Chi lãi ngoài!

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Lần đầu tiên Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) công khai thừa nhận trước tòa tỷ lệ cổ phần thực mà ông sở hữu tại OceanBank lên tới 73,4%. “Kết luận (của cơ quan điều tra - NV) đã nêu 62,9%, còn các cổ đông lẻ bị cáo cho vay 10% nữa. Chính xác phải là 73,4%” - Hà Văn Thắm trả lời luật sư bào chữa chiều ngày 6-9-2017 tại tòa.

Tất nhiên trên giấy tờ sổ sách, Hà Văn Thắm không đứng tên tất cả từng ấy cổ phần, mà nhiều người đứng tên cho ông. Có thế Thắm mới không vi phạm quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 về cổ đông lớn cá nhân và tổ chức.

97f35_con_ai_nua.jpg

Căn cứ vào tỷ lệ cổ phần 73,4%, nếu có ai đó nói OceanBank là ngân hàng của Hà Văn Thắm cũng không sai bao nhiêu. Ảnh: T.L
Tập đoàn Dầu khí cho đến năm 2014 vẫn nắm giữ 20% cổ phần OceanBank. Như vậy Hà Văn Thắm và PetroVietnam đã giữ 93,4% cổ phần ngân hàng này. Hàng trăm (có thể nhiều hơn) cổ đông còn lại sở hữu vỏn vẹn 6,6%.

Căn cứ vào tỷ lệ cổ phần, nếu có ai đó nói OceanBank là ngân hàng của Hà Văn Thắm cũng không sai bao nhiêu. Với 73,4% cổ phần Thắm có thể phủ quyết hay thông qua mọi quyết sách của OceanBank liên quan đến kinh doanh. Do đó Thắm là người quyết định chi và mức chi cụ thể lãi ngoài cho các cá nhân lãnh đạo các doanh nghiệp dầu khí gửi tiền ở OceanBank.

Hà Văn Thắm còn khai rõ Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, không đại diện cho phần vốn của PetroVietnam ở OceanBank, nhưng vẫn được vào hội đồng quản trị vì “tư cách tham gia hội đồng quản trị của ông Sơn là do bị cáo với tư cách cổ đông giới thiệu. Ông Sơn thực ra đại diện cho phần vốn góp hơn 60% của bị cáo”. Năm 2011 sau khi thôi chức tổng giám đốc ở OceanBank và được bổ nhiệm những chức vụ quan trọng ở PetroVietnam, ông Sơn vẫn tiếp tục tham gia, dù không thường xuyên như trước đó, chi lãi ngoài cho các quan chức doanh nghiệp dầu khí. Nguyên nhân nào khiến ông Sơn “tận tụy” với OceanBank đến mức đó?

Cho đến nay dư luận chưa thể biết rõ tiền Hà Văn Thắm góp vào OceanBank là tiền tươi thóc thật hay tiền vay mượn và liệu có sự thế chấp cổ phiếu ngân hàng vào ngân hàng khác để vay tiền góp vốn (73,5% cổ phần trong tổng vốn điều lệ 4.000 tỉ đồng của OceanBank tương đương 2.936 tỉ đồng tính theo mệnh giá - NV). Giả sử đó là tiền tươi thóc thật, thì Hà Văn Thắm quả là giàu có. Một cá nhân giàu có thông qua một tổ chức tín dụng cổ phần đã huy động được hàng chục ngàn tỉ đồng tiền gửi của một trong những tập đoàn quốc doanh quy mô nhất đất nước!

Nếu không có những khoản chi lãi ngoài liệu OceanBank có huy động được tiền gửi của PetroVietnam với số lượng lớn và lâu dài? Câu trả lời còn để ngỏ và dù câu trả lời là “có” hay “không”, chi lãi ngoài trên thực tế đã trở thành “giải pháp hữu hiệu” đối với OceanBank lúc bấy giờ.

Kết quả của “giải pháp hữu hiệu” ấy là gần 1.600 tỉ đồng đã được chi và nhận chi lãi ngoài. Hà Văn Thắm khai số tiền trên được lấy “từ nguồn tiền hoạt động kinh doanh của OceanBank”. Cho đến hết ngày xét xử 9-9-2017, các bị cáo mới chỉ khai ra số tiền tổng cộng chi lãi ngoài đến các địa chỉ cụ thể là 246 tỉ đồng. Vậy còn khoảng 1.300 tỉ đồng đã chi lãi ngoài là cho ai? Đến những địa chỉ nào?

Dữ liệu lời khai của các bị cáo cho thấy ở nhiều thời điểm số dư tiền gửi của PetroVietnam tại OceanBank chiếm 50% tổng vốn huy động của ngân hàng. Từ đây có thể thấy phần lớn tổng tiền chi lãi ngoài trong nhiều năm từ nguồn tiền hoạt động kinh doanh của OceanBank, theo lời khai, là để chi cho các cá nhân lãnh đạo các doanh nghiệp dầu khí. Con số đó có thể không chỉ dừng ở mức 246 tỉ đồng. Nó có khả năng nhiều hơn thế.

Các lãnh đạo của các đơn vị dầu khí lớn như Vietsovpetro đã được triệu tập đến tòa để đối chất với các bị cáo. Ông Ninh Văn Quỳnh, nguyên kế toán trưởng PetroVietnam đã thừa nhận có nhận hàng chục tỉ đồng chi lãi ngoài từ Nguyễn Xuân Sơn và nguyên tổng giám đốc OceanBank giai đoạn sau bà Nguyễn Minh Thu. Kế đó bà Thu khai trong gần hai năm từ tháng 7-2012 đến tháng 6-2014 đã chi lãi ngoài hàng chục tỉ đồng cho chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Ngay lập tức hội đồng xét xử triệu tập thêm bốn lãnh đạo của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn để trực tiếp đối chất với bà Thu và các bị cáo khác. Liệu còn lãnh đạo những đơn vị dầu khí nào sẽ được triệu tập và đối chất tiếp theo?

Trước phiên tòa OceanBank hầu hết những cá nhân đã chi và nhận chi lãi ngoài còn được bổ nhiệm và đảm đương các chức vụ cao hơn tại PetroVietnam, thậm chí ở chức vụ cao nhất là chủ tịch hội đồng thành viên như Nguyễn Xuân Sơn, phó tổng giám đốc như Ninh Văn Quỳnh. Họ được cất nhắc trước hết nhờ sự đồng thuận của lãnh đạo cấp cao của PetroVietnam thời đó. Phải chăng lãnh đạo cấp cao của tập đoàn Dầu khí quốc gia giai đoạn ấy không nhìn thấy sự vi phạm pháp luật của cấp dưới hay sự vi phạm được cho qua vì những lý do nào đó mà dư luận công chúng chưa được biết?

Phần lớn tổng tiền chi lãi ngoài trong nhiều năm từ nguồn tiền hoạt động kinh doanh của OceanBank là để chi cho các cá nhân lãnh đạo các doanh nghiệp dầu khí. Con số đó có thể không chỉ dừng ở mức 246 tỉ đồng.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn​
 

Việc làm nổi bật

Top