Bảo vệ chủ quyền trên biển - Nhiệm vụ đặc biệt của Petrovietnam

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) những năm qua luôn giữ vững vị trí trụ cột trong nền kinh tế đất nước, đầu tàu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế đất nước, PVN còn thực hiện nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng và đặc biệt, đó là góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên biển, nơi những dự án dầu khí đang triển khai.

Nhà giàn DK1 - cột mốc chủ quyền trên Biển Đông

Từ những năm 90 của thế kỷ XX, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (khi đó là Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam) đã triển khai thực hiện các quyết định của Chủ tịch Hội động Bộ trưởng và của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, cho phép Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro tham gia xây dựng các nhà giàn DK1 theo đề nghị của Bộ Quốc phòng. Từ năm 1991, mỗi năm Vietsovpetro xây dựng 2 công trình nhà giàn DK1. Hầu hết các công trình này được Bộ Quốc phòng và Bộ Xây dựng đánh giá có độ bền vững cao, chịu được điều kiện sóng khắc nghiệt của vùng thềm lục địa nhiệt đới Việt Nam…

2511PVN.jpg

Nhà giàn DK 1-15 Tư Chính, thế hệ nhà giàn mới nhất do Vietsovpetro thi công. (Nguồn: PVN)
Tính đến nay, nhà giàn DK1 do Vietsovpetro thi công đã có thế hệ thứ 3 với công nghệ tiên tiến, nâng cấp, sửa chữa phần lớn các giàn DK1 cũ, tăng cường phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển và bảo đảm huấn luyện, sinh hoạt, công tác của cán bộ, chiến sỹ.

Bên cạnh đó, PVN đã tài trợ cho dự án tổng thể hệ thống năng lượng sạch và chiếu sáng quần đảo Trường Sa cùng nhà giàn DK1. Dự án tổng thể hệ thống năng lượng sạch và chiếu sáng quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 đã được hoàn thành quy định tại 9 đảo nổi, 24 điểm đảo chìm và 15 nhà giàn DK với tổng số 21 nhà trạm, 118 turbine gió, 4.093 tấm pin mặt trời 220W, 4.184 bình ắc-quy 12V/230Ah, hệ thống cáp truyền tải và các phụ kiện khác.

Sau khi dự án hoàn thành, các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa và các nhà giàn DK đã được cung cấp điện 24 giờ/ngày thay cho việc cấp điện bằng nguồn diesel với công suất hạn chế. Mặt khác, việc xây dựng được nguồn điện ổn định sẽ góp phần cải thiện và nâng cao đời sống, tạo điều kiện đưa các trang thiết bị y tế vào hoạt động chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân trên đảo.

Hệ thống điện năng bằng năng lượng gió và mặt trời đã được lắp đặt cung cấp cho Quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 mỗi ngày 5.166,7kWh điện, bảo đảm cho quân và dân Trường Sa, DK1 được sử dụng điện hằng ngày, phục vụ cho mọi nhiệm vụ và nhu cầu sinh hoạt. Dự án hoàn thành góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, cải thiện đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của bộ đội, nhân dân, củng cố quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Dấu ấn Bình Minh 02

Năm 2011, sự kiện đã khiến người dân Việt Nam “dậy sóng” khi tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 của Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) bị các tàu hải giám Trung Quốc uy hiếp, cắt cáp khi đang cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Lần thứ hai là vào ngày 30/11/2012, khi tàu Bình Minh 02 đang di chuyển ở khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ, tàu Trung Quốc chạy phía sau gây đứt cáp địa chấn.

Đây không phải những lần đầu tiên tàu khảo sát địa chấn hay những hoạt động của PVN bị ảnh hưởng bởi những hoạt động phá hoại từ nước ngoài, nhưng cán bộ, nhân viên, thủy thủ tàu Bình Minh 02 vẫn kiên trì bám biển không chịu lùi bước bất chấp sự đe dọa, tấn công.

Ngay cả khi bị đứt cáp khảo sát địa chấn, tàu vẫn nhanh chóng khắc phục, sửa chữa và tiếp tục làm nhiệm vụ trên vùng biển quốc gia. Không chỉ Bình Minh 02, các đội tàu của PTSC cũng như các đơn vị khác trong ngành Dầu khí cũng thường xuyên tham gia phối hợp với lực lượng Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư bảo vệ chủ quyền biển đảo, trực an ninh tại các lô, mỏ dầu khí và tìm kiếm, cứu nạn trên biển.

Năm 2015, khi tàu hải giám Trung Quốc hoạt động gần khu vực giàn khoan Ocean Apex của khách hàng Exxon Mobil, PTSC Marine (đơn vị thành viên của PTSC) đã huy động nhiều tàu phối hợp với lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển giải quyết sự cố vi phạm chủ quyền an ninh dầu khí.

Sự có mặt của các giàn khoan, tàu khảo sát, dịch vụ dầu khí trên biển đã góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia. Trong những trường hợp cần thiết, các đơn vị này luôn tích cực hỗ trợ lực lượng chức năng, tạo thành vành đai cảnh báo và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển

Đặc điểm của ngành dầu khí Việt Nam là hầu hết các công trình thăm dò, tìm kiếm và khai thác đều ở trên biển. Vì vậy, lực lượng sản xuất của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có quan hệ mật thiết với các lực lượng: Hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân.

Trong những năm gần đây, nhận thức được những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển, PVN luôn chủ động báo cáo, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan để xử lý kịp thời các tình huống phức tạp, lập kế hoạch công tác bảo vệ an toàn cho các dự án khai thác dầu khí.

Từ tháng 5/2008, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng ký kết, ban hành Quy chế số 3215 về phối hợp trong công tác bảo vệ an ninh, an toàn dầu khí và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trên biển. Lực lượng của hai bên thường xuyên tổ chức tuần tra, phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm hành lang an toàn dầu khí, bảo vệ các công trình dầu khí, phối hợp giải quyết nhiều vụ việc có nguy cơ đe dọa sự an toàn của ngành Dầu khí.

Hai bên cùng các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan tiến hành những biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho hoạt động dầu khí trên biển, đặc biệt là những vùng biển nhạy cảm về chủ quyền và phức tạp về hoạt động khai thác hải sản.

Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh theo yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước ở phạm vi toàn Tập đoàn được duy trì nghiêm túc.

Hàng năm, PVN đều cử các đoàn công tác đi tặng quà, động viên bộ đội hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư và nhân dân trên đảo. Tháng 5/2014, đoàn công tác của Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam gồm 112 thành viên thuộc nhiều đơn vị trong tập đoàn đã ra thăm, tặng quà bộ đội Trường Sa.

Trong chuyến đi ấy, Hội Cựu chiến binh Tập đoàn đã tổ chức lễ khánh thành hai bức tranh cổ động trên đảo Trường Sa. Vì Trường Sa thân yêu, Đoàn thanh niên Tập đoàn đã tổ chức cho hàng trăm lượt đoàn viên ra thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa, giao lưu, biểu diễn văn nghệ; tặng máy phát điện cùng nhu yếu phẩm, sách báo, máy tính, đàn ghi-ta và báo chí; tặng ti vi cho bộ đội biên phòng tại Côn Đảo…

Những hoạt động đó gắn bó chặt chẽ hơn tình cảm và trách nhiệm của ngành dầu khí với các cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, lực lượng chức năng và nhân dân đang hoạt động, làm nhiệm vụ trên biển, đảo của Tổ quốc./.

TTXVN​
 

Việc làm nổi bật

Top