Nhà vua Thái Lan đang nắm giữ 150 triệu USD giá trị của Tập đoàn SCG - chủ đầu tư hóa dầu Long Sơn

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
SCG hiện đang có rất nhiều các khoản đầu tư tại Việt Nam, trong đó đáng chú ý là dự án đầu tư vào Lọc hóa dầu Long Sơn trị giá 5,4 tỷ USD.

Theo số liệu cập nhật từ Reuters, đức vua của Thái Lan hiện đang nắm giữ lượng cổ phần trị giá 150 triệu USD trong Tập đoàn Công nghiệp Xi măng lớn nhất nước này - Siam Cement Group Pcl (SCG), trong khi đó một thành viên thân cận của đức vua cũng đang có chân trong HĐQT.

Kể từ khi lên ngôi vào năm 2016, Vua Maha Vajiralongkorn đã quản lý nhiều tỷ USD giá trị tài sản tại các công ty, tập đoàn lớn với tư cách cá nhân, năm ngoái ông nhận thêm 500 triệu USD giá trị cổ phần từ một ngân hàng lâu đời nhất của Thái Lan.

3948_vua_thai.jpg

Đức vua Thái Lan - Maha Vajiralongkorn
Theo dữ liệu từ Thomson Reuters Eikon, 0,76% vốn cổ phần của Xi măng SCG đã được chuyển giao lại cho nhà vua Thái Lan từ Cục tài sản hoàng gia (nơi quản lý tài sản của cung điện).

Các điều khoản của việc chuyển giao tài sản thì không được tiết lộ, thậm chí ngay cả từ Cục tài sản hoàng gia cũng không có bất cứ một bình luận nào về hành động này. Thực tế xưa nay, hoàng gia Thái Lan vốn có chính sách không bình luận gì với giới truyền thông.

Với thị giá cổ phiếu trong thời điểm hiện tại, lợi tức từ lượng cổ phần mà nhà vua nắm giữ sẽ vào khoảng trên 25 triệu USD/năm.

Cục tài sản hoàng gia hiện chỉ còn nắm giữ 30% cổ phần của Siam Cement Group,nhưng vẫn đang là cổ đông lớn nhất tại công ty này.

Mặc dù không có một thống kế chính thức về giá trị mà cục tài sản hoàng gia Thái Lan hiên đang nắm giữ, tuy nhiên các ước tính gần đây cho thấy có thể lên tới 30 tỷ USD thông qua việc nắm giữ bất động sản và các khoản đầu tư khác.

Thậm chí tạp chí Forbes từng có thời điểm đưa ra thống kê, vị vua của Thái Lan chính là hoàng gia giàu nhất trên thế giới. Tuy nhiên nhận định này bị chính người trong cuộc phản đối, ông cho rằng khối tài sản đó không phải của cá nhân ông mà là tài sản quốc gia.

SCG được thành lập năm 1913 theo nghị quyết của Hoàng gia Rama VI về việc sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng cho các cơ sở hạ tầng đóng góp vào sự phát triển của Thái Lan. Kể từ khi thành lập, công ty này liên tục đa dạng hóa và hiện đang hoạt động trong 3 lĩnh vực chủ đạo gồm xi măng, hóa chất và bao bì…

Năm 2017, Tập đoàn này đạt con số doanh thu 13,29 tỷ USD (tăng 6%) và lợi nhuận 1,62 tỷ USD, giảm 2% so với năm trước đó.

Tại thị trường Việt Nam, doanh thu bán hàng của SCG trong quý IV/2017 của công ty đạt 6.518 tỷ đồng (297 triệu USD), bao gồm cả doanh thu bán hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu từ Thái Lan, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ ngành bao bì và các sản phẩm vật liệu xây dựng. Tổng doanh thu bán hàng năm 2017 đạt 25.703 tỷ đồng (1,1 tỷ USD).

Hiện tại, SCG hiện có 22 công ty đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam với tổng giá trị tài sản hơn 673 triệu USD.

Thậm chí SCG có thể sẽ trở thành nhà đầu tư duy nhất tại khu phức hợp hóa dầu Long Sơn, trị giá 5,4 tỷ USD tại miền Nam Việt Nam khi ngỏ ý muốn mua lại lượng cổ phần mà PVN hiện đang nắm giữ.

Mới đây, NawaPlastic Industries (công ty con của SCG) thâu tóm thành công gần 30% cổ phần của Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) thông qua đấu giá, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên 49,91% vốn cổ phần của một trong những công ty sản xuất nhựa hàng đầu tại Việt Nam.

Bạch Mộc
Theo Kinh tế & Tiêu dùng
 

Việc làm nổi bật

Top