Hóa dầu Bình Sơn trước giờ IPO: Lấn cấn 2.700 tỷ mắc kẹt tại OceanBank

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Lần đầu tiên các con số tài chính được minh bạch trước nhà đầu tư, các chỉ số này của công ty chủ quản Nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn khiến nhiều nhà đầu tư lấn cấn.

Sáng nay (20/12), Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị quản lý và vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, thực hiện buổi giới thiệu cơ hội đầu tư trong đợt bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại TP.HCM.

Theo kế hoạch, BSR sẽ chào bán công khai 7,79% vốn, tương đương hơn 241,6 triệu cổ phần. Ngoài ra, BSR sẽ chào bán 49% vốn cho nhà đầu tư chiến lược, Nhà nước nắm giữ 43% vốn.

Rào cản lớn với 2.700 tỷ mắc kẹt tại OceanBank

Đây là lần đầu tiên những con số tài chính của BSR công bố minh bạch cho các nhà đầu tư. Trong đó, khoản tiền gửi bị niêm phong tại Ngân hàng TMCP MTV Đại Dương (OceanBank) và các khoản đầu tư thua lỗ đang khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại.

Theo báo cáo tài chính, tại thời điểm cuối tháng 9/2017, BSR có khoảng 2.741 tỷ đồng gửi tại Oceanbank, đang tạm ngừng giao dịch.

Anh_1_Loc_dau_Dung_Quat.jpg

Về vấn đề này, Ban lãnh đạo BSR cho biết công ty đã rút 700 tỷ từ OceanBank và cũng đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước cũng như Ban lãnh đạo Oceanbank. Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc chuyển đổi OceanBank chỉ là chuyển đổi về hình thức sở hữu, còn ngân hàng vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm với người gửi tiền.

Tuy nhiên, điều mà nhà đầu tư chưa biết được là khoản tiền này bao giờ được "mở khóa".

Trong khi đó, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp cũng không mang lại sự kỳ vọng cho nhà đầu tư, vì thua lỗ.

Cụ thể, đến nay tổng vốn đầu tư của BSR tại CTCP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF) là 742 tỷ đồng (chiếm 65.54%), trong đó đã trích lập dự phòng 471 tỷ đồng. Nguyên nhân là nhà máy này liên tục thua lỗ kể từ khi đi vào hoạt động năm 2014, và dừng hoạt động.

Tổng lỗ lũy kế đến cuối tháng 9/2016 là 571 tỷ đồng, vốn góp chủ sở hữu còn lại 562 tỷ đồng, nợ vay ngân hàng 1.047 tỷ đồng, và đã quá hạn.

BSR đã đề xuất và được Chính phủ sơ bộ cho phép thoái vốn toàn bộ tại dự án BSR-BF này, sau khi khởi động lại nhà máy.

Hiện đối tác hợp tác kinh doanh đã đạt được những kết luận khả quan để khởi động lại nhà máy vào quý 1/2018. Sau khi khởi động, BSR sẽ rút một phần và tiến đến rút toàn bộ vốn tại đây. Trong quá trình khởi động lại nhà máy, BSR sẽ không bỏ thêm vốn cho dự án này.

Về các khoản vay, đến cuối quý III/2017, BSR còn dư nợ vay dài hạn 427 triệu USD, tương đương gần 10.000 tỷ đồng. Đây chính là bài toán về rủi ro tỷ giá mà doanh nghiệp phải đối mặt.

Vay 1,2 tỷ USD nâng cấp nhà máy Dung Quất
Nhà đầu tư cũng bày tỏ quan ngại tới dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất với công suất tăng từ 6,5 triệu tấn/năm lên 8,5 triệu tấn/năm, tương đương tăng 30%. Theo đó, tổng mức đầu tư phê duyệt của dự án là 1,8 tỷ USD, cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay là 30/70.

Về vốn vay, BSR dự kiến lựa chọn thuê tư vấn thu xếp vốn cho dự án dưới hình thức tín dụng xuất khẩu (ECA), vay các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước.

Đại diện BSR cho rằng với con số vay khoảng 1,2 tỷ USD, ngân hàng trong nước có thể đáp ứng được 300 triệu USD, còn lại thực hiện vay nợ bằng đồng USD. Doanh nghiệp kỳ vọng có thể vay khoảng 400 triệu USD qua hình thức ECA, còn lại là vay ngân hàng nước ngoài.

Song, số vay cụ thể khá phức tạp, còn tùy thuộc vào thời điểm đi vay.

Dự án đầu tư mở rộng này dự kiến vào vận hành từ năm 2022, hiện đã hoàn thành 99% công tác đền bù. Khoảng 108 ha đã có thể tiến hành thi công san lấp.

