Việt Nam đã “mất” bao nhiêu nghìn tỷ vì dầu khí giảm giá?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết giá dầu giảm làm thất thu ngân sách hơn 2.000 tỷ, gía khí làm giảm thu 1.000 tỷ, khối ngân hàng thương mại giảm nộp ngân sách 30% do trích lập dự phòng...

Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 29/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thu ngân sách đến thời điểm này đạt 100,7% dự toán, riêng ngân sách địa phương vượt 15%, dự tính đến hết năm vượt khoảng 70.000 tỷ đồng.

Nói về nguyên nhân ảnh hưởng đến thu ngân sách, Bộ trưởng Dũng cho biết ngoài nguyên nhân tăng trưởng kinh tế không đạt thì có nhiều nguyên nhân khác như giá dầu, giá khí giảm...

"Khi xây dựng dự toán với giá dầu là 60USD/thùng, nhưng thực tế giá dầu chỉ trong khoảng 40 USD/thùng, điều này làm thất thu ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng, giá khí cũng làm giảm thu 1.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hoạt động của khối ngân hàng thương mại giảm nộp ngân sách 30%. Ngoài ra, ngân sách cũng giảm thu ngân sách từ các dự án lớn bị thua lỗ thuộc các doanh nghiệp nhà nước", ông Dũng cho biết.

btdung1_rnfm.jpg

Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đối với việc cải thiện thủ tục hành chính, công tác kiểm tra chuyên ngành, cơ chế một cửa Quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, Bộ Tài chính đã rà soát, bãi bỏ 92 thủ tục hành chính; triển khai khai thuế điện tử đến 100% chi cục thuế, thí điểm triển khai hoàn thuế giá trị gia tăng tại 5 cục, hoàn thành thu thuế tự động qua hệ thống VNACCS-VCIS…

Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức 36/283 thủ tục hành chính của 10/14 bộ. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo mục tiêu đến năm 2018 cơ bản phải kết nối hết các thủ tục hành chính.

"Nhờ có những cải thiện như trên, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu giảm 35 giờ, nhập khẩu giảm 32 giờ. Như vậy, với số lượng 8 triệu lô hàng được thông quan năm 2016, WB tính toán đã giúp tiết kiệm khoảng 600 triệu USD", ông Dũng nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, theo thống kê của Bộ Tài chính, trong tổng thời lượng thông quan, thủ tục hải quan chỉ chiếm 28%, còn kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 72% tổng thời lượng.

“Vì vậy khâu đột phá phải là kiểm tra chuyên ngành. Hiện việc kiểm tra chuyên ngành đang thực hiện theo 22 luật, 90 nghị định, 253 thông tư, quy định của các Bộ. Để rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành, chúng ta phải sửa đổi, bổ sung 87 văn bản quy phạm pháp luật, nhưng đến nay mới sửa đổi được 24 văn bản.

Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Thủ tướng, sau khi được phê duyệt sẽ gửi tới các Bộ để cùng sửa đổi. Nếu không sửa đổi quy định về kiểm tra chuyên ngành sẽ rất vướng trong vấn đề thông quan hàng hóa”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.

Cùng với vướng mắc trên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, trang thiết bị, nguồn nhân lực để thực hiện kiểm tra chuyên ngành còn rất thiếu và yếu, phương thức kiểm tra chuyên ngành nặng về hành chính, chậm đổi mới. Nên cần đẩy mạnh xã hội hóa, công nhận lẫn nhau thì sẽ đạt được kết quả tốt hơn.

Với thực trạng trên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo mạnh mẽ cho công tác kiểm tra chuyên ngành.

Nhận xét về tình hình thu chi ngân sách của Bộ Tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bộ Tài chính phải đẩy mạnh thu nội địa, thu từ xuất nhập khẩu và xăng dầu.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải cân đối chi tiêu tiết kiệm, tính toán chặt chẽ, hợp lý. Đối với những trường hợp nợ đọng thuế mà không có khả năng thu hồi, Thủ tướng lưu ý Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý để giảm tỷ lệ nợ đọng thuế.
N.MẠNH - Bizlive.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top