Trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, đường ống tỉ USD của Nga "bơ vơ"

oilgasvietnam

Moderator
Các đường ống dẫn khí đốt trị giá 1,95 tỉ USD hiện bị bỏ rơi trên bờ biển Đen sau khi Nga quyết định tạm ngưng dự án mang tên Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Stream), vốn để vận chuyển khí đốt tự nhiên qua biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Âu.

Hôm 3-12, Bộ trưởng bộ Năng lượng Nga Alexander Novak tuyên bố trước báo giới rằng nước này đình chỉ dự án xây dựng hệ thống ống dẫn trên. Ngay sau đó, hãng Dầu nhớt nhập khẩu cao cấp ENI (Ý) - dự kiến là một trong những khách hàng chủ chốt của đường ống - ngán ngẩm cho biết dự án đã chết trong trứng nước.

trung-phat-tho-nhi-ky-duong-ong-ti-usd-cua-nga-bo-vo.jpg

Các nguồn tin công nghiệp cho biết các đường ống giờ chỉ có thể sử dụng cho các dự án tại biển Đen do được thiết kế riêng biệt. Nguồn tin nói: “Những đường ống được chế tạo dựa trên yếu tố môi trường, áp lực cụ thể. Do đó, chúng chỉ phù hợp để lắp đặt dưới biển Đen”.

Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom chỉ còn cách tạm “giam lỏng” các đường ống trong nhà kho cho đến khi căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hạ nhiệt.

Trước thông tin này, Gazprom không có bình luận gì. Nhà phân tích Valery Nesterov Sberbank cho biết Gazprom đã chi khoảng 12-14 tỉ USD cho dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ và dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu "Dòng chảy phương Nam (South Stream), vốn đã bị Tổng thống Vladimir Putin hủy bỏ vào năm 2014 do căng thẳng với phương Tây vì khủng hoảng Ukraine.

Trong khi đó, TMK - tập đoàn sản xuất ống thép lớn nhất nước Nga - vẫn lạc quan rằng có thể 1-2 năm tới, khi căng thẳng giảm đi, dự án sẽ trở thành hiện thực.

Trong bối cảnh căng thẳng vì Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi cường kích Su-24 của Nga, Moscow đã áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế với Ankara. Không dừng lại ở đó, phía Nga còn cáo buộc gia đình của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan dính líu đến việc mua dầu mỏ bất hợp pháp của IS.

Hôm 3-12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bên lề hội nghị của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) ở Serbia. Sau cuộc gặp, ông Lavrov nói ông chẳng nghe được "điều gì mới mẻ" về vụ máy bay Nga bị bắn rơi.

Về phía mình, ông Cavusoglu nói thật thiếu thực tế khi muốn giải quyết mọi khúc mắc của Nga chỉ bằng một cuộc gặp. Ông Cavusoglu phát biểu tại hội nghị OSCE: "Không nên dùng sự cố hôm 24-11 để nói sai về cuộc chiến chung của chúng tôi chống Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng như chống khủng bố".

Người Lao Động (Theo Reuters)​
 

Việc làm nổi bật

Top