Kinh doanh gas: An toàn là trên hết!

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Các điều kiện kinh doanh gas nên nhấn mạnh vào mục tiêu bảo đảm an toàn hơn là yêu cầu chi tiết về số lượng kho chứa, vỏ bình… như hiện nay

Ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, đã nhận xét như trên xung quanh những quy định về điều kiện kinh doanh gas trong Nghị định 19 ban hành năm 2016 về kinh doanh khí vừa có hiệu lực khiến nhiều doanh nghiệp (DN) chết dở.

Phóng viên: Hiện nay, nhiều DN gas kiến nghị bỏ bớt các điều kiện kinh doanh, nhất là những quy định về cơ sở vật chất như phân phối gas phải có bồn chứa 300 m3, sở hữu 100.000 vỏ bình gas 12 kg… Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Ông Trần Minh Loan: Kiến nghị này là chính đáng. Ngành gas liên quan đến vấn đề cháy nổ, nếu xảy ra sự cố thì tác động đến an ninh trật tự xã hội rất lớn nên nhất thiết phải đưa ra điều kiện kinh doanh nhưng chỉ nên hướng vào những điều kiện bảo đảm an toàn. Ở các nước, họ quản lý DN gas dựa vào sản lượng cung ứng đến đối tượng tiêu dùng cuối cùng.

Với sản lượng nào thì DN mới được tham gia xuất nhập khẩu, làm đầu mối phân phối, tổng đại lý, đại lý... Khi đó, DN sẽ phải đầu tư cầu cảng, kho, vỏ bình, trạm nạp... để phục vụ kinh doanh của mình, miễn bảo đảm về phòng cháy chữa cháy. Thực tế, đầu tư để phục vụ thị trường miền núi khác miền biển, nếu DN quản lý tốt, xoay vòng bình nhanh thì không nhất thiết phải có nhiều vỏ bình, kho lớn vì sẽ rất lãng phí.

kinh-doanh-gas-an-toan-la-tren-het.jpg

Có phải ý ông muốn nói những điều kiện để bảo đảm an toàn cháy nổ trong kinh doanh gas hiện nay còn lỏng lẻo?

- Quy định trong lĩnh vực này hiện nay đã quá đủ và chặt chẽ. Thế nhưng, vấn đề này chưa được xã hội quan tâm đúng mức như là điều kiện chính trong kinh doanh gas mà đặt nặng vấn đề số lượng cơ sở vật chất, vỏ bình, kho chứa..., dẫn đến chuyện DN vùng này chê thấp, DN vùng khác lại than quá cao, không thể dung hòa. Nhà nước nên bỏ những quy định “cứng nhắc” kiểu như vậy để đi thẳng vào vấn đề cần quản lý là an toàn cháy nổ.

Hiện nay, trong hệ thống phân phối gas thì ở khâu cửa hàng, nơi phục vụ trực tiếp cho người tiêu dùng, việc chấp hành những quy định bảo đảm an toàn rất kém. Ở nhiều tỉnh, tỉ lệ cửa hàng gas không bảo đảm điều kiện lên đến 30%-40%, không có trang bị thiết bị chữa cháy, người bán không có kiến thức về gas... nhưng các DN vẫn giao hàng. Giải pháp cho vấn đề này là phải hợp lực lại để thay đổi tình trạng kinh doanh manh mún, mạnh ai nấy làm, cạnh tranh giá rẻ mà không lo đầu tư cho an toàn cháy nổ, giúp người tiêu dùng sử dụng gas an toàn.

Có dư luận cho rằng chính các đại gia ngành gas, trong đó có Công ty CP Tập đoàn Dầu khí Anpha do ông làm Chủ tịch HĐQT, đã vận động hành lang để những điều kiện kinh doanh cao được ban hành, sau đó dễ dàng thâu tóm những DN nhỏ với giá rẻ. Ông bình luận sao về điều này?

- Tôi cho rằng quá trình lấy ý kiến ban hành Nghị định 19 là tương đối dân chủ, cả DN lớn và nhỏ đều có đóng góp. DN lớn muốn nâng cao quy mô để bảo đảm hiệu quả, trong khi các DN nhỏ muốn hạ điều kiện để tồn tại độc lập. So với Nghị định 107 (ban hành năm 2009) thì Nghị định 19 không “vẽ” thêm điều kiện mới mà hạ điều kiện cơ sở vật chất xuống chỉ còn 1/3 đến 1/2 so với trước đây.

