Loay hoay xử lý tro xỉ nhiệt điện than

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Lượng tro xỉ tồn đọng từ các nhà máy nhiệt điện than đã lên đến hàng chục triệu tấn và hàng năm phát sinh thêm cả chục triệu tấn nữa, thậm chí lên đến hàng trăm triệu tấn sau năm 2030 như lộ trình của Quy hoạch điện 7 điều chỉnh. Thế nhưng, câu chuyện xử lý tro xỉ hiện vẫn cứ mãi loay hoay, chưa có lời giải.

Những kế hoạch trên giấy

Mới đây, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “Sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.

Tại hội thảo, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, cho biết hiện cả nước có 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động và theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh đã được Chính phủ phê duyệt năm 2016, thì đến năm 2030 sẽ có 57 nhà máy.

f0f79_loay_hoay_xu_ly_tro_xi.jpg

Công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện than Sông Hậu (Hậu Giang). Ảnh: TRUNG CHÁNH
Với số lượng nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, dự kiến đến cuối năm 2017, lượng tro xỉ tồn đọng trên cả nước khoảng 40 triệu tấn và hàng năm phát sinh thêm khoảng trên 15 triệu tấn. Còn nếu các nhà máy điện than được đầu tư như quy hoạch, thì đến năm 2018, lượng tro xỉ thải ra trong cả nước là 61 triệu tấn, đến năm 2020 là 109 triệu tấn, đến năm 2025 và 2030 lần lượt đạt tới con số 248 và 422 triệu tấn.

Lượng tro xỉ phát sinh lớn nên trong tài liệu gửi đến hội thảo, ông Đinh Quốc Dân, Phó viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, cho biết hiện bãi thải của các nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động đã chiếm đến 709 héc ta và dự kiến sau năm 2020 tổng diện tích bãi thải theo thiết kế là 1.895 héc ta.

Để xử lý tro xỉ một cách căn cơ, tránh gây “tổn thương” cho môi trường, theo ông Bắc, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định 1696/QĐ-TTg ngày 23-9-2014 về một số giải pháp thực hiện xử lý tro xỉ của nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Tiếp đó, ngày 12-4-2017, Thủ tướng đã có Quyết định 452/QĐ-TTg phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng.

Những mục tiêu quan trọng của Quyết định 452/QĐ-TTg của Chính phủ là sử dụng tro xỉ nhiệt điện làm phụ gia sản xuất xi măng khoảng 14 triệu tấn; thay thế một phần đất sét để sản xuất clanhke xi măng khoảng 8 triệu tấn; thay thế một phần đất sét để sản xuất gạch đất sét nung khoảng 7 triệu tấn; làm phụ gia khoáng cho sản xuất bê tông và gạch không nung khoảng 2 triệu tấn; làm vật liệu san lấp công trình, hoàn nguyên mỏ và làm đường giao thông khoảng 25 triệu tấn.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Quyết định 452/QĐ-TTg yêu cầu các bộ, ban ngành liên quan biên soạn và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật cho việc xử lý, sử dụng tro xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng.

Tuy nhiên, tài liệu của ông Dân cho biết, trên bình diện chung, hiện mới chỉ có khoảng 10% lượng tro xỉ thải ra hàng năm được thu gom sử dụng (cho các mục đích khác nhau như làm vật liệu xây dựng), còn lại 90% vẫn thực hiện chôn lấp.

Vì sao chưa khả thi?

Trao đổi với TBKTSG, ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc Trung tâm Sáng tạo xanh (Green ID), cho biết trong tro xỉ nhà máy nhiệt điện có khoảng 80% là tro bay và 20% là xỉ đáy lò. Tro bay có thành phần khoáng vật rất giống với xi măng, nhưng có khoảng 20% than chưa cháy hết. “Cần phải loại bỏ tỷ lệ than chưa cháy hết này xuống 5% mới dùng được”, ông Sính giải thích.

Bên cạnh đó, thành phần than không cháy hết như nêu trên cũng làm giảm cường độ sản phẩm như gạch ngói, cho nên, cũng phải “lọc” còn lại dưới 5% thì mới sử dụng được.

Ngoài vấn đề nêu trên, theo ông Sính, tùy theo nguồn gốc than, mà trong tro xỉ có thể chứa một số loại kim loại nặng như Mangan (Mn), Niken (Ni)..., có thể có chất độc hại như Asen (As), Cadmi (Ca), Chì (Pb)... và có thể có cả chất phóng xạ.

“Để các loại tro xỉ này sử dụng được trong những công việc như làm xi măng, gạch ngói, sang lấp nền hay các ứng dụng khác, thì phải có quy chuẩn giới hạn các chất nêu trên cũng như lượng than không cháy hết ở một mức độ cho phép, không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người”, ông Sính nói.

Tuy nhiên, đáng tiếc là đến nay các cơ quan liên quan vẫn chưa thực hiện được nhiệm vụ Thủ tướng đề ra.

Một vấn đề rất quan trọng trong thúc đẩy việc sử dụng tro xỉ than, theo ông Sính, là cần coi tro xỉ là một loại chất thải, tức chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện phải mất tiền để xử lý. Cũng vì vậy mà phải có ưu đãi bằng tiền cho những công ty sử dụng tro xỉ. Dù phải mất tiền để xử lý lại như vậy, nhưng trên thực tế, khi những công ty sử dụng tro xỉ có nhu cầu, họ phải mua của các nhà máy nhiệt điện với giá 80.000-100.000 đồng/tấn. Trong khi đó, ở Trung Quốc hay Thái Lan, mỗi tấn tro xỉ các công ty sử dụng được trợ cấp một khoản tiền nhất định.

Có lẽ nhờ chính sách này mà việc xử lý tro xỉ của Trung Quốc và một số nước trên thế giới hiệu quả hơn ở Việt Nam rất nhiều. Ông Sính dẫn chứng: năm 2010 Trung Quốc sử dụng khoảng 3,2 tỉ tấn than và hàng năm thải ra khoảng 480 triệu tấn tro xỉ nhưng khối lượng tro xỉ được tái sử dụng khá cao, lên đến 67%, tăng 47% so với năm 1999 và 53% so với năm 1980.

Giả sử tro xỉ được xử lý dứt điểm 100% thì nguy cơ ô nhiễm môi trường từ nhà máy nhiệt điện liên quan đến than vẫn rất lớn. Quá trình khai thác, xử lý (rửa than), vận chuyển cho đến đốt than đều gây ra những nguy cơ đến môi trường.

Ông Sính cho rằng đối với điện than, nên dừng xây mới; phải tính giá tác động môi trường, xã hội và sức khỏe thành một loại phí môi trường và sức khỏe; cần có chính sách rõ ràng và đồng bộ về xử lý tro xỉ để các công ty có chiến lược sử dụng lâu dài. Đối với năng lượng tái tạo, đến nay vẫn chưa có luật năng lượng tái tạo nên việc đầu tiên là xây dựng luật và có những chính sách khuyến khích phát triển.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn​
 

Việc làm nổi bật

Top