Nhà thầu rởm lừa đối tác thi công dự án khủng

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Ngày 24/7, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án một nhà thầu lừa đảo đối tác việc được thi công Khu liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn - Thanh Hóa. Tuy nhiên, phiên tòa đã bị hoãn do Hội đồng xét xử trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vì có một số lời khai mâu thuẫn không thể làm rõ tại phiên tòa.

Chỉ cho thuê máy móc

Khi thi công nạo vét các công trình biển phục vụ Dự án Khu liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn - Thanh Hóa, Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí (PVC) đã ký hợp đồng thuê thiết bị thi công để san lấp mặt bằng khu vực nhà máy cho giai đoạn 1 của Dự án.

03_ZXJF.jpg

Đơn vị cho thuê là Công ty CP Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Gia Lộc có trụ sở tại Thanh Hóa. Công ty này được thành lập từ năm 2003, do Nguyễn Gia Tự (sinh năm 1953, quê phường Đông Thọ, TP. Thanh Hóa) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và Thiều Thị Bản (sinh năm 1956, ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) là Phó Tổng giám đốc.

Sau khi thực hiện xong hợp đồng, Phó Tổng giám đốc Thiều Thị Bản đã đi quảng cáo rằng Công ty Gia Lộc được nhận thầu san lấp mặt bằng Dự án Khu liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa giai đoạn 2. Công ty khác muốn hợp tác liên danh thì phải nộp tiền bảo lãnh hợp đồng là 1 tỷ đồng. Ông Đỗ Danh Khánh, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Thịnh An có trụ sở tại Hà Nội đã tin lời quảng cáo này bởi thấy thực tế có máy móc, thiết bị của Công ty Gia Lộc xuất hiện ở hiện trường thi công. Sau đó, hai bên ký kết hợp đồng liên danh. Nội dung liên danh san lấp mặt bằng Dự án cam kết ngày 30/11/2009 sẽ ký kết hợp đồng chính thức.

Nhưng do Công ty Thịnh An không có chức năng san lấp mặt bằng nên ông Đỗ Danh Khánh đã tìm đối tác khác thi công - đó là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Toàn Đức có trụ sở tại Hà Nội. Theo đó, Công ty Toàn Đức nhận thầu san lấp giai đoạn 2 Dự án với khối lượng đất san lấp là 1 triệu m3, trị giá tạm tính là 80 tỷ đồng. Công ty Toàn Đức nộp cho Công ty Thịnh An 1 tỷ đồng tiền bảo lãnh hợp đồng. Nếu hợp đồng hoàn thành, Công ty Thịnh An sẽ được hưởng lợi 2% giá trị hợp đồng.

Nhưng thực tế, Công ty Gia Lộc không phải đơn vị thi công mà chỉ cho PVC thuê thiết bị máy móc. Giai đoạn 2 của Dự án, Công ty Gia Lộc không được nhận thầu nên các hợp đồng hợp tác và liên danh đều không được thực hiện.

Nộp tiền cho nhà thầu rởm để được thi công công trình

Ngoài ra, Công ty Gia Lộc còn hợp tác đầu tư với Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại Nam Việt san lấp mặt bằng Cụm công nghiệp cầu cảng Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh long An, trị giá hợp đồng là 78,4 tỷ đồng. Công ty Gia Lộc có trách nhiệm đầu tư tài chính ban đầu. Nhưng thực tế Công ty Gia Lộc không có đủ tài chính và Thiều Thị Bản đại diện Công ty Gia Lộc đã ký hợp đồng liên danh với Công ty Thịnh An. Khi Công ty Thịnh An vào kiểm tra thực trạng thi công phát hiện Dự án thi công chậm nên rút lui khỏi dự án trên.

Tổng cộng, ông Khánh đại diện Công ty Thịnh An nộp cho Công ty Gia Lộc số tiền 1,59 tỷ đồng, trong đó 500 triệu đồng để liên danh thực hiện san lấp mặt bằng Cụm công nghiệp cầu cảng Phước Đông và 1,09 tỷ đồng san lấp mặt bằng cho Dự án Khu liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn giai đoạn 2. Số tiền trên Bản nộp về Công ty 1,5 tỷ đồng. Nguyễn Gia Tự trực tiếp ký 7 phiếu thu, sau đó tự rút ra bằng 4 phiếu chi không số.

Ông Khánh cho biết, trước khi ký hợp đồng, ông được Bản và Tự giới thiệu về 2 dự án và khẳng định sẽ được thi công công trình. Tin tưởng vì được xem thực địa, ông ký hợp đồng và nộp 3 tỷ đồng, trong đó có 1,5 tỷ đồng là tiền chi phí cho Công ty Gia Lộc để được thi công công trình. Riêng khoản tiền này không có phiếu thu. Quá trình giao dịch, Bản đã trả lại cho ông Khánh 50 triệu đồng.

Tại cơ quan điều tra, Thiều Thị Bản thừa nhận nhận từ ông Khánh 1,49 tỷ đồng, còn 100 triệu đồng chuyển trực tiếp cho ông Tự. Nguyễn Gia Tự khai nhận đã chuyển số tiền trên cho Công ty Nam Việt. Nhưng dự án không khả thi, nên Công ty Gia Lộc không tham gia. Nhận lại số tiền trên, Tự sử dụng vào mục đích cá nhân. Do công việc làm ăn thua lỗ nên Tự đến nhiều nơi để tìm việc, không báo cho chính quyền và gia đình.

Công ty Toàn Đức cho biết, sau khi ký hợp đồng với Công ty Thịnh An nhưng chờ lâu không được thi công nên Công ty đi tìm hiểu thì biết Công ty Thịnh An không được trúng thầu dự án trên. Công ty yêu cầu Công ty Thịnh An phải có trách nhiệm trả lại 1 tỷ đồng.

Sau khi vụ án bị khởi tố, các đối tượng đã bỏ trốn, đến năm 2016 bị bắt theo lệnh truy nã.

Thúy Nguyễn - Báo Đấu thầu​
 

Việc làm nổi bật

Top