Xét xử “đại án” ở OceanBank: Lo ngại nhiều người nhận tiền do Nguyễn Xuân Sơn đưa thoát tội?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Phiên tòa xét xử “đại án” ở OceanBank đã tiếp tục diễn ra phần tranh luận giữa các luật sư sau khi đại diện Viện Kiểm sát đã đối đáp lại ý kiến bào chữa cho các bị cáo của luật sư trước đó.

Ngày 23-9, phiên tòa xét xử bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương - OceanBank) cùng đồng phạm trong “đại án” kinh tế xảy ra tại Ngân hàng OceanBank tiếp tục với việc các luật sư đưa ra quan điểm tranh luận sau khi đại diện Viện Kiểm sát đã đối đáp lại ý kiến bào chữa cho các bị cáo của luật sư trước đó.

sggpo_fzir_ZRMR.jpg

Với quan điểm tranh luận kiên quyết bảo vệ cho thân chủ, nhiều luật sư đã đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) cũng như đại diện cơ quan công tố tại tòa cần xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Luật sư Đỗ Mạnh Trường bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Thu (nguyên Tổng giám đốc OceanBank) cho rằng việc đại diện Viện Kiểm sát đề nghị xem xét về hành vi đồng phạm của một số bị cáo phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” cùng với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng giám đốc OceanBank) trong đó có bị cáo Thu là chưa đủ điều kiện vì không có cơ sở kết luận bị cáo Thu đồng phạm với bị cáo Sơn ở tội danh này.

Đối với tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, luật sư Đỗ Mạnh Trường đề nghị HĐXX cần giảm trừ trách nhiệm cho thân chủ của mình khoản tiền hàng trăm tỷ đồng liên đới một số lãnh đạo khối hội sở. Đồng thời, cũng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho cựu nữ Tổng Giám đốc OceanBank giống như một số bị cáo thuộc lãnh đạo các khối hội sở OceanBank.

Trong khi đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Bích Vân (nguyên giám đốc OceanBank chi nhánh TPHCM) cho rằng Thông tư 02 quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước ban hành một văn bản quy phạm chứa luật chứ không phải là văn bản luật nên nếu không chứng minh được rõ thì không có căn cứ để cáo buộc các bị cáo vi phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Luật sư cho rằng bị cáo Vân là một trong số 6 bị cáo nguyên giám đốc chi nhánh bị đề nghị án tù giam, đại diện Viện kiểm sát đã tách bị cáo Vân ra khỏi nhóm giám đốc chi nhánh khác vì cho rằng chi nhánh TPHCM chi lãi ngoài nhiều hơn.

“Căn cứ nào để Viện Kiểm sát tách hành vi của các bị cáo thành hai nhóm án treo và án phạt tù giam? Đại diện Viện Kiểm sát lý luận chi nhánh TPHCM chi lãi ngoài có lợi nhuận nhiều hơn giám đốc bị nặng hơn các bị cáo khác thì tôi yêu cầu bác bỏ quan điểm này. Đề nghị xem xét bị cáo Vân như các bị cáo khác và hưởng các tình tiết giảm nhẹ...” - luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Bích Vân đưa ra đề nghị.

Đáng chú ý, một số luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyên Xuân Sơn tiếp tục cho rằng thân chủ của mình đang bị ép vào tội tham ô, chiếm đoạt tài sản. Theo luật sư Nguyễn Minh Tâm, đại diện Viện Kiểm sát đã không chứng minh tội mà chỉ suy đoán theo tư duy áp đặt, bất lợi cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn vi phạm nguyên tắc tư duy logic. Luật sư Tâm cho rằng nội dung đối đáp của Viện kiểm sát chưa thỏa mãn và hợp lý vì năm 2011-2014, Sơn đã không còn ở OceanBank nhưng để quy buộc Sơn phạm tội, Viện Kiểm sát lại cho rằng trước đó Sơn đã bàn bạc trao đổi việc chi lãi ngoài nên dù không còn ở ngân hàng nhưng Sơn vẫn phải chịu trách nhiệm.

Đặc biệt, luật sư Nguyễn Minh Tâm cũng cho rằng cơ quan công tố chưa đối đáp lại vấn đề mà nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đưa ra là việc trả hồ sơ điều tra bổ sung, nhập vụ án liên quan đến số tiền Sơn khai đưa bị can Ninh Văn Quỳnh (nguyên Phó tổng giám đốc PVN), Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP), Công ty TNHH MTV Lọc dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP)… vì số tiền phát sinh này không thể tách rời những người liên quan đến hành vi của Sơn. Việc quy buộc tội Nguyễn Xuân Sơn vội vàng sẽ vô hình trung đã giải thoát cho những đối tượng nhận tiền của Sơn. “Nếu quá trình điều tra 3 vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” vừa mới khởi tố tại Vietsovpetro, BSR, PVEP là đúng sự thật trong khi Sơn bị xét xử tuyên án tử hình thì giải quyết hậu quả của sai lầm này thế nào? Đây là điều chúng tôi băn khoăn, trăn trở...” - luật sư Tâm bày tỏ.

Cũng tại phiên tòa, một số luật sư bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn cũng cho rằng chưa thể chứng minh Sơn có hành vi chiếm đoạt và tham ô tiền của PVN và OceanBank. Theo quan điểm của luật sư, việc quy kết về tội tham ô, không phải cứ là người đại diện phần vốn thì có khả năng quản lý tài sản và rút tiền ở OceanBank. Nếu như vậy thì toàn bộ cổ đông của OceanBank đều có khả năng này, phải chăng ở đây là vì Sơn là đại diện phần vốn sở hữu nhiều hơn? Mặt khác, để có thể là người đại diện phần vốn góp, phải có quyết định và văn bản giới thiệu của tổ chức sở hữu, không thể dùng văn bản giới thiệu của PVN để xác định ông Sơn là đại diện vốn góp. Cùng với đó, sau khi được giới thiệu, tổ chức, đơn vị được góp vốn phải thông qua việc giới thiệu từ cổ đông. Nhưng trên thực tế không có văn bản nào từ OceanBank đồng ý về chức vụ của Sơn và điều này bị cáo Hà Văn Thắm đã xác nhận tại phiên tòa, Sơn chưa hề là người đại diện của PVN.
NGUYỄN QUỐC
Sài Gòn Giải Phóng​
 
Sửa lần cuối:

Việc làm nổi bật

Top