Nhiệt điện Long Phú 1 và Sông Hậu 1 chậm tiến độ: Căng thẳng trong cấp điện cho miền Nam

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 (Sóc Trăng) và Nhiệt điện Sông Hậu 1 (Hậu Giang) bắt đầu chậm tiến độ, gây căng thẳng trong cấp điện cho miền Nam.

Hai dự án trên cùng có công suất 1.200 MW và đều do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là chủ đầu tư.

Được khởi công lần đầu vào tháng 1/2011, Dự án Nhiệt điện Long Phú được xem là dự án quan trọng trong mục tiêu chiến lược phát triển nguồn điện của PVN. Đây cũng là dự án nguồn điện cấp bách thuộc Tổng sơ đồ Điện VI đã được Chính phủ phê duyệt, với dự kiến phát điện Tổ máy số 1 vào năm 2014, Tổ máy 2 vào đầu năm 2015.

Để triển khai, PVN đã ký hợp đồng tổng thầu EPC xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 có tổng giá trị 1,2 tỷ USD với đơn vị thành viên là Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) vào năm 2010. Phạm vi thực hiện hợp đồng bao gồm thiết kế bản vẽ thi công; mua sắm hàng hóa, thiết bị, vật tư; toàn bộ công tác xây lắp; chạy thử, nghiệm thu; đào tạo, bàn giao vận hành và thu xếp vốn.

Nhưng sau đó, tiến độ vận hành của Dự án Nhiệt điện Long Phú đã phải điều chỉnh, với Tổ máy 1 sẽ vận hành vào năm 2015 và Tổ máy 2 vận hành trong năm 2016.

nhiet-dien-long-phu-1-va-song-hau-1-cham-tien-do-cang-thang-trong-cap-dien-cho-mien-nam1470327754.jpg

Kế hoạch phát điện Tổ máy 1, Nhiệt điện Sông Hậu 1 vào tháng 10/2018 khó khả thi bởi tiến độ Dự án đang rất chậm. Ảnh: T.H
Dẫu vậy, tiến độ Dự án vẫn không thể đẩy nhanh. Sau khi chuyển đổi tổng thầu từ PTSC sang Liên danh Power Machines (Liên bang Nga) - BTG (Slovakia) - PTSC, trong đó, Công ty Power Machines là thành viên đứng đầu Liên danh chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng của Dự án và điều phối, kế hoạch mới được thay đổi cho Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 là phát điện Tổ máy 1 vào năm 2018, Tổ máy 2 vào năm 2019.

Theo báo cáo của PVN, tới hết tháng 6/2016, tiến độ tổng thể thực hiện Hợp đồng EPC đạt khoảng 24,4%. Nguyên nhân được PVN cho biết là do công tác mua sắm thiết bị của nhà thầu Power Machines và một phần của công tác thiết kế.

Tuy nhiên, nguy cơ chậm tiến độ tại Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 vẫn hiển hiện, bởi công tác thu xếp vốn tín dụng hỗ trợ xuất khẩu (ECA) cho phần hàng hóa xuất xứ từ Nga đang gặp nhiều khó khăn vì các ngân hàng, tổ chức tín dụng cơ bản không chào thu xếp vốn cho phần hàng hóa xuất xứ từ Nga. Thêm vào đó, theo nhận xét của PVN, sự phối hợp của nhà thầu Power Machines với PTSC và các nhà thầu trong nước tuy có cải thiện, nhưng do công tác thiết kế và mua sắm chủ yếu thực hiện tại Ấn Độ và Nga, nên ít nhiều vẫn ảnh hưởng đến sự phối hợp và tiến độ xử lý công việc chung của Liên danh tổng thầu.

Trong khi đó, với Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1, đơn vị tổng thầu xây dựng là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) đã cùng PVN ký hợp đồng vào tháng 4/2015. Theo kế hoạch, Dự án sẽ phát điện Tổ máy 1 trong tháng 10/2018 và phát điện Tổ máy 2 trong tháng 2/2019.

Theo đánh giá của PVN, công tác thiết kế của Dự án hiện đạt 25,71% so với kế hoạch là 32,1% đặt ra cho tới thời điểm hết tháng 6/2016. Công tác lựa chọn thầu phụ, mua sắm, chế tạo thiết bị ước đạt 19,1% so với kế hoạch là 30,6%.

Một nhà thầu tham gia thi công tại Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 cho hay, Dự án áp dụng cơ chế “thực thanh - thực chi” và có sự tham gia rộng rãi của nhiều nhà thầu trong nước ở nhiều gói thầu nhỏ với mục tiêu tạo đà cho các doanh nghiệp nội. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra những trở ngại nhất định trong quá trình triển khai.

“Các quy định của Việt Nam khá chồng chéo, nên khi đấu thầu các gói thầu mua sắm trong nước vẫn phải qua chủ đầu tư duyệt, dù giá trị gói thầu không lớn. Điều này dẫn tới tình trạng thủ tục giải quyết lâu hơn, bộ máy cồng kềnh hơn”, nhà thầu trên cho biết và nhận xét thêm rằng, do không thực hiện theo hợp đồng tổng thầu EPC chìa khóa trao tay, nên chủ đầu tư cũng bị áp lực về việc có chi đúng hay không và phải có trách nhiệm với các khoản chi, nên đã có tình trạng yêu cầu thay đổi một số chi tiết để giảm chi phí, gây ra vướng mắc so với các tính toán ban đầu của Dự án. Đó là chưa kể, những điểm quan trọng, chủ đầu tư phải trình PVN để xin ý kiến, nên thời gian cũng bị kéo dài hơn và không chủ động được.

Bình luận về cơ chế “thực thanh - thực chi” này, các chuyên gia trong ngành điện cũng thừa nhận, điểm ưu việt là giúp các nhà thầu vẫn thanh toán được khi giá cả thực tế gia tăng, nhưng lại có rủi ro nhất định bởi phụ thuộc vào đạo đức của những người làm trực tiếp. Nếu chậm thanh toán và có những thay đổi so với ban đầu thì tiến độ dự án cũng bị ảnh hưởng.

Cần phải nói thêm, Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 và Sông Hậu 1 đều đang được mong ngóng sớm đi vào vận hành vì là nguồn bổ sung tại chỗ quý giá để đáp ứng nhu cầu điện đang tăng mạnh ở miền Nam.

Thanh Hương - Báo Đầu tư​
 

Việc làm nổi bật

Top