Để xăng E5 không bị hắt hủi

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là chính thức “khai tử” xăng RON 92 để thay thế hoàn toàn bằng xăng sinh học E5. Đây là chủ trương đúng, phù hợp với xu thế chung của thế giới, góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện tính năng động cơ, góp phần đảm bảo an ninh lương thực... Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người nhận thức chưa chính xác, hiểu lầm về chất lượng, tác động, nguồn cung nguyên liệu và nguy cơ độc quyền tăng giá… khiến một bộ phận dư luận có tâm lý “hắt hủi” xăng E5.

Rất có lợi nhưng chưa được yêu, vì sao?

Theo các chuyên gia, không chỉ do thói quen và niềm tin của người tiêu dùng vào việc sử dụng xăng khoáng dẫn tới việc sử dụng xăng E5 còn hạn chế. Những hiểu lầm như: Do tính hút ẩm hơn xăng và dễ bị oxy hóa của ethanol, độ tinh khiết thấp dưới 99,50 dẫn tới việc sử dụng xăng sinh học liệu làm hư hại buồng đốt nhiên liệu của động cơ và những tác động không mong muốn khác; xăng sinh học E5 không thích hợp cho các loại xe đời cũ, xe thay thế phụ tùng không chính hãng, phương tiện có thời hạn sử dụng trên 10 năm có ống dẫn nhiên liệu đã bị lão hóa, rò rỉ… cần thiết phải được xóa bỏ.

3-2_Opt.jpg

Để minh chứng cho những hiểu lầm trên là vô căn cứ, PGS-TS Nguyễn Hữu Tuyến (Viện Cơ khí động lực - Đại học Bách khoa Hà Nội) đã tiến hành thử nghiệm nhiên liệu E5 trên dòng xe ôtô Ford Laser 1.8, phun xăng điện tử và thử nghiệm trên động cơ xe máy Honda Dream 100, chế hòa khí. Kết quả cho thấy, với xăng RON 92 thông thường, khi sử dụng E5 công suất trung bình tăng 3,31%, suất tiêu hao nhiên liệu giảm 5,18% trên động cơ ôtô. Trên động cơ xe máy, kết quả cho ra trung bình hàm lượng phát thải CO giảm 27,76%, HC giảm 16,23% so với xăng RON 92. Từ kết quả nghiên cứu khách quan, PGS Tuyến khẳng định: “Việc sử dụng xăng E5 giúp cải thiện công suất động cơ, suất tiêu hao nhiên liệu, giảm đáng kể phát thải HC, CO. Nhiên liệu xăng E5 hoàn toàn có thể sử dụng an toàn trên động cơ xăng đang lưu hành ở Việt Nam mà không cần phải thay đổi kết cấu hay vật liệu chi tiết.

Cần giảm giá E5 hơn nữa

Làm thế nào để đảm bảo nguồn cung cũng như đảm bảo giá thành phù hợp lại là vấn đề khá hóc búa. Bởi điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, thị trường nông sản, công nghệ canh tác, quản lý và xây dựng nguồn nguyên liệu…

Ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết: “Cần đảm bảo đủ nguồn cung ethanol trong nước để phối trộn, đồng thời giá ethanol phải rẻ để đủ sức cạnh tranh với nguồn ethanol nhập khẩu”. Muốn đủ nguồn cung ethanol, trước hết phải đảm bảo đủ nguồn cung sắn. Nhưng vùng nguyên liệu thu hẹp, lao động bỏ việc trồng sắn để tìm nghề khác, nếu khẳng định ngày 1.1.2018 sẽ cung ứng đủ thì quả là điều kỳ diệu.

Về phương án giá ethanol, Bộ Công Thương đưa ra chỉ thị yêu cầu Vụ Thị trường trong nước tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, khẩn trương rà soát các văn bản, nghiên cứu xây dựng cơ chế về thuế đối với ethanol nhập khẩu, đảm bảo chênh lệch giá của E100 nhập khẩu cao hơn 5-7% so với sản xuất trong nước. Trong khi nguồn cung nguyên liệu chưa khẳng định đáp ứng hoàn toàn, các nhà máy nhiên liệu sinh học dù khởi động lại cũng chưa dám chắc chắn đi vào sản xuất ổn định thì không đủ cơ sở để tin rằng, người tiêu dùng có thể hưởng một chính sách xăng sinh học đầy đủ với giá rẻ.

