Cổ phiếu dầu khí: bất lợi trong ngắn hạn

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Sự đồng lòng “đánh xuống” của ba cường quốc sản xuất dầu lớn nhất thế giới hiện nay là Ảrập Saudi, Nga và Mỹ đang gây sức ép lớn lên giá dầu trong ngắn hạn, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới diễn biến giá nhóm cổ phiếu dầu khí trên thị trường.

e9413_co_phieu_dau_khi.jpg

Sự đảo chiều của thông tin

Trong vòng ba tuần trở lại đây, giới đầu tư dồn dập đón nhận những thông tin quan trọng có ảnh hưởng mạnh đến giá dầu thế giới. Đầu tiên là ngày 8-5-2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, giúp giá dầu WTI có bước nhảy vọt gần 10%, từ mức 66-67 đô la Mỹ/thùng tăng lên mức 71-72 đô la Mỹ/thùng.

Sở dĩ giá dầu tăng mạnh sau thông tin trên vì Iran là nước có sản lượng dầu thô lớn thứ 5 trên thế giới với khoảng 4 triệu thùng dầu mỗi ngày (tương đương 5% tổng sản lượng dầu toàn thế giới). Việc Mỹ cấm vận Iran sẽ khiến nguồn cung dầu xuất khẩu của nước này sụt giảm, gây ra nỗi lo thiếu dầu.

Tuy nhiên, vào cuối tuần qua, Ảrập Saudi và Nga bất ngờ tuyên bố sẽ xem xét tăng sản lượng trở lại trước nỗi lo thiếu hụt dầu từ Iran và Venezuela. Điều này đồng nghĩa Ảrập Saudi sẽ đi ngược lại với cam kết hiện nay của OPEC về giới hạn sản lượng (cam kết này đến hết năm 2018 mới hết hiệu lực).

Theo một số nguồn tin ban đầu, Nga có thể sẽ tăng sản lượng thêm 800.000 thùng dầu mỗi ngày trong khi Ảrập Saudi có thể sẽ tăng thêm 700.000 thùng. Động thái của Ảrập Saudi (đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông) được cho là bắt nguồn từ sức ép của Tổng thống Donald Trump về việc các nước OPEC không thể đẩy giá dầu lên mức quá cao (vì có thể gây ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của Mỹ). Nhân tố bất ngờ mới là Nga vì Nga là nước có sản lượng dầu thô lớn thứ hai thế giới và không chịu nhiều sức ép từ Mỹ. Nhiều khả năng Nga muốn hành động theo hướng đồng thuận với Ảrập Saudi để tăng sức ảnh hưởng ở Trung Đông.

Về tổng thể, dù xuất phát từ nguyên nhân kinh tế hay địa chính trị thì sự đồng lòng “đánh xuống” của ba cường quốc sản xuất dầu lớn nhất thế giới hiện nay là Ảrập Saudi, Nga và Mỹ đang gây sức ép vô cùng lớn lên giá dầu trong ngắn hạn. Chỉ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (25-5), giá dầu thô đã giảm hơn 4%, về mức 67,5 đô la Mỹ/thùng đối với dầu WTI.

Ảnh hưởng bất lợi đến cổ phiếu dầu khí

Như vậy, thông tin cơ bản ngắn hạn đang rất bất lợi cho giá dầu thô thế giới nói chung cũng như giá cổ phiếu dầu khí nói riêng. Về phân tích kỹ thuật, giá dầu được nhận định sẽ kiểm tra các ngưỡng hỗ trợ xung quanh 67 đô la Mỹ/thùng và kế đến có thể là 65,5 đô la Mỹ/thùng. Trong kịch bản ngược lại, muốn thiết lập được xu thế tăng ngắn hạn trở lại, giá dầu thô cần kiểm tra lại ngưỡng kháng cự xung quanh 69,3 đô la Mỹ/thùng.

Ngoài thông tin tiêu cực từ giá thế giới, nhóm cổ phiếu dầu khí trong các phiên gần đây tiếp tục chịu áp lực bán ra từ khối ngoại, điển hình như phiên giao dịch cuối tuần trước với hai cổ phiếu đầu ngành là GAS và PVD. Lực bán này là ẩn số và rất khó dự báo. Kết hợp hai yếu tố trên, cổ phiếu dầu khí nhiều khả năng sẽ là nhóm chịu áp lực giảm giá mạnh nếu thị trường chung tiếp tục điều chỉnh.

Tuy vậy, bỏ qua các nhân tố mang tính ngắn hạn thì triển vọng trung và dài hạn của các cổ phiếu dầu khí vẫn có những nét tích cực. Giá dầu dù giảm mạnh trong các phiên gần đây nhưng nếu so với mức giá trung bình của năm 2017 (khoảng 55 đô la Mỹ/thùng) thì giá dầu năm 2018 được dự báo sẽ ở mức cao hơn (60-65 đô la Mỹ/thùng). Việc giá dầu trong xu hướng phục hồi sẽ tạo nên triển vọng lạc quan cho các cổ phiếu dầu khí.

Cụ thể như PVD, sự chuyển biến trong kết quả kinh doanh có thể chưa đến ngay trong năm nay nhưng giá dầu tăng sẽ là cơ sở để PVD đàm phán giá thuê đối với các đối tác ở mức cao hơn, đủ để doanh nghiệp đạt mức hòa vốn và có lãi trở lại trong các năm tiếp theo.

Theo ban lãnh đạo của PVD, các đơn giá từ hợp đồng thuê giàn khoan của công ty trong năm 2018 dao động từ 50.000-55.000 đô la Mỹ/ngày, vẫn dưới mức hòa vốn 65.000 đô la Mỹ/ngày.

Một cổ phiếu khác đi lên cùng với giá dầu là GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam. Với quy mô, lợi thế độc quyền và “hậu thuẫn lớn” từ công ty mẹ là tập đoàn Dầu khí (PVN), cổ phiếu GAS có nhiều động lực tăng giá trong năm nay. Thứ nhất, GAS là doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp bởi giá dầu thế giới, giá dầu tăng kéo theo giá khí tăng, đơn vị sản xuất và phân phối khí trực tiếp quy mô lớn như GAS sẽ lãi lớn. Thứ hai, bên cạnh triển vọng kinh doanh, câu chuyện thoái vốn nhà nước sẽ là một nhân tố tăng sức hấp dẫn cho GAS trong trung và dài hạn. Theo kế hoạch, GAS nằm trong danh mục thoái vốn của PVN đến năm 2020. Cụ thể, PVN sẽ giảm sở hữu tại GAS từ 96,72% xuống còn 65% trong giai đoạn 2018-2019.

Một cổ phiếu khác được dự báo có triển vọng tích cực là PVT của Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans). Với lợi thế công ty con của PVN, PVT là doanh nghiệp vận tải dầu khí đang quản lý, vận hành đội tàu vận tải lớn nhất Việt Nam. Năm 2018, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoàn thành sửa chữa và gia tăng công suất, sản lượng dầu thô dự kiến sẽ tăng mạnh từ 6,06 triệu tấn lên 7,2 triệu tấn. Bên cạnh đó, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn với công suất 9 triệu tấn dầu thô/năm bắt đầu vận hành từ cuối tháng 2-2018 cũng hỗ trợ tích cực cho triển vọng của PVT. Tương tự như GAS, PVT cũng là cái tên nằm trong danh sách thoái vốn của PVN, dự kiến sẽ thoái từ mức 60% xuống còn dưới 51% vốn điều lệ trong năm 2019.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn
 

Việc làm nổi bật

Top