Chuyển giao dự án Nhơn Trạch 3 và 4: Bộ Tài chính nghi ngờ khả năng thu xếp vốn của PV Power

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Bộ Tài chính cho rằng chưa có cơ sở để xem xét tính khả thi của việc giao PV Power làm chủ đầu tư các dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4.

Trả lời công văn của Văn phòng Chính phủ về việc giao Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) làm chủ đầu tư dựa án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4, Bộ Tài chính cho biết văn bản của Bộ Công Thương chưa nêu rõ việc thu xếp vốn chủ sở hữu, vốn vay và hiệu quả dự án nên Bộ Tài chính chưa thể xem xét tính khả thi.

Cụ thể, về khả năng thu xếp vốn chủ sở hữu, Bộ Tài chính cho hay tại công văn số 2853/DKVN-B.ĐIỆN của PVN thì dự kiến PV Power phải thu xếp nguồn vốn chu sở hữu để thực hiện các dự án này (phương án 1 – PV Power góp 100 vốn chủ sở hữu) từ Quỹ đầu tư phát triển giai đoạn 2018 – 2022 là 2.392 tỷ đồng và từ nguồn thoái vốn tại các đơn vị thành viên giai đoạn 2017 – 2020 là 4.647 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo phương án cổ phần hóa PV Power thì nguồn vốn chủ sở hữu để đầu tư thực hiện các dự án (trong đó chủ yếu đầu tư cho 2 dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4) của PV Power giai đoạn sau cổ phần hóa (2018 – 2022) từ Quỹ đầu tư phát triển là 7.034 tỷ đồng và từ nguồn thoái vốn là 1.560 tỷ đồng.

Số liệu nguồn vốn tại các văn bản trên có sự khác biệt. PVN và PV Power chưa có báo cáo cụ thể số liệu về cân đối nguồn vốn để đầu tư như: tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2018 – 2022, trong đó vốn chủ sở hữu để đầu tư mới, nguồn vốn để trả nợ; dự kiến nguồn vốn để đầu tư như khấu hao cơ bản; lợi nhuận để lại trích Quỹ đầu tư phát triển; nguồn thoái vốn (chưa nêu danh sách các đơn vị thành viên sẽ thực hiện thoái vốn, tỷ lệ thoái và dự kiến số tiền thu được).

Về khả năng thu xếp vốn vay, theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2016 và báo cáo tài chính năm 2017 của PV Power thì Tổng công ty có một số khoản nợ vay các ngân hàng và tổ chức tín dụng trong – ngoài nước như khoản vay để thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, khoản vay để thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Cà Mau… với tổng dư nợ tại thời điểm 31/12/2017 là 11.604 tỷ đồng.

PV-Power-PVN-du-an-nha-may-nhiet-dien-Nhon-Trach-3-va-4-VNF.jpg

Theo đó, áp lực trả nợ gốc và lãi hàng năm của Tổng công ty đối với các khoản vay này là tương đối lớn nhưng Tổng công ty chưa báo cáo về dự kiến khả năng trả nợ các khoản vay năm 2018 – 2022 và các năm tiếp theo.

Về hiệu quả đầu tư, tại công văn số 909/BCT-ĐI ngày 30/1/2018, Bộ Công Thương, PVN và PV Power chỉ báo cáo về mô hình dự án và đánh giá sơ bộ về năng lực của PV Power mà chưa có báo cáo cụ thể về tính toán hiệu quả đầu tư của các dự án.

Từ các lý do trên, Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo PVN làm rõ, báo cáo Thủ tướng các vấn đề gồm: báo cáo cân đối nguồn vốn để thực hiện 2 dự án; báo cáo cụ thể tính khả thi và phương án thu xếp vốn vay để thực hiện dự án. Việc thực hiện dự án cần trên cơ sở đảm bảo hiệu quả đầu tư, có thứ tự ưu tiên với các dự án khác đang và sẽ thực hiện của chủ đầu tư.

“Đề nghị giao Bộ Công Thương chỉ đạo PVN/PV Power rà soát, tính toán đầy đủ, cụ thể các thông số đầu vào và chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh tế của dự án. Trong đó lưu ý một số nội dung liên quan đến thông số đầu vào như tính toán ảnh hưởng của giá khí LNG và các chi phí có liên quan, đảm bảo hợp lý, không làm tăng đột biến giá thành sản xuất điện; giá mua – bán khí phù hợp với nguyên tắc giá khí thị trường; việc cân đối, thu xếp nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho dự án; tổng mức đầu tư và suất đầu tư của các dự án, đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí đầu tư”, Bộ Tài chính đề nghị.

Trước đó, như VietnamFinance đã thông tin, PVN đã đề xuất chuyển giao 2 dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 cho PV Power. Theo PVN, việc này là nhằm giảm áp lực cho Tập đoàn trong việc thu xếp vốn cho các dự án.

Được biết 2 dự án đều sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), công suất mỗi nhà máy 750-800MW, tổng mức đầu tư khoảng 33.300 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 sẽ được đưa vào vận hành trong giai đoạn 2020 - 2021.

Hiện đang có 2 phương án đối với việc PV Power được giao làm chủ đầu tư dự án nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4.

Phương án thứ nhất là PV Power góp 100% vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án. Với phương án này, PV Power sẽ huy động 2.392 tỷ đồng từ quỹ đầu tư phát triển, 4.647 tỷ đồng từ thoái vốn các đơn vị thành viên và 2.951 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu trong 3 năm tới.

Phương án thứ hai là thành lập công ty cổ phần. Theo đó PV Power sẽ giữ 51% vốn chủ sở hữu, số vốn còn lại sẽ được huy động từ hai nguồn quỹ đầu tư phát triển và thoái vốn.

Thụy Khanh
http://vietnamfinance.vn
 

Việc làm nổi bật

Top