Đặc biệt trong lúc này, khi xăng E5 còn đang “nép lế” trước xăng khoáng RON 92 (xăng E5 chỉ chiếm 9% trong tổng mức tiêu thụ), nhưng giá chỉ thấp hơn RON 92 chính xác là 241 đồng/lít. Có gì đảm bảo khi “một mình một chợ”, xăng E5 không “làm mưa làm gió” tăng giá cao hơn so với thời điểm hiện nay?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ Người tiêu dùng lo ngại và đặt ra khá nhiều câu hỏi: “Tại VN, giá sắn từ chỗ chỉ khoảng 1.500-1.700đ/kg, từ khi nhà máy sản xuất ethanol đầu tiên đi vào hoạt động, giá sắn đã lên đến 3.500 đ/kg, có thời điểm lên đến 4.500-5.000đ/kg. Khi các nhà máy sản xuất ethanol đều đi vào hoạt động, nhu cầu nguyên liệu tăng cao, liệu giá sắn có ổn định? Hằng năm hàng chục triệu tấn sắn được dùng làm nguyên liệu cho xăng sinh học, nguồn cung lương thực giảm, liệu giá lương thực có tăng?”.

Không lo độc quyền

Hiện việc cung cấp nguồn ethanol để phối trộn trên toàn quốc do một công ty tư nhân đảm trách: Cty TNHH Tùng Lâm. Trao đổi với Lao Động, Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH Tùng Lâm (Tùng Lâm) - bà Trần Thị Tuyết cho rằng không cần phải quá lo lắng việc thiếu nguyên liệu sản xuất hay thiếu xăng E5. “Bởi sau 1.1.2018, chúng tôi sẽ chạy sản xuất đủ 100% công suất, đồng thời hai Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất và Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước cũng đã lên kế hoạch sản xuất hết rồi” - bà Tuyết nói: “Về nguồn nguyên liệu, hiện nay sắn lát khô Việt Nam vẫn phải xuất khẩu đi Trung Quốc. Trung bình mỗi năm xuất khẩu từ 1,5 triệu - 2 triệu tấn. Theo số liệu của Hải quan, từ tháng 1 đến tháng 7.2017, Việt Nam xuất khoảng 1,1 triệu tấn sắn lát. Bởi vậy tôi cho rằng không có gì phải suy nghĩ khi thị trường nội địa vẫn thừa sắn để xuất khẩu”.

Theo tính toán, khi bỏ hẳn RON 92 chúng ta cần 5,5 triệu mét khối xăng E5 cung ứng ra thị trường trong một năm, tương đương với khoảng 275.000m3 E100. Riêng Cty TNHH Tùng Lâm có thể đáp ứng được 200.000m3 E100, đảm bảo có thể cung ứng gần 73% nhu cầu toàn thị trường. Nếu hai nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất và nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước cùng hoạt động hết công suất thì lượng nhiên liệu cung cấp để phối trộn không những đủ mà còn thừa. Nhưng nếu theo đúng lộ trình tới năm 2019, Việt Nam sử dụng xăng E10 thì đảm bảo đủ nhiên liệu phối trộn cung cấp cho thị trường.

“Về vấn đề lo ngại độc quyền khi bỏ xăng RON 92 và thay thế hoàn toàn bằng xăng E5, tôi cho rằng có sự hiểu chưa toàn diện vấn đề. Phải biết rằng trong giá thành sản xuất xăng E5 thì chỉ 5% là liên quan tới giá E100, còn 95% vẫn là sản phẩm xăng khoáng RON 92. Như vậy thực sự tác động phải nói là rất thấp, chỉ 5% của số biến động. Ví dụ, hiện đang bán E100 với giá 13.800 đồng/lít. Nếu tăng giá E100 thành 14.800 đồng/lít, nghĩa là tăng giá 1.000 đồng. Nếu xăng E5 tăng giá thì chỉ là tăng 5% của 1.000 đồng, tương ứng với 50 đồng/lít. Tóm lại, sự tăng giá của xăng E5 không chịu tác động lớn của giá nguyên liệu sắn tăng, mà thực ra chịu sự tác động lớn nhất của thị trường xăng dầu thế giới” - đại diện của công ty Tùng Lâm chia sẻ.

Ông Mai Văn Huy - TGĐ Cty CP TMĐT Dầu khí Nam Sông Hậu nêu quan điểm: “Lo nhất là vùng nguyên liệu đầu vào, công ty chúng tôi nằm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nên để tiếp cận các nhà cung cấp nguyên liệu khá khó khăn. Nếu nguồn cung không đủ, phải cạnh tranh mạnh thì công ty gặp khó khăn”.

Phó TGĐ Petrolimex Bùi Văn Năm cũng cho rằng: “Chúng tôi không trông chờ hoàn toàn vào lượng sản xuất trong nước mà phải tìm kiếm ở các nguồn thị trường nước ngoài như: Hàn Quốc, Philippines”.

Ông Lưu Quang Thái - Chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam - băn khoăn: “nguyên liệu sắn chiếm tới hơn 70% giá thành E100 để trộn xăng E5, do đó nguồn cung ổn định là cơ sở để cạnh tranh với nhiên liệu phối trộn nhập khẩu. Do vậy, cần thiết phải quy định mức giá sàn và giá trần của sắn để đảm bảo nguồn cung cũng như lợi ích của người nông dân”.

Đ.THÀNH
Báo Lao Động​
 

Việc làm nổi bật

Top