Lập đáy lịch sử, nỗi đau của cổ phiếu “đại gia” khoan dầu Việt Nam

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Phiên giao dịch ngày 3/5, cổ phiếu PVD của Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí đã giảm sàn và chạm ngưỡng thấp nhất trong lịch sử kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.

Cụ thể, cổ phiếu PVD đã rơi xuống 16.500 đồng/cổ phiếu. Hiện tượng được giới đầu tư tài chính đánh giá là “nỗi đau” cho “ông lớn” giàn khoan lớn nhất Việt Nam, đồng thời là sự mất mát lớn đối với những cổ đông gắn bó với cổ phiếu này cùng những thăng trầm theo giá dầu.

Ngay ở thời điểm giá dầu rơi sâu nhất còn 30 USD/thùng vào đầu năm 2016, PVD vẫn giữ được mức giá trên 16.600 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, PVD đã chính thức có đáy mới với phiên giao dịch ngày 3/5.

Thực tế kể từ đầu năm 2017 đến nay, cổ phiếu PVD đã có xu hướng giảm từ mức 20.800 đồng, đồng nghĩa với việc cổ phiếu này đã giảm hơn 20% thị giá.

Screen%20Shot%202017-05-03%20at%206.49.11%20PM-4fc53.png

Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí được thành lập năm 2001, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực khoan và dịch vụ khoan dầu khí. Trải qua 16 năm phát triển, từ một xưởng cơ khí chuyên cung cấp dịch vụ sửa chữa thiết bị khoan, ứng cứu sự cố tràn dầu, đến nay PVD đã là nhà thầu khoan sở hữu đội ngũ giàn khoan hiện đại mang tầm cỡ khu vực, với bốn giàn khoan biển tự nâng thế hệ mới.

Năm 2006, công ty được niêm yết trên sàn HOSE. Cổ phiếu PVD được giới đầu tư săn đón ở “thời hoàng kim” của giá dầu, các giàn khoan chạy hết công suất.

Từ năm 2016, công ty mẹ PVD bắt đầu kinh doanh sa sút với kế quả doanh thu 98 triệu USD, giảm tới 75,4% so với mức doanh thu 402,6 triệu USD của năm 2015. Lợi nhuận sau thuế của PVD chỉ còn vỏn vẹn 3,46 triệu USD, giảm tới 95% so với cùng kỳ.

Dù kinh doanh sa sút song PVD chưa rơi vào thua lỗ bao giờ, tuy nhiên “bức tường thành” này của công ty đã bị phá vỡ khi bất ngờ công bố quý 1/2017 lỗ 200,9 tỷ đồng trong khi doanh thu chỉ vỏn vẹn 503 tỷ đồng, giảm 68,1% so với cùng kỳ.

Trong công văn giải trình lên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, ông Đỗ Danh Rạng, Phó tổng giám đốc công ty cho biết, việc thua lỗ là do số lượng giàn khoan sở hữu hoạt động trung bình trong quý 1 là 1,4 giàn so với 2 giàn của cùng kỳ năm trước. Hiệu suất sử dụng giàn khoan chỉ đạt 28% trong khi đơn giá thuê giàn giảm từ 55%-66% so với cùng kỳ.

“Không có giàn khoan thuê hoạt động trong quý 1, khối lượng công việc và đơn giá các dịch vụ liên quan đến khoan giảm 50% so với cùng kỳ, đồng thời công ty phải trích dự phòng cho các khoản phải thu quá hạn”, công văn của PVD giải trình.

Chính PVD cũng đưa ra những dự báo khó khăn cho năm 2017 khi công ty chủ động tăng cường quản lý tài chính, cắt giảm và tối ưu hóa chi phí trên tất cả các khoản mục chi, cơ cấu nguồn lực tinh gọn. Trong đó có việc cắt giảm nhân sự, tối giản chi phí vận hành giàn khoan, giảm chi phí đầu vào, cắt giảm chi phí hành chính quản lý doanh nghiệp như kinh phí hội nghị, chi phí tiếp khách, vận chuyển, cây cảnh…

“Năm 2017 tiếp tục được đánh giá là năm gặp nhiều khó khăn và thách thức hơn đối với ngành dầu khí, tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường thế giới mặc dù được dự báo giảm trong năm 2017 nhưng vẫn còn rất nhiều nhận định không khả quan về sự phục hồi của giá dầu trong ngắn hạn”, công ty nhận định.

Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2017, lãnh đạo PVD cho biết, nếu giá dầu thô trên 60 USD/thùng thì các giàn khoan mới không phải "phơi nắng" chờ việc. Nếu giá dầu hồi phục lên 70 USD/thùng thì hoạt động của PVD sẽ ổn định dù chưa tăng trưởng nhiều. Tuy nhiên, theo quy luật, sau khi giá dầu có xu hướng hồi phục trở lại gần đây, phải 1-2 năm sau mới thấy được tăng trưởng.

 

Việc làm nổi bật

Top