Điều này nói lên rằng có nhiều DN trong suốt nhiều năm qua chưa đủ điều kiện nhưng vẫn cứ kinh doanh và bây giờ lại tiếp tục “kêu”. Cần đặt trong bối cảnh những DN chấp hành đầu tư đúng quy định thì thua thiệt vì thừa công suất. Nếu tiếp tục hạ điều kiện sẽ tạo tiền lệ xấu cho xã hội.

Còn về việc DN nhỏ bị mua rẻ tài sản, tôi cho rằng không phải do chính sách mà do thị trường quyết định. Một DN làm ăn có lời thì giá bán được tính cả tài sản vô hình lẫn hữu hình; còn DN làm ăn lỗ bán không ai mua, nhà xưởng chỉ tính giá sắt vụn là điều dễ hiểu. Trong làm ăn không thể đòi hỏi rằng tôi đầu tư 10 đồng thì phải bán được ít nhất 10 đồng, còn nếu bán không được giá đó thì nói rằng bị chèn ép.

Thưa ông, nếu ngành gas tích tụ tập trung, ít DN tham gia thì liệu có xảy ra tình trạng độc quyền, giá cao, người tiêu dùng chịu thiệt?

- Hiện nay, số vỏ bình gas (chi phí lớn nhất trong kinh doanh gas) ước tính khoảng 20 triệu bình, vượt nhu cầu ít nhất 40%, công suất trạm chiết ít nhất gấp 2 nhu cầu, kho bãi dư nên hiệu quả đầu tư kinh doanh thấp nhưng các công ty gas không thể tăng giá bán do áp lực cạnh tranh.

Trong khi đó, thị trường chủ yếu cạnh tranh về giá, nhiều DN sẵn sàng làm bậy, kinh doanh gas giả, gas lậu, trốn thuế... để có giá thấp, dẫn đến nhiều nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng. Vì vậy, cần tập trung để khai thác hiệu quả cơ sở vật chất hiện có thì chi phí trên từng bình gas mới giảm một cách bền vững.

Tôi cho rằng chuyện mua bán, sáp nhập là bình thường, không nên nghĩ theo hướng nặng nề bị “thâu tóm”, “cá lớn nuốt cá bé”. Nếu ai cũng muốn làm chủ thì thị trường gas sẽ tiếp tục bị băm nát và cả ngành đều chật vật.

Nhiều DN, chủ cửa hàng kinh doanh gas than phiền rằng ngoài việc bị yêu cầu quá nhiều điều kiện, ngành gas còn bị nhiều nơi quản lý, ngay cả hội phụ nữ, tổ dân phố, công an khu vực, dân phòng... cũng vào kiểm tra được. Một năm có cả chục đoàn, rất mệt mỏi...

Đây đúng là một thực tế. Để giảm phiền hà cho người kinh doanh thì việc quản lý nên tập trung về một đầu mối chịu trách nhiệm. Từ đó, việc tổ chức kiểm tra sẽ do đầu mối chủ trì phối hợp với các ban, ngành liên quan kiểm tra một lần tất cả nội dung.

Những điểm mới của Nghị định 19

Theo Bộ Công Thương, Nghị định số 107 (năm 2009) đã quy định về điều kiện của các thương nhân chưa cụ thể và chưa sát với thực tế hoạt động kinh doanh LPG (thường gọi là gas), đặc biệt là các điều kiện về số lượng chai (thường gọi bình) gas và kho chứa gas quá lớn gây khó khăn cho DN, có thể gây lãng phí tài sản đầu tư của xã hội. Do vậy, Nghị định số 19 điều chỉnh một số điều kiện như: số lượng chai gas thuộc sở hữu của thương nhân với tổng dung tích chứa tối thiểu 3.930.000 lít (tương đương 150.000 chai gas loại 12 kg, quy định trước đây là 300.000 chai gas); đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu gas, tổng dung tích chứa tối thiểu 2.620.000 lít (tương đương 100.000 chai gas loại 12 kg, quy định trước đây là 300.000 chai gas). Tổng sức chứa các bồn gas tối thiểu giảm còn 300 m3 (quy định trước đây là 800 m3) đối với thương nhân phân phối gas chai.

NGỌC ÁNH - Người Lao Động thực hiện​
 

Việc làm nổi bật

Top