Mỹ rục rịch xuất khẩu dầu, Trung Quốc lo

oilgasvietnam

Moderator
Nước Mỹ đang tiến tới dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu lửa đã áp dụng suốt 40 năm qua, mở ra khả năng gia tăng thêm nguồn cung dầu trên thị trường toàn cầu trong lúc thế giới đang thừa mứa “vàng đen”.

Theo tờ Wall Street Journal, có một nghịch lý là việc Mỹ xuất khẩu dầu trở lại có thể sẽ khiến Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - lo ngại.

Cho dù phần lớn lượng dầu mà Mỹ xuất khẩu, nếu nước này dỡ bỏ lệnh cấm, ít có khả năng được xuất sang Trung Quốc và các khu vực khác ở châu Á trong thời gian trước mắt, thì giá dầu thế giới vẫn sẽ chịu thêm sức ép giảm.

Dầu rẻ không có lợi cho Trung Quốc

Giá dầu càng rẻ thì lời hứa của Trung Quốc về dịch chuyển khỏi nhiên liệu hóa thạch càng khó thực hiện. Gần đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về việc giá dầu thế giới giảm sâu. Giá dầu thế giới hiện đang giao dịch ở ngưỡng 36-37 USD/thùng, gần thấp nhất trong 8 năm.

Là một quốc gia tiêu thụ và nhập khẩu dầu lớn, Trung Quốc có vẻ hưởng lợi từ giá dầu rẻ. Tuy nhiên, giá dầu thấp trong một thời gian dài khiến Bắc Kinh khó thực hiện các kế hoạch tiết kiệm năng lượng nhằm cải thiện hiệu quả cho nền kinh tế.

Ngoài ra, giá dầu thấp cũng khiến lợi nhuận các công ty dầu lửa quốc doanh lớn của nước này - nhóm doanh nghiệp sử dụng hàng triệu lao động - chịu tác động bất lợi. Chưa kể, dầu rẻ gia tăng áp lực giảm phát trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc.

“Giá dầu thấp chắc chắn là có lợi cho người tiêu dùng Trung Quốc, nhưng lại không có lợi cho các công ty dầu lửa và các khoản đầu tư của nước này ở nước ngoài”, chuyên gia Wang Tao thuộc Trung tâm Carnegie-Tsinghua về Chính sách toàn cầu ở Bắc Kinh nhận định.

Sự lo ngại của Trung Quốc được thể hiện rõ vào hôm thứ Ba vừa rồi, khi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia nước này (NDRC) bất ngờ đình chỉ cơ chế điều chỉnh giá xăng dựa trên thị trường.

Năm nay, giá dầu thế giới giảm mạnh đã dẫn tới hàng chục lần giảm giá xăng dầu ở Trung Quốc, và NDRC cho rằng việc điều chỉnh giá xăng dầu này dẫn tới tiêu dùng xăng dầu lãng phí và ô nhiễm không khí.

Động thái này cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn sẵn sàng can thiệp giá cả, bất chấp cam kết sẽ để thị trường giữ một vai trò lớn hơn - ông Neil Beveridge, nhà phân tích thuộc công ty Bernstein Research, nhận định. Theo ông Beveridge, việc Trung Quốc ngừng điều chỉnh giá xăng dầu là một tín hiệu phản ánh rằng giá dầu giảm chủ yếu sẽ làm lợi cho các công ty lọc dầu của nước này, thay vì người tiêu dùng.

Việc Mỹ tiến tới xóa bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu đang làm khó thêm cho Bắc Kinh. Kế hoạch mà Quốc hội Mỹ đưa ra ngày 16/12 vẫn cần bỏ phiếu thông qua và Tổng thống Barack Obama ký phê chuẩn.

Châu Á sẽ không hứng thú với dầu Mỹ

Cách đây 2 năm, khi giá dầu thế giới ở trên ngưỡng 100 USD/thùng, các công ty dầu lửa Trung Quốc đã mạnh tay thâu tóm các tài sản dầu khí ở nước ngoài, từ Nam Mỹ cho tới châu Phi. Hiện nay, khi giá dầu giảm sâu, nhiều thỏa thuận trong số đó có khả năng sinh lợi giảm sút, và các công ty dầu lửa Trung Quốc gần như đã dừng việc mua các mỏ dầu nước ngoài, thậm chí là cắt giảm thu nhập của nhân viên và giảm mạnh vốn đầu tư cơ bản.

china-oil-2013.gif

Dầu nhập khẩu hiện đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của Trung Quốc. Theo số liệu của Citi Research, nhập khẩu ròng dầu thô của Trung Quốc tăng 7,9% trong 10 tháng đầu năm nay. Citi dự báo nhập khẩu ròng dầu thô của Trung Quốc sẽ tăng ít nhất 5% trong năm 2016, đạt 7 triệu thùng/ngày.

Các nước thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) hiện cung cấp khoảng 60% lượng dầu mà Trung Quốc nhập khẩu. Nếu được xuất khẩu, các công ty dầu lửa của Mỹ sẽ phải đối mặt với một thách thức là hợp đồng cung cấp dầu dài hạn giữa các nước OPEC và khách hàng châ Á, trong đó có Trung Quốc.

“OPEC sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Họ sẽ có cách để đấu với các đối thủ Mỹ, bằng cách giảm giá dầu mạnh hơn hoặc hứa sẽ sản xuất thêm dầu”, ông Barnabas Gan, chuyên gia kinh tế thuộc công ty Oversea-Chinese Banking Corp, nhận xét.

Nhiều nhà máy lọc dầu của Trung Quốc được trang bị để chế biến các loại dầu của Trung Đông vốn thường rẻ hơn dầu ngọt nhẹ của Mỹ. Ngoài ra, các công ty dầu lửa của Mỹ, nếu được xuất khẩu dầu, có thể sẽ phải giảm giá bán cho khách châu Á để bù đắp chi phí vận chuyển trên một chặng đường dài.

“Các nhà máy lọc dầu sẽ nghĩ tội gì phải mua loại dầu đắt trong khi họ đang quen chế biến laoij dầu rẻ hơn”, ông Li Li, Giám đốc nghiên cứu công ty ICIS C1 Energy, phát biểu.

 

Việc làm nổi bật

Top