Nghịch lý chuyện xăng dầu

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Một con số thống kê vừa được báo chí đăng tải cho hay trong 6 tháng đầu năm 2017, Việt Nam chi 75.000 tỷ đồng để nhập khẩu xăng dầu, trong đó 40% tức là 29.700 tỷ đồng dành cho thị trường Singgapore – một đất nước chỉ bé bằng huyện Cần Giờ (TP HCM) và thậm chí không có cả nguồn tài nguyên nước ngọt!

Con số lượng hóa ấy nói lên điều gì? Trong khi nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) đã hoạt động khá lâu, còn thua lỗ; nhà máy Ethanol Phú Thọ sản xuất xăng sinh học E5 vừa được cho… phá sản. Điều đáng nói là Việt Nam có nguồn dầu mỏ khá phong phú.

nhapkhauxangdau.jpg

Thêm nữa, trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu dầu thô tăng đến… 915% so với cùng kỳ nhưng cũng chỉ đạt 2.954 tỉ đồng! Mức tăng khủng khiếp này cho thấy chúng ta đang tận thu nguồn “vàng đen” không thương tiếc để bù tăng trưởng kinh tế.

So sánh giữa số tiền thu về từ bán dầu thô và số tiền phải chi ra để nhập xăng dầu thành phẩm cũng cho thấy sự chênh lệch quá lớn, tiền thu về chỉ bằng 3,93% so với số tiền bỏ ra.

Toàn cảnh ngành xăng dầu cho thấy chúng ta đang khai thác không hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nếu như ngành công nghiệp lọc hóa dầu của chúng ta đủ mạnh thì đâu đến nỗi phải chịu thiệt hại lớn như vậy, đó chính là mấu chốt của vấn đề.

Trước mắt, tăng cường khai thác dầu là cách dễ nhất làm tăng phần trăm GDP của cả năm, nhưng kéo đằng chân lại hụt đằng đầu, GDP có thể đạt chỉ tiêu đề ra nhưng đằng sau đó phải chi ra số tiền khổng lồ thì kết quả vẫn “nuôi ong tay áo”. Thành thử tăng GDP nhưng người hưởng lợi không phải là mình.

Mặt khác, như đã nói sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên mang tính chiến lược này. Vì vậy, chúng ta không còn cách nào khác là tập trung vực dậy ngành công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất. Thà dành mấy chục ngàn tỉ nhập xăng dầu để cứu vãn những nhà máy lọc dầu còn hơn mang dâu thô đổi lấy thành phẩm và chịu chênh lệch thiệt hại quá lớn.

Khai thác và bán thô tài nguyên chỉ phù hợp với mô hình tăng trưởng kiểu cũ cách đây vài thập kỷ. Các chuyên gia, nhà kinh tế cũng đã thấy được tính mất ổn định từ mô hình này vì đây đều là những loại tài nguyên được xếp vào nhóm không thể tái tạo.

Đã đến lúc chúng ta phải tính toán đến lúc nào đó các mỏ dầu sẽ cạn khô, vì vậy ngay từ bây giờ phải biết dùng tiết kiệm bằng cách khép kín quá trình khai thác và chế biến, chỉ có như vậy mới tối ưu hóa lợi nhuận và tạo đà tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế trong những năm tiếp theo. Chứ cứ đà này kéo dài chúng ta không khác nào gã tiều phu cần mẫn gánh từng bó củi đi bán đổi lấy những bao than đắt đỏ.

Hoàng Giang - Enternews.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top