‘Khai tử’ xăng A92, dùng xăng E5 để cứu nhà máy ethanol?

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Các ý kiến khẳng định không thể 'khai tử' xăng A92, ép dùng xăng E5 bằng mệnh lệnh hành chính như vậy.

Cứu nhà máy ethanol đang hấp hối?

Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam vừa kiến nghị Chính phủ bỏ hẳn xăng A92 thay bằng xăng sinh học E5 tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Bà Rịa-Vũng Tàu. Các tỉnh thành còn lại phải có tối thiểu 50% cây xăng trên địa bàn bán xăng sinh học E5.

65754b9b53116a.img.jpg

Trước đó, Bộ Công thương đã khẳng định không có chuyện dừng bán hoàn toàn xăng A92 tại 8 tỉnh, thành phố từ ngày 1/6 theo lộ trình tiến đến thay thế hoàn toàn xăng E5 trên thị trường trong tương lai.

Bình luận về kiến nghị của Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, việc sử dụng xăng E5 là một chủ trương của Nhà nước nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đó là định hướng rất tốt, tuy nhiên, chất lượng xăng E5 của Việt Nam chưa thực sự đảm bảo, trong khi người dân đang sử dụng loại xăng vẫn là mặt hàng thông thường trên thế giới, do đó không thể cưỡng chế người ta bỏ được.

"Các nhà máy ethanol Việt Nam đang phải trùm mền, hấp hối dù đã đầu tư vào đó rất nhiều tiền. Việc sử dụng công nghệ Trung Quốc khiến chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo, sản phẩm ấy đã lạc hậu với thế giới, giá thành lại cao. Đó là lý do người tiêu dùng, các doanh nghiệp vận tải chưa mặn mà với việc sử dụng xăng E5.

Để cứu các nhà máy ethanol mà bắt người dân phải sử dụng xăng E5 là không được, như thế là trái với quy luật phát triển kinh tế thị trường. Cung cầu phải do thị trường quyết định, Nhà nước không thể dùng mệnh lệnh", ông Bùi Danh Liên thẳng thắn.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông lâm TP.HCM cũng không đồng ý với việc loại bỏ xăng A92 bằng giải pháp hành chính.

Theo ông: "Về quan điểm kinh tế, người sản xuất chỉ có thể đưa sản phẩm mới vào thay thế sản phẩm đang tiêu thụ khi tiêu dùng chấp nhận sản phẩm mới một tự giác, có nghĩa giá cả và chất lương sản phẩm mới phải cạnh tranh với sản phẩm hiện hành. Áp dụng biện pháp hành chánh như vậy là phi kinh tế, không theo quy luật thị trường, thiệt hại cho người tiêu dùng nếu họ vẫn còn tiếp tục mong muốn được sử dụng A92. Hơn nữa, A92 không phải là "chất cấm" không thể loại bỏ khỏi thị trường bằng hành chính hay pháp luật.

Vấn đề đặt ra là tại sao người tiêu dùng vẫn tiếp tục chọn A92, trong khi E5 đã đưa vào thị trường? Chúng ta phải công nhận người tiêu dùng là người có lý trí và luôn quyết định sáng suốt, họ chọn A92 có nghĩa là Ẹ5 chưa cạnh tranh được, chưa tạo được lòng tin về chất lượng đối với người tiêu dùng".

"Nếu loại bỏ xăng A92, bắt buộc người tiêu dùng phải chọn xăng E5 nhằm cứu các nhà máy sản xuất ethanol kém hiệu quả là điều không thể chấp nhận được. Không thể bắt người tiêu dùng phải gánh chịu sự kém hiệu quả của các doanh nghiệp, mà cần xem xét lại tại sao doanh nghiệp bị hấp hối hoặc đóng cửa để có giải pháp phù hợp.

Hội nhập quốc tế càng đòi hỏi phải tự do hóa thị trường ngày càng cao, cạnh tranh ngày càng bình đẳng, giải pháp hành chính như vậy là phi kinh tế, càng không được chấp nhận trong giai đoạn này", vị chuyên gia nhấn mạnh.

E5 phải tiếp thị bằng giá cả, chất lượng

PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi cho rằng, để xăng sinh học E5 có thể thay thế được A92 vì lý do môi trường, cần phải để cho người dùng lựa chọn một cách tự giác. Để làm được việc này phải dùng biện pháp kinh tế.

"Lâu nay xăng E5 đã đưa vào thị trường rồi người tiêu dùng vẫn chưa bỏ A92, có hai vấn đề cần giải quyết đó là giá và chất lượng. Giá xăng E5 chỉ rẻ hơn khoảng 500 đồng/lít chưa đủ hấp dẫn cho người tiêu dùng, chất lượng thì người tiêu dùng vẫn chưa tin. Do đó phải giảm giá E5 mạnh hơn, tạo chênh lệch đáng kể so với giá A92, người tiêu dùng sẽ chuyển qua tiêu thụ nhiều hơn và dần dần họ tự đánh giá được chất lượng. Mặt khác phải tăng cường cung cấp thông tin khoa học đáng tin cậy về E5 đến người tiêu dùng.

Như vậy, sự tồn tại và phát triển E5 hoàn toàn phụ thuộc vào người tiêu dùng, chỉ có giải pháp kinh tế trên mới có thể chinh phục được người tiêu dùng, không nên thực hiện biện pháp hành chính để đưa E5 ra thị trường thay thế cho A92, gây thiệt hại cho người tiêu dùng", ông Ngãi phân tích.

Ông Bùi Danh Liên cũng cho rằng, bây giờ chỉ có thể khuyến khích dùng xăng E5 mà thôi.

"Không thể bảo vệ lợi ích nhóm bằng mệnh lệnh hành chính. Để xăng E5 được người tiêu dùng chấp nhận phải tạo điều kiện cho sản phẩm này thâm nhập thị trường Việt Nam bằng giá cả và chất lượng, ngoài ra khuyến khích các trạm bán xăng bán rộng rãi để người dân dễ mua".

Đối với các nhà máy ethanol đang hấp hối, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội đề nghị
lấy một phần quỹ dự phòng xăng dầu để trợ giúp, Nhà nước không thể bỏ ngân sách ra bù được. Bản thân các nhà máy sản xuất xăng E5 phải tích cực đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Giá thành của E5 phải thấp hơn A92 thì tự nhiên nó sẽ thu hút được khách hàng. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của xăng E5 đối với việc cải thiện môi trường.

Nguồn: Báo Đất Việt​
 

Việc làm nổi bật

Top