Vì sao Mỹ thờ ơ trước cuộc chiến mà Nga và Ả Rập Saudi theo đuổi?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Khi Nga và Ả Rập Saudi đang cạnh tranh sống mái để giành phần thắng, Mỹ sẽ vẫn ở vị trí số một, dù bất cứ điều gì xảy ra.

Trong vòng hơn 10 năm trở lại, đây chưa bao giờ giá dầu rẻ như lúc này. Trong phiên giao dịch ngày 13.1.2016 vừa qua giá dầu WTI tại Mỹ đã xuống dưới 30 USD/thùng, còn tại châu Á, dầu của Ả Rập Saudi đang được bán với mức giá thậm chí còn rẻ hơn 26 USD/thùng, thấp nhất kể từ năm 2002.

Giữa lúc 2 trong số 3 quốc gia có sản lượng khai thác dầu lớn nhất thế giới là Nga và Ả Rập Saudi đều lần lượt phải cắt giảm ngân sách, tìm mọi cách tăng nguồn thu để bù đắp khoản thâm hụt ngân sách, thậm chí cạnh tranh quyết liệt thị phần của nhau, thì nước có sản lượng khai thác dầu số một thế giới là Mỹ lại đang tỏ ra thờ ơ hơn bao giờ hết.

vi-sao-my-tho-o-truoc-su-sut-giam-cua-gia-dau_XIGF.jpg

Tính đến hết năm 2015, Mỹ đang là nước có sản lượng khai thác dầu lớn nhất thế giới, bỏ khá xa so với hai nước xếp sau là Ả Rập Saudi và Nga. Theo thống kê, sản lượng khai thác của Mỹ ở thời điểm hiện tại là khoảng 13.900.000 thùng/ngày, trong khi đó Ả Rập Saudi và Nga xếp số hai và số ba với sản lượng lần lượt là 11.620.000 thùng/ngày và 10.850.000 thùng/ngày.

Một phần lớn trong sản lượng khai thác của Mỹ đến từ các mỏ dầu đá phiến vốn có chi phí khai thác cao hơn so với loại dầu thông thường. Điều này cộng với giá thấp sụt giảm nghiêm trọng ở mức 30 USD/thùng như hiện nay, lẽ ra phải gây cho ngành công nghiệp khai thác và hóa dầu Mỹ những ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhưng trong khi Ả Rập Saudi và Nga đang loay hoay tìm mọi cách tháo gỡ tình hình khó khăn do giá dầu giảm quá mạnh, thì nước Mỹ lại đang thờ ơ như một người ngoài cuộc. Sở dĩ như vậy là vì nước Mỹ đang sở hữu hai lợi thế cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực này.

Một nền kinh tế hùng mạnh chống lưng

Dễ dàng nhận ra rằng, ưu thế lớn nhất của ngành khai thác và hóa dầu Mỹ so với Nga và Ả Rập Saudi là có một nền kinh tế hùng mạnh chống lưng. Chống lưng ở đây không phải theo nghĩa các nhà tài phiệt tỷ phú của Mỹ sẽ bơm tiền để các công ty dầu Mỹ đọ khả năng chịu đựng với các công ty Nga và Ả Rập Saudi.

Việc có một nền kinh tế mạnh số một thế giới đang trở thành một tấm đệm hơi bảo hiểm cho ngành khai thác dầu phiến ở Mỹ. Khi giá dầu sụt giảm, phần lớn trong số 20.000 công ty khai thác dầu phiến quy mô vừa và nhỏ ở Mỹ sẽ ngưng hoạt động, phá sản và giải thể, nhưng phần lớn nhân công sẽ chuyển sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế vốn được hưởng lợi lớn từ việc giá dầu giảm mạnh.

Theo ước tính, tại nền kinh tế Mỹ, trung bình giá dầu cứ giảm khoảng 10 USD/thùng thì GDP sẽ tăng 0,1%. Đó là vì hầu hết các lĩnh vực chủ chốt trong nền kinh tế đa dạng của Mỹ đều hưởng lợi rất lớn từ việc dầu giảm giá. Các công ty vận tải sẽ giảm chi phí vận hành, các tập đoàn xây dựng sẽ giảm chi phí đáng kể khi xây dựng các cao ốc và chung cư lớn, người nông dân sẽ mất ít chi phí hơn trong sản xuất nông nghiệp; các nhà máy sản xuất chip của Intel hay hãng máy bay Boeing sẽ giảm đáng kể chi phí để vận hành các nhà máy và thực hiện các chuyến bay.

Tất cả những điều này đang khiến giá cả hàng hóa, dịch vụ tại Mỹ giảm đi rất nhiều, đồng thời giá dầu lại khiến đa số người dân Mỹ tiết kiệm tiền hơn và tăng cường mua sắm hơn. Theo ước tính, giá dầu giảm mạnh trong năm 2015 giúp mỗi người dân Mỹ tiết kiệm được 540 USD tiền xăng, nó đồng nghĩa với việc trong cả năm qua nước Mỹ đã dư ra khoảng 130 tỷ USD. Phần lớn số đó được đổ vào mua sắm, giúp kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo ra hàng loạt công ăn việc làm mới, đủ sức để đón nhận nguồn lao động dư thừa từ các nhà máy dầu phiến phải đóng cửa.

Nói cách khác, dù dầu trên thị trường thế giới tăng giá hay sụt giá thì cũng chẳng thành vấn đề với nước Mỹ. Nếu dầu tăng giá, thì nguồn vốn sẽ đổ vào các hoạt động khai thác để đẩy nhanh sản lượng và kiếm lời, còn nếu dầu giảm giá, thì đó lại là một sự kích thích cho tăng trưởng kinh tế, thậm chí là thừa thãi để bù đắp khoản bị mất đi từ ngành dầu cho giá dầu giảm.

Liên tục đổi mới công nghệ và chi phí khai