Đại gia ngoại không dễ bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Theo thỏa thuận đầu tư, liên doanh của Nhật Bản và Kuwait sẽ chỉ phân phối sản phẩm do Lọc dầu Nghi Sơn sản xuất, song nhiều mặt hàng trong số này hiện được đánh giá là chưa đạt chuẩn chất lượng.

Thông tin Tập đoàn Idemitsu Kosan (Nhật) và Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI) lên kế hoạch phân phối xăng dầu tại thị trường Việt Nam được công bố mới đây khiến nhiều người kỳ vọng về những thay đổi trên thị trường xăng dầu, cả về giá lẫn chất lượng, khi các doanh nghiệp trong nước bị đặt trong bối cảnh phải cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo thỏa thuận đầu tư, các đại gia Nhật và Kuwait sẽ chỉ tham gia phân phối sản phẩm được sản xuất bởi tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), nơi cả Idemitsu Kosan và KPI đều nắm trên 35% vốn. Đây là dự án có tổng vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD, theo kế hoạch sẽ vận hành thương mại từ 2017 và đạt công suất tối đa 9,6 triệu m3 một năm sau đó (sản lượng tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam trong năm 2015 ước khoảng 16,4 triệu m3).

Tuy vậy, với khả năng sản xuất và công nghệ hiện tại, trong số các mặt hàng chủ yếu được Nghi Sơn sản xuất như xăng RON 92, RON 95, dầu diesel, dầu hỏa, khí hóa lỏng..., một số sản phẩm chưa đảm bảo chất lượng tiêu thụ trong nước. Trong một báo cáo lên Chính phủ mới đây, Tập đoàn dầu khí (PetroVietnam) thừa nhận so với tiêu chuẩn Việt Nam đã ban hành, sản phẩm xăng dầu Nghi Sơn có một số chỉ tiêu chưa đạt chuẩn mức 4 (tương đương tiêu chuẩn Euro 4). Khoảng 1,5 triệu tấn dầu diesel chỉ đạt mức 3 về chỉ tiêu hàm lượng lưu huỳnh.

Trao đổi với VnExpress, Thứ trưởng Công Thương - Đỗ Thắng Hải cho hay việc Idemitsu và KPI bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam là kế hoạch có từ khi cấp phép xây dựng Nghi Sơn và đã được Bộ Chính trị thông qua. Theo đó, đại gia ngoại sẽ được phép phân phối, bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam do chính họ sản xuất. Hiện đơn vị này đã có chứng nhận đầu tư, tiếp đó để bán lẻ sẽ tuân theo Nghị định 83, tức là phải xin giấy phép để trở thành đầu mối xuất nhập khẩu và được Bộ Công Thương, Chính phủ phê duyệt.

NB-9481-1463140455.jpg

Về lo ngại doanh nghiệp sẽ phân phối các sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn của Nghi Sơn cho người tiêu dùng Việt, Thứ trưởng cho biết vấn đề này đều sẽ được quản lý.

"Không có chuyện họ sẽ phân phối sản phẩm kém chất lượng. Về nguyên tắc, mọi sản phẩm xăng dầu khi bán tại thị trường Việt Nam đến tay người tiêu dùng đều phải đạt tiêu chuẩn của nước ta", Thứ trưởng khẳng định. Theo hợp đồng bao tiêu của Tập đoàn Dầu khí và Nghi Sơn thì các sản phẩm của Nghi Sơn cũng phải đạt tiêu chuẩn mức 4. Như vậy, PetroVietnam và các nhà đầu tư sẽ phải làm việc với Nghi Sơn về chất lượng, đảm bảo an toàn thì mới phân phối ra thị trường.

Về kỳ vọng giá rẻ, tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường xăng dầu vốn gặp nhiều điều tiếng về sự không minh bạch, Thứ trưởng khẳng định việc nhập khẩu xăng giá rẻ từ Kuwait về bán là không có. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị khi Nghi Sơn chưa có sản phẩm, doanh nghiệp sẽ được phép nhập khẩu các sản phẩm mẫu để thực hiện "test" trước khi đi chính thức phân phối.

Hiện Tập đoàn Dầu khí cũng lo ngại về việc tiêu thụ sản phẩm của Nghi Sơn do giá thành sản xuất được dự báo cao hơn so với xăng dầu nhập khẩu. Cụ thể là trong bối cảnh xăng dầu từ ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc ngày càng rẻ do được hưởng các cơ chế ưu đãi thuế quan, các sản phẩm của Nghi Sơn vẫn chịu thuế cao sẽ không có sức cạnh tranh.

Trước đó, Idemitsu Kosan cùng với KPI thành lập Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 tại Việt Nam với mục đích phân phối các sản phẩm dầu khí. Mỗi bên góp 50% vốn tại liên doanh này.

Theo Idemitsu, công ty này đã nhận được Chứng nhận Đăng ký đầu tư của Chính phủ Việt Nam và đang xin đăng ký doanh nghiệp. Idemitsu Q8 có kế hoạch hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ các sản phẩm dầu khí, thông qua việc xây dựng các trạm dịch vụ trên cả nước.

Idemitsu Kosan là doanh nghiệp lớn thứ 2 trong ngành xăng dầu Nhật Bản (sau Nippon Oil), hoạt động trong hầu hết các khâu của ngành này, từ lọc, sản xuất đến phân phối sản phẩm. Trong khi đó, KPI là một nhánh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Kuwait. Hãng này sở hữu thương hiệu xăng dầu Q8 với lượng tiêu thụ tương đương hơn 450.000 thùng một ngày trên toàn cầu. KPI cũng có hệ thống gần 4.800 trạm xăng dầu tại châu Âu.

Bạch Dương - Vnexpress.net​
 

Việc làm nổi bật

Top