Chiến lược cạnh tranh của BSR

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Hiện nay, mỗi năm Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất xuất bán ra thị trường trong nước khoảng 2,746 triệu tấn xăng và 3,068 triệu tấn dầu DO, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ.

Thị phần còn dư địa

Theo tính toán của các chuyên gia, từ năm 2018 trở đi, khi Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) vận hành thương mại, dự kiến cung cấp khoảng 8,75 triệu tấn sản phẩm các loại, đáp ứng khoảng 40% thị trường nội địa.

Ngoài ra, các nhà máy condensate như: PVOIL Phú Mỹ; Sài Gòn Petro; Nam Việt Oil; Đông Phương có công suất thiết kế khoảng 690.000 tấn xăng/năm.

chien-luoc-canh-tranh-cua-bsr.jpg

Với đà tăng trưởng ổn định của nền kinh tế như hiện nay dự báo, trong vòng 5 năm tới (2018-2022), mỗi năm nhu cầu tiêu thụ trong cả nước khoảng 6,5 triệu tấn xăng và 8,5 triệu tấn dầu DO.

Như vậy, mỗi năm thị trường Việt Nam vẫn thiếu hụt khoảng 0,8 triệu tấn xăng và 1,8 triệu tấn dầu DO.

Đây chính là “cơ hội” để Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh để “đón đầu” cho sự cạnh tranh không chỉ trong tương lai gần, mà ngay thời điểm bây giờ, nhằm giữ vững và phát triển thị phần.

Lợi thế và thách thức

Có thể nói, trong “cuộc chơi” thương mại này, BSR đang có nhiều lợi thế và cũng có nhiều thách thức.

Lợi thế thứ nhất, chính là đã có thị phần khá ổn định từ các bạn hàng là các nhà phân phối trong cả nước. Lợi thế thứ hai, là NMLD Dung Quất sau hơn 7 năm vận hành thương mại, BSR đã tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm; xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ quản trị vững vàng, đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật có tay nghề, làm chủ khoa học công nghệ.

Ngoài ra, so sánh với các mặt hàng nhập khẩu, BSR còn có các lợi thế hơn hẳn, đó là: cung đường vận chuyển ngắn, hàng tồn kho không nhiều, đồng nghĩa với đó là tỷ lệ hao hụt giảm, giảm được các chi phí. Thủ tục thanh toán đơn giản, đấy là điều mà các nhà phân phối thường lựa chọn.

Tuy nhiên, lợi thế này không phải là “độc tôn”, BSR có lợi thế như thế nào thì NSRP cũng có lợi thế như vậy. Ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với hàng nhập khẩu, thì BSR cũng phải cạnh tranh với chính “người anh em” của mình là NSRP. Dù NSRP là “người đi sau”, tuy có những khó khăn nhất định trong giai đoạn đầu, nhưng lại có lợi thế hơn BSR ở những điều kiện khác.

Vậy là BSR có nhiều lợi thế và không ít thách thức trong “cuộc chơi” trên thị trường xăng dầu.

Hai yếu tố tiên quyết

Để cạnh tranh, không có con đường nào khác là BSR phải xây dựng cho được chiến lược kinh doanh. Trong đó hai yếu tố quan trọng hàng đầu là nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.

Muốn được như vậy, việc đầu tiên phải tập trung cho công tác lập kế hoạch sản xuất theo khả năng vận hành thực tế của nhà máy. Điều chỉnh linh hoạt theo thị trường, nâng tối đa công suất các phân xưởng công nghệ.

Cùng với đó đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, áp dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tối ưu hóa tất cả các khâu trong quá trình vận hành nhà máy, tiết giảm chi phí, giảm tồn kho… tiết kiệm tối đa các chi phí không cần thiết. Đợt bảo dưỡng tổng thể lần thứ 3 này, BSR quyết tâm kéo dài thời gian lần sau từ 3 năm lên 4 năm cũng là một trong các biện pháp tiết giảm chi phí.

Và ngay từ bây giờ phải tính đến việc quảng bá thương hiệu, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, để xây dựng phương án xuất khẩu sản phẩm ra thế giới, trước mắt là các nước lân cận trong khu vực như: Lào, Campuchia, Indonesia…

Trung Hội - Petrotimes.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top