3 công trình PVN được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Việc ba công trình tiêu biểu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam được đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt này đã minh chứng cho trí tuệ, bản lĩnh của người dầu khí trong lĩnh vực KH&CN.

Tăng tỉ lệ nội địa hóa chế tạo giàn khoan

Công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” được đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN thuộc đơn vị Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard).

20170113165350-t1.jpg

Thông qua việc ứng dụng những thành quả KH&CN, PV Shipyard đã góp phần vào việc tăng tỷ lệ nội địa hóa của Dự án Chế tạo giàn khoan Tam Đảo 05 lên 39% so với Dự án Tam Đảo 03 là 34,7%. Đồng thời, giảm thời gian làm việc của các chuyên gia nước ngoài từ khoảng 43.000 giờ (Tam Đảo 03) xuống còn 11.000 giờ (Tam Đảo 05).

Bên cạnh đó, PV Shipyard đã rút ngắn thời gian thi công Dự án Tam Đảo 05 xuống 32 tháng, dù khối lượng chế tạo gấp 1,5 lần so với khối lượng chế tạo của Dự án Tam Đảo 03.

Ngay từ dự án đầu tiên chế tạo giàn khoan Tam Đảo 03 thì đội ngũ kỹ sư Việt Nam đã đảm trách phần thiết kế chi tiết (thiết kế kỹ thuật) và thiết kế thi công, bên cạnh đó đội ngũ PV Shipyard còn đảm nhiệm toàn bộ công tác chế tạo, lắp đặt, tổ hợp giàn khoan Tam Đảo 03 và Tam Đảo 05.

KHCN giúp tiết kiệm hàng cả tỷ USD

Trong đợt đề nghị xét tặng giải thưởng danh giá này, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro có hai công trình. Tính đến hết năm 2014, hiệu quả kinh tế trực tiếp của cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam” (đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh) lên đến 779,7 triệu USD, con số này tiếp tục tăng theo các năm.

Công trình đã phát triển và hoàn thiện tổ hợp công nghệ thu gom, xử lý và vận chuyển dầu thô nhiều paraffin, phù hợp với từng giai đoạn cụ thể của khai thác mỏ và điều kiện lịch sử của đất nước. Quan trọng hơn, công nghệ này góp phần làm phong phú thêm công nghệ vận chuyển dầu trên thế giới. Đó là vận chuyển hỗn hợp dầu khí ở nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ đông đặc, vận chuyển dầu bão hòa khí, vận chuyển dầu pha loãng condensate, sử dụng địa nhiệt, bơm nước bổ sung tẩy rửa lớp lắng đọng paraffin.

Trên cơ sở các kết quả thành công của công nghệ xử lý và vận chuyển dầu mỏ Bạch Hổ và Rồng đã cho phép Vietsovpetro mở rộng, phát triển và đưa vào khai thác thành công các mỏ nhỏ, cận biên thuộc Lô 09-1.

Trong ngành Dầu khí, việc nghiên cứu, phát triển thành công công nghệ thu gom, xử lý và vận chuyển dầu thô có nhiệt độ đông đặc cao ở vùng biển Việt Nam là một trong những điều kiện tiên quyết để có thể đưa mỏ Bạch Hổ vào khai thác sớm và đạt hơn 200 triệu tấn dầu trong 30 năm qua. Đồng thời, sự kiện này đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước khai thác và xuất khẩu dầu thô trên thế giới, đưa ngành Dầu khí từng bước có những đóng góp to lớn, quan trọng cho nền kinh tế đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Đặc biệt vào thời điểm thập niên 90 của thế kỷ trước trong điều kiện bị bao vây cấm vận thì nguồn thu ngoại tệ kịp thời của Vietsovpetro đã giúp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội.

Công trình “Chế tạo, hạ thủy và lắp đặt chân đế siêu trường siêu trọng nước sâu trên 100m nước với điều kiện ở Việt Nam” của Liên doanh Việt - Nga được đề nghị tặng Giải thưởng Nhà nước, thực sự là thành tựu rất lớn của tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro nói chung, cũng như tập thể lao động Xí nghiệp Xây lắp Dầu khí. Những năm qua Vietsovpetro đã trưởng thành vượt bậc qua việc thi công chân đế các công trình nước sâu Mộc Tinh, Hải Thạch, giàn Đại Hùng 02, Thăng Long, Đông Đô, Thiên Ưng. Các thành quả này được đội ngũ chuyên gia, kỹ sư Vietsovpetro hệ thống và viết thành công trình khoa học: “Chế tạo, hạ thủy và lắp đặt chân đế siêu trường siêu trọng nước sâu trên 100m nước với điều kiện ở Việt Nam”.

Hiện nay, với việc thực hiện hầu hết phần việc, làm tổng thầu EPCI các dự án chân đế nước sâu trên 100m nước đã tiết kiệm rất lớn cho ngành Dầu khí. Sau gần 5 năm thực hiện các dự án theo phương án này thì hiệu quả kinh tế đem lại rất cao. Công trình KH&CN này đã góp phần tăng doanh thu cho Vietsovpetro nói riêng và ngành Dầu khí nói chung bằng việc thực hiện thành công các dự án lớn trọng điểm như Dự án Phát triển mỏ Đại Hùng, trị giá 70 triệu USD; Dự án Phát triển mỏ Biển Đông 1 (phần chế tạo chân đế Hải Thạch - Mộc Tinh) trị giá 96 triệu USD; Dự án Phát triển mỏ Thăng Long - Đông Đô, trị giá 55 triệu USD; Dự án Thiên Ưng, trị giá 73 triệu USD...

Từ thực tiễn thành công ở Vietsovpetro và PV Shipyard đã chứng minh một thực tế nghiên cứu KH&CN muốn có hiệu quả cao thì phải có sự liên kết chặt chẽ giữa: Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học. Đây cũng là hướng đi quan trọng của công tác phát triển KH&CN tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

PV - Vietnamnet.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top