Chính phủ ra "tối hậu thư" với các dự án nguồn điện BOT chậm tiến độ

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Bộ Công Thương cho biết, hiện Bộ đang quản lý và theo dõi 19 dự án nhiệt điện triển khai theo hình thức hợp đồng này, trong đó mới có 3 dự án đã đi vào hoạt động và 2 dự án mới khởi công.

Vẫn nhiều dự án chậm tiến độ

Từ năm 1997, Việt Nam đã bắt đầu triển khai các dự án nguồn điện theo hình thức BOT (dự án nhà máy BOT nhiệt điện Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2). Đây được đánh giá là những dự án BOT thành công, mang lại lợi ích cho cả nước chủ nhà và các nhà đầu tư; góp phần bảo đảm cung cấp điện và phát triển ngành công nghiệp khí đốt của Việt Nam.

Bộ Công Thương cho biết, hiện Bộ đang quản lý và theo dõi 19 dự án nhiệt điện triển khai theo hình thức hợp đồng này, trong đó mới có 3 dự án đã đi vào hoạt động và 2 dự án mới khởi công.

fix7_RCWX.jpg

Trong đó, 3 dự án đi vào hoạt động là Phú Mỹ 2.2; Phú Mỹ 3 và Mông Dương 2 được giới kinh tế đánh giá cao, góp phần bảo đảm cung cấp điện và phát triển ngành công nghiệp khí đốt của Việt Nam.

Còn 2 dự án nhiệt điện khác đã được khởi công xây dựng là Vĩnh Tân 1 và Hải Dương.

Ngoài ra, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 đã ký thỏa thuận đầu tư, chủ đầu tư đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư. Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 cũng đã kết thúc quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

4 dự án đang được đàm phán ở giai đoạn cuối như Vĩnh Tân 3, Vũng Áng 2, Vân Phong 1, Sông Hậu 1, và một số dự án nhiệt điện khác đang triển khai ở giai đoạn đầu: Long Phú 2, Quảng Trị, Vũng Áng 3, Dung Quất, Sơn Mỹ 1, Kiên Lương 1 và Quảng Trạch 2…

Trong tương lai, đến năm 2030 có thể sẽ tiếp tục triển khai khoảng 06 dự án BOT với Tổng công suất khoảng 7.500 MW.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, vốn đầu tư cho toàn ngành điện đến năm 2020 vẫn là bài toán khó để hoàn thành những dự án điện theo Quy hoạch điện VI cũng như bắt tay vào triển khai các kế hoạch trong Quy hoạch điện VII.

Nhiều dự án phát triển nguồn điện đã và đang triển khai bị kéo lùi tiến độ do không có vốn để thực hiện.

Kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho nguồn và lưới điện là 600.000 tỷ đồng. Trước đó, giai đoạn 2011-2015, tổng giá trị khối lượng đầu tư của EVN đã đạt trên 492.000 tỷ đồng, gấp 2,42 lần so với giai đoạn 2006-2010. Như vậy, nếu kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2016-2020 được hiện thực hoá, thì trong 10 năm (2011-2020), tổng vốn đầu tư mà EVN triển khai sẽ vượt qua con số 1 triệu tỷ đồng. Đây là một số vốn “khủng” trong bối cảnh nền kinh tế chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Bên cạnh đó, việc đền bù, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư cũng là nguyên nhân chính cản trở tiến độ đưa vào vận hành các nhà máy điện. Trong khi đó, giá mua điện từ các dự án nguồn điện còn thấp, đàm phán mua bán điện kéo dài, chưa hấp dẫn với các chủ đầu tư...

Đó cũng là những lý do khiến nhiều dự án chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Theo Quyết định số 428/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030, thì có 6 dự án nhiệt điện BOT chưa có nhà đầu tư, gồm: Nhiệt điện Long An I, Nhiệt điện Long An II, Nhiệt điện Quỳnh Lập II, Nhiệt điện Tân Phước I, Nhiệt điện Quảng Trạch II và Nhiệt điện Quảng Ninh III.

Kiên quyết với các dự án chậm tiến độ

Trước bối cảnh Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký văn bản “thúc” tiến độ các dự án nguồn điện Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT).

Cụ thể, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ đàm phán Hợp đồng BOT, Bảo lãnh Chính phủ (GGU) và các tài liệu liên quan của các dự án đang triển khai đàm phán; phấn đấu hoàn thành đàm phán, ký thỏa thuận đầu tư trong năm 2016 để chuyển sang các bước tiếp theo đối với các dự án BOT Nghi Sơn 2, Vũng Áng 2, Vĩnh Tân 3 và Vân Phong 1; khẩn trương hoàn thiện, ban hành cơ chế xử lý các dự án nguồn điện chậm tiến độ, kiên quyết thực hiện biện pháp thu hồi dự án để giao cho nhà đầu tư khác trong trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng các cam kết, kéo dài thời gian gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung của dự án như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 385/TB-VPCP ngày 23/11/2015 của Văn phòng Chính phủ.

Đồng thời, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện rà soát đối với các dự án BOT nguồn điện đã được Thủ tướng Chính phủ giao quyền phát triển dự án song nhà đầu tư chậm triển khai ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý cụ thể. Căn cứ thực tế và danh mục các dự án nguồn điện đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Bộ Công Thương chỉ đạo nghiên cứu cơ cấu hợp lý các nguồn điện BOT trong hệ thống điện quốc gia trong giai đoạn tới, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình thực hiện đàm phán Hợp đồng BOT, GGU của các dự án BOT nguồn điện, qua đó có biện pháp đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương trong việc quy định công thức thanh toán khi chấm dứt sớm cho phù hợp với từng điều kiện cụ thể để áp dụng cho các dự án BOT điện đang được triển khai đàm phán./.

Trí Dũng - Kinh tế và Dự báo​
 

Việc làm nổi bật

Top