hơn 90% sản lượng bắp của Mỹ được dùng để nuôi người và gia súc và chỉ có chưa đến 5% được sử dụng để sản xuất ethanol.

Tuy nhiên, vào năm 2013, có tới 40% sản lượng bắp được dùng cho ethanol, chỉ 45% được sử dụng cho chăn nuôi gia súc, và 15% dùng trong lĩnh vực thức ăn và nước giải khát.

Năm 2014, Mỹ sử dụng hơn 130 tỉ gallon (1 gallon bằng 3,8 lít) xăng và hơn 50 tỉ gallon dầu diesel. Trung bình, một giạ bắp có thể được sử dụng để sản xuất chưa đầy 3 gallo ethanol. Nếu tất cả sản lượng bắp hiện nay ở Mỹ được chuyển đổi thành ethanol, thì nhiên liệu này chỉ chiếm 25% trong số 130 tỉ gallon xăng theo nhu cầu.

Nhưng nó sẽ làm gián đoạn hoàn toàn nguồn cung lương thực, thức ăn chăn nuôi và ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nền kinh tế nghèo ở Tây bán cầu bởi vì Mỹ sản xuất 40% ngô thế giới. 70% tổng lượng bắp nhập khẩu trên toàn thế giới đến từ Mỹ.

Tờ Telegraph của Anh dẫn một số liệu ước tính cho thấy, 30 triệu người đang lâm vào tình trạng đói, do hậu quả trực tiếp của tình trạng lấy thực phẩm để sản xuất nhiên liệu sinh học.

Theo một bài viết trên tạp chí Forbes, trong năm 2007, giá bắp toàn cầu đã tăng gấp đôi do sự bùng nổ sản xuất ethanol ở Mỹ. Vì bắp là loại thức ăn gia súc phổ biến nhất và có nhiều ứng dụng khác trong ngành công nghiệp thực phẩm, vì vậy giá bắp tăng khiến cho giá các mặt hàng như sữa, phó mát, trứng, thịt, chất làm ngọt và ngũ cốc làm từ bắp cũng tăng theo. Trữ lượng ngũ cốc thế giới cũng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 30 năm.

Bên cạnh đó, gia tăng sản xuất ethanol cũng để lại những tác động không mong muốn khác như sự tăng giá thuê đất, tăng lượng khí tự nhiên và các hóa chất sử dụng cho phân bón, tình trạng chặt rừng để trồng cây nhiên liệu...

Không phải chỉ có bắp, mà hầu hết cây trồng nhiên liệu, chẳng hạn như mía, đều gặp phải những vấn đề tương tự. Tại Brazil, do phải phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu dầu, chính phủ nước này đã tận dụng lợi thế của nước có khí hậu nhiệt đới để phát triển chương trình sản xuất ethanol nhiên liệu lớn nhất trên thế giới, dựa vào cây mía và đậu nành.

Brazil đã cắt giảm gần 400.000 héc ta rừng nhiệt đới mỗi năm để sản xuất nhiên liệu sinh học từ các loại cây trồng này và đã xuất khẩu hầu hết nhiên liệu đó sang châu Âu. Kết quả là có thêm 50% cacbon nữa được thải ra do sử dụng nhiên liệu sinh học để thay thế xăng dầu.

“Chúng ta nên nhớ rằng con người từ xưa đã chuyển từ nhiên liệu sinh khối sang nhiên liệu hóa thạch vì nhiên liệu sinh khối không hiệu quả, chúng cần rất nhiều năng lượng và không gian để sản xuất. Cho đến nay công nghệ đã không thể không đảo ngược vấn đề này”, Bret Stephens nói.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn​
 

Việc làm nổi bật

Top