Venezuela tăng số giàn khoan dầu dù chật vật vì giá cả

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Theo Bloomberg, ở Colombia, hơn 57% số giàn khoan đã ngừng hoạt động. Tại Mexico, con số này là 42%.

Song ở Venezuela, đất nước đang “đói” lượng ngoại tệ cần thiết để xoa dịu tình hình suy thoái kinh tế, hãng dầu khí khổng lồ nổi tiếng như Petroleos de Venezuela SA (PDVSA) vẫn đã và đang bổ sung các giàn khoan dầu với một tốc độ chóng mặt để tìm kiếm những nguồn dầu thô mới.
Lượng giàn khoan đã tăng 19% trong năm nay, báo hiệu việc thúc đẩy sản lượng trong lúc Venezuela đang thúc giục các thành viên trong OPEC làm điều ngược lại tại cuộc họp diễn ra vào hôm nay 4.12 ở Vienna (Áo). Trong nước, Tổng thống Venezuelan Nicolas Maduro đang đối mặt với cảnh thiếu hụt đồng đô la Mỹ, tình trạng lạm phát phi mã và việc phe đối lập đang có khả năng giành quyền kiểm soát quốc hội sau cuộc bỏ phiếu vào cuối tuần này.

Nỗ lực khoan dầu của Petroleos de Venezuela SA đang giúp tăng sản lượng sản xuất từ vành đai dầu nặng Orinoco, theo hãng Medley Global Advisors. Dầu siêu trọng có thể được xử lý, mang đi xuất khẩu và đem về cho đất nước lượng USD cần thiết. Bộ Thông tin Venezuela và PDVSA chưa đưa ra bình luận gì về thông tin số lượng giàn khoan dầu tại đất nước này tăng lên.

Đất nước vốn có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất Nam Mỹ hiện phụ thuộc vào doanh thu dầu mỏ hơn bao giờ hết. Doanh thu từ “vàng đen” chiếm 95% doanh thu xuất khẩu và 50% nguồn thu chính phủ, theo số liệu từ Bộ Ngoại giao Venezuela.

PDVSA-2.jpg

Hiện nước này đang đối mặt cuộc khủng hoảng kinh tế sau khi giá dầu thế giới bị đẩy xuống thấp do dư cung toàn cầu. Dầu thô có thể còn tiếp tục hạ xuống khoảng giữa 20 USD/thùng, trừ khi OPEC hành động để cắt giảm sản lượng, Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Eulogio Del Pino cho biết.
Theo ông Eulogio Del Pino, cuộc họp sáng 3.12 với đại diện các thành viên khác của OPEC như Iraq, Iran, Algeria và Ecuador là “rất tích cực”. Cuộc gặp chính thức của OPEC sẽ diễn ra vào hôm nay 4.12.

Luisa Palacios, giám đốc điều hành công ty tư vấn Medley ở New York (Mỹ) cho biết: “Việc OPEC cắt giảm sản lượng là lợi ích của Venezuela, dù nước này có thể không đủ khả năng để tuân theo quyết định cắt giảm như trên. Để dầu thô ở Orinoco có thể là nguồn bền vững giúp tăng sản xuất, Venezuela phải thuyết phục được các nước bạn trong OPEC, những quốc gia vẫn có thể sản xuất cạnh tranh ở mức giá này, cắt giảm sản lượng”.

Sản lượng dầu thô của Venezuela đã giảm 0,6% so với mức trung bình trong năm 2014. Trong khi đó, con số này của các nước trong OPEC lại tăng 4,7%, theo dữ liệu của Bloomberg.

“Venezuela cần tiền, và Ả Rập Xê Út cũng bắt đầu nhận ra là họ cũng cần tiền. Miếng bánh thị phần đang ngày càng nhỏ hơn và với Venezuela - quốc gia không có nhiều lựa chọn, đây có lẽ là chiến lược tốt nhất mà họ có thể có vào thời điểm này”, Carl Larry - người đứng đầu bộ phận dầu mỏ và khí đốt của hãng Frost & Sullivan nói.

Theo: Báo Thanh Niên​
 

Việc làm nổi bật

Top