Giải pháp đảm bảo môi trường nhiệt điện than

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Trong thời gian qua cũng như thời gian tới, các nhà máy nhiệt điện than tiếp tục đóng vai trò trọng yếu trong việc đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống cho nhân dân.

Tuy vậy, vấn đề phát triển nhiệt điện than như thế nào? Bảo vệ môi trường ra sao luôn là câu hỏi mà lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương đặt ra. Vậy giải pháp đảm bảo môi trường được các nhà máy xử lý như thế nào?

Khi nhiệt điện than giữ vai trò trọng yếu

Theo Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh dự báo tốc độ tăng trưởng điện vẫn trên 10%/năm, gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước. Do vậy, trong khi các nguồn điện mới khác chưa đưa vào được, thì việc phải khai thác, xây dựng nhiệt điện than là bước đi không thể thiếu.

nhiet-dien-than-1438589562744.jpg

Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết: “Cơ cấu nguồn điện của Việt Nam rất đa dạng với thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, điện gió, điện mặt trời… Hiện nay, nguồn thủy điện đã khai thác gần hết, chỉ còn một số dự án mở rộng và các công trình thủy điện vừa và nhỏ có công suất dưới 30 MW. Tuy nhiên, dù có điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối đi nữa cũng không thể cáng đáng được vai trò chủ lực trong hệ thống điện, vì điện gió chỉ có thể chạy được 5-6 tiếng/ngày, điện mặt trời 4-5 tiếng/ngày, không thể chạy 24/24h như nguồn thủy điện và nhiệt điện than”.

Trên thế giới, nhiều quốc gia phát triển khi chưa có điện hạt nhân vẫn phải phát triển mạnh nguồn nhiệt điện than để cung cấp nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì thế, ở Việt Nam từ nay đến năm 2030 khi chưa có điện hạt nhân, nhất thiết phải xây dựng một số nhà máy nhiệt điện than để nâng công suất nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Thẳng thắn nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Bùi Huy Phùng –Nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Khoa học Năng lượng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) - Thành viên Hội đồng Tư vấn Quốc gia về biến đổi khí hậu cho biết: “Có thể khẳng định, trong hệ thống điện Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung nhiệt điện than vẫn đóng vai trò quan trọng. Hiện nay, nhiệt điện than trên thế giới chiếm 39% tổng sản xuất điện. Một số nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản… công suất nhiệt điện than cũng chiếm 45-50%, Trung Quốc 65% và ngay cả nước Mỹ quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới tỷ lệ nhiệt điện than hiện cũng chiếm gần 40% tương đương với Việt Nam. Chúng ta không phát triển nhiệt điện than thì lấy đâu ra điện mà dùng. Tôi khẳng định rằng, công suất đặt của các nhà máy nhiệt điện than sẽ tiếp tục gia tăng, nhưng tỷ trọng sẽ giảm dần và thay vào đó là các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời...”.

Song hành bảo vệ môi trường

Tuy là bước đi không thể thiếu, nhưng việc phát triển nhiệt điện than phải song hành với công tác bảo vệ môi trường. Trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Chính phủ đã nêu rõ các giải pháp về giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường, trong đó yêu cầu sử dụng chất thải tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than cho sản xuất vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác nhằm giảm diện tích bãi thải, bảo đảm theo đúng quy định. Đồng thời, khuyến khích sử dụng các dây chuyền công nghệ hiện đại nhằm giảm ô nhiễm môi trường như: Buồng đốt than phun thông số hơi siêu tới hạn, trên siêu tới hạn, công nghệ tầng sôi tuần hoàn, chu trình tuabin khí hỗn hợp, công nghệ xử lý chất thải tiên tiến…; thực hiện đầy đủ công tác theo dõi, quan trắc, đo đạc và quản lý các chỉ tiêu môi trường; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường của doanh nghiệp ngành Điện.

Bên cạnh đó, khi xây dựng NMNĐ than hiện nay có 3 yêu cầu bắt buộc đối với các chủ đầu tư xây dựng các nhà máy đó là: Khắc phục tối đa các khí thải độc hại NOx, SOx và lắp đặt lọc bụi tĩnh điện để tạp chất không đào thải ra môi trường; Xây dựng được các cảng cấp than, băng chuyền than phải hợp lý để tránh rơi vãi than; Xử lý các chất thải tro, xỉ.

Hiện nay các NMNĐ than ở Việt Nam đã áp dụng công nghệ mới tiên tiến nên đã hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường. Bản thân trong lò đã khử được chất độc như COx, SOx, NOx. Trên ống khói lắp lọc bụi tĩnh điện để tránh được bụi bẩn ra ngoài nên gần như khắc phục được khói bụi ra môi trường.

Trước câu hỏi về việc làm thế nào để phát triển nhiệt điện than nhưng đảm bảo môi trường sinh thái, PGS.TS Bùi Huy Phùng cho rằng: Không có cách nào khác, chúng ta phải áp dụng công nghệ tiên tiến, đồng thời học hỏi các quốc gia phát triển. Hiện nay, nhiều nhà máy nhiệt điện của Việt Nam đã cho lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống xử lý khí NOx và khí SO2 giúp giảm 98% bụi ra môi trường. Đây là điều rất đáng ghi nhận. Đồng thời, trong quá trình phê duyệt các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than, chúng ta phải thẩm định chặt chẽ yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái xung quanh nhà máy. Trong thời gian tới, chúng ta phải đưa ra quy chuẩn về phát thải nhiệt điện than, đồng thời địa điểm xây dựng nên đặt xa khu dân cư.

“Còn việc giải quyết vấn đề tro xỉ, thế giới đã nghiên cứu thành công chất xúc tác CC-88 được sử dụng ở nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ… Phương pháp này có tác dụng giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm môi trường, chuyển hóa tro xỉ thành nguyên liệu hữu ích cho ngành xi măng, vật liệu xây dựng, chất xúc tác này còn góp phần cháy than tốt hơn tiết kiệm được lượng than tiêu thụ. Công ty TNHH dầu khí La Sơn, đại diện cho Công ty Mỹ-ACCC đã đến giới thiệu CC-88 cho Việt Nam vào 3/2016. Chúng ta cần nắm bắt nghiên cứu sử dụng. Tuy nhiên, nếu đầu tư đầy đủ theo tiêu chuẩn quy định, các dự án nhiệt điện than phải tăng thêm 45-50% tổng giá trị đầu tư. Nhưng theo tính toán, dù vốn đầu tư có tăng, chúng ta vẫn phải làm để đảm bảo môi trường sống, đồng thời suất đầu tư có tăng, thì vẫn thấp hơn năng lượng mặt trời hiện nay”, PGS.TS Bùi Huy Phùng - Thành viên Hội đồng Tư vấn Quốc gia về biến đổi khí hậu cho biết.

Bùi Xuân Tiến - Bộ Công Thương​
 

Việc làm nổi bật

Top