Nguồn cung dầu thô chính của BSR là mỏ Bạch Hổ, chiếm khoảng 60% tổng khối lượng dầu thô đưa vào chế biến của công ty. Mỏ Bạch Hổ và các mỏ dầu trong nước chiếm 90% cơ cấu dầu thô của công ty, còn lại là nhập khẩu. Công ty đang thực hiện đa dạng hóa nguồn dầu thô bằng các cải hoán nhỏ, để tăng cường khả năng phối trộn.

Khi hoàn thành dự án nhà máy mở rộng, công ty sẽ chủ động thay thế hoàn toàn dầu thô Bạch Hổ để tăng hiệu quả kinh tế theo cấu hình mới.

Loại dầu thô cơ bản dự kiến sử dụng sau khi dự án hoàn thành là ESPO và Murban (tỷ lệ 70/30). Dầu phối trộn là các loại dầu nhập khẩu khác và tất cả các loại dầu Việt Nam phù hợp với khả năng chế biến của nhà máy.

Sụt giảm chỉ tiêu vì bảo dưỡng

Trả lời thắc mắc của nhà đầu tư liên quan đến việc đặt kế hoạch kinh doanh giảm giai đoạn 2018-2022, tổng giám đốc BSR cho biết năm 2018 dựa vào bộ giá và dự báo thị trường, công ty đặt kế hoạch dự phòng giá mua dầu biến động. Tuy nhiên, khả năng thực hiện trong thực tế có thể tốt hơn so với dự báo.

Chẳng hạn như năm 2017, nhiều dự bán khó khăn nhưng đến nay, ước thực hiện cả năm đạt khoảng 80.000 tỷ đồng doanh thu và 8.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Hai năm 2020-2021, lợi nhuận của BSR được đặt ra giảm là do đến giai đoạn bảo trì nhà máy. Đến 2022 là năm đầu vận hành nhà máy mới nên phải trích lập chi phí khấu hao lớn. Ngoài ra, nhà máy hiện tại dự kiến phải nghỉ 40-60 ngày để kết nối khi nhà máy mới hoàn thành, dẫn đến lợi nhuận kế hoạch giảm.

BSR.jpg

Ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc BSR, cho biết thêm sản lượng của Dung Quất mang tính chu kỳ 3 năm, do ảnh hưởng của bảo dưỡng tổng thể. Trong đó năm 2020, công ty sẽ bảo dưỡng tổng thể lần 4, dẫn đến sản lượng giảm còn 5,7 triệu tấn, giống năm 2017.

Năm 2021, BSR ước khối lượng 5,8 triệu tấn cho quá trình kết nối với dự án nhà máy mở rộng, làm nhà máy phải ngừng hoạt động dự kiến 2 tháng.

Hàng loạt nhà đầu tư lớn "xếp hàng"

Về việc chào bán 49% vốn cho nhà đầu tư chiến lược, đại diện BSR nói đang tìm kiếm đối tác đảm bảo năng lực, nhất là năng lực tài chính. Nhà đầu tư chiến lược phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 10.000 tỷ đồng.

Hiện BSR đã nhận phản hồi và làm việc trực tiếp với 17 quỹ đầu tư và 5 đối tác, là các tập đoàn lớn muốn tham gia làm đối tác chiến lược. Trong đó, có hai công ty nước ngoài kinh doanh lĩnh vực hóa dầu định mua tối đa cổ phần cho phép (ở mức 49%), gồm World Petro (Mỹ) và MacronPetro Petroleum (châu Phi).

Tập đoàn Petrolimex cũng mong muốn trở thành đối tác chiến lược, thông qua việc mua cổ phần của BSR và ưu tiên tiêu thụ tối đa sản phẩm xăng dầu của Dung Quất.

Trong tháng 11 vừa qua, hàng loạt các công ty, tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới và khu vực cũng đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, như Tập đoàn Repsol, Ascope.

Trước đó, các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới như Rosneft - nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga, Tập đoàn SK (Hàn Quốc), PTT - công ty dầu khí lớn nhất của Thái, Tập đoàn dầu khí quốc gia Kuwait cũng đánh tiếng mua cổ phần của BSR.

Nhận định về cổ đông chiến lược, đại diện BSR cho biết do quy mô của đợt chào bán lớn, BSR sẽ cần thời gian để làm việc với các đối tác chiến lược sau khi hoàn tất IPO. Phía BSR cũng cho biết công ty sẽ đăng ký giao dịch cổ phiếu BSR lên sàn UpCom khoảng 1 năm, sau đó sẽ niêm yết chính thức trên thị trường chứng khoán.

Bình Nguyên
news.zing.vn
 

Việc làm nổi bật

Top