Vì sao thỏa thuận đóng băng sản lượng thất bại?

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Ngày 17/4, đại diện các nước sản xuất dầu chủ chốt trên thế giới đã tới Doha cùng mong muốn đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng để kích thích giá dầu đi lên, nhưng cuối cùng đành tay trắng ra về.

Thực tế nêu trên hoàn toàn trái ngược với không khí lạc quan trước thềm hội nghị khi có tin tất cả thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đều tham gia Thỏa thuận Doha. Đồng thời, dự thảo Thỏa thuận mà hãng tin Reuters (Anh) có được cho thấy sản lượng dầu sẽ được đóng băng ở mức không quá mức của tháng 1/2016 và sẽ kéo dài tới ngày 1/10 tới. Theo Bộ trưởng Năng lượng Azerbaijan Natig Aliyev, dù Thỏa thuận không có bất cứ cơ chế kiểm soát nào, nhưng mức sản lượng như vậy phù hợp lợi ích chung của các bên. Tuy nhiên, hội nghị đã bị trì hoãn vài giờ sau khi khai mạc và đại diện các nước đành tay trắng ra về.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết vốn dĩ Saudi Arabia, Qatar, Venezuela và Nga đã đạt được nhận thức chung về dự thảo Thỏa thuận vào ngày 16/4, nhưng một số nước đã thay đổi lập trường ngay trước khi hội nghị bắt đầu vào hôm sau, gây ra tranh cãi quyết liệt. Trước khi các nước này thay đổi lập trường, Nga dự kiến Thỏa thuận sẽ đạt được. Tới nay, Nga vẫn cho rằng khả năng các nước hợp tác (đóng băng sản lượng) vẫn tồn tại, nhưng không còn lạc quan như trước. Thỏa thuận đổ vỡ, theo ông Novak, thị trường dầu mỏ toàn cầu có thể phải chờ tới giữa năm 2017 mới có thể tái cân bằng, muộn hơn 6 tháng so với trường hợp đạt được Thỏa thuận.

Kỳ thực, việc Thỏa thuận đổ vỡ là điều có thể dự đoán được. Bởi hội nghị diễn ra trong bối cảnh Saudi Arabia và Iran đang có nhiều bất đồng sâu sắc. Iran không tham dự cuộc họp và tuyên bố không tham gia bất kỳ kế hoạch đóng băng sản lượng nào cho đến khi khôi phục được mức khai thác như trước khi bị cấm vận (4 triệu thùng/ngày, nhưng tháng 3 vừa qua mới đạt 3,3 triệu thùng/ngày). Trong khi đó, Saudi Arabia tuyên bố sẽ không chấp nhận việc đóng băng sản lượng nếu Iran không có hành động tương tự.

Bỏ qua tranh cãi, xem xét hành động của các nước sản xuất dầu, việc đạt được Thỏa thuận càng xa vời bởi những năm gần đây các nước sản xuất dầu ở vùng Vịnh đều tích cực tăng sản lượng khai thác. Thống kê của trang Oilprice.com cho thấy số giàn khoan dầu trong nước của Saudi Arabia từ năm 2014 bắt đầu tăng mạnh, từ 58 chiếc lên 67 chiếc hiện nay. Tình hình tương tự cũng diễn ra trong lĩnh vực khai thác khí đốt thiên nhiên, nếu như năm 2014, Saudi Arabia chỉ có 35 chiếc thì giờ đã là 60 chiếc.

Giá dầu thấp không làm Saudi Arabia nhụt chí, ngược lại còn làm nước này càng thêm quyết tâm tăng cường khai thác dầu khí. Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), Saudi Arabia đang thúc đẩy mở rộng mỏ dầu Khurais, tới năm 2018 sẽ hoàn thành, giúp sản lượng tăng thêm 300.000 thùng/ngày. Tháng trước, ông Amin Nasser, CEO của Saudi Aramco, tập đoàn dầu khí lớn nhất Saudi Arabia cũng như trên thế giới, tuyên bố Saudi Aramco sẽ không hủy bỏ bất cứ dự án khai thác dầu khí hay lọc dầu nào, tiếp tục khai thác dầu khí ở Biển Đỏ và đang nghiên cứu mở rộng nhà máy lọc dầu Ras Tanura lớn nhất nước, đưa công suất lọc dầu của nhà máy lên mức 550.000 thùng/ngày. Ngoài ra, Saudi Arabia cũng đang mở rộng khai thác dầu ở khu vực Shaybah với kỳ vọng nâng sản lượng lên thêm 250.000 thùng/ngày vào tháng 6 năm nay.

Iraq, nước lớn thứ 2 trong OPEC bề ngoài ủng hộ việc đóng băng sản lượng, nhưng trên thực tế lại không ngừng tăng sản lượng khai thác. Số liệu mới nhất của Công ty marketing dầu mỏ Iraq (SOMO) cho thấy sản lượng khai thác dầu tháng 3 của nước này đã tăng lêm 2%, lên mức kỉ lục là 4,55 triệu thùng/ngày, trong đó xuất khẩu 3,81 triệu thùng/thùng, tăng 18% so với tháng 2.

desertburnssaudialkhurais.jpg

Một thành viên quan trọng khác của OPEC là Kuwait cũng đang tích cực tìm cách nâng sản lượng. Phát biểu tại một hội nghị vừa diễn ra, Chủ tịch điều hành Công ty Dầu mỏ Kuwait Jamal Jaafar cho biết Kuwait hi vọng trong năm nay hoặc muộn hơn là vào năm 2017 sẽ nâng sản lượng khai thác từ mức 3 triệu thùng/ngày lên mức 3,165 triệu thùng/ngày.

Những gì nêu trên hoàn toàn đi ngược lại với xu hướng hạ nhiệt về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Báo cáo mới nhất của OPEC dự kiến trong năm 2016 nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đạt trung bình 31,46 triệu thùng/ngày, giảm 60.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Nguyên nhân ngoài sự sụt giảm tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi, khí hậu Bắc bán cầu nóng lên còn là việc các nước Trung Đông hủy bỏ chính sách trợ cấp nhiên liệu. Tất cả càng làm tình trạng dư thừa nguồn cung thêm trầm trọng.

Nói tóm lại, Thỏa thuận thất bại đã làm tan vỡ giấc mơ đóng băng sản lượng, khiến giá dầu thế giới phiên đầu tuần giảm mạnh. Nhưng ngay cả khi đạt được, việc không có cơ chế kiểm soát sẽ khiến Thỏa thuận mất đi ý nghĩa, không mang lại bất cứ sự thay đổi thực chất nào đối với nguồn cung dầu mỏ. Mấu chốt vấn đề vẫn là không nước nào muốn thị phần của mình giảm xuống. Vì thế, cuộc chiến dầu mỏ sẽ còn kéo dài. Saudi Arabia có thể đã xác định rõ điều đó, cho nên, đã sớm bắt tay chuẩn bị cho “thời đại hậu dầu mỏ”.

Hà Ngọc - baotintuc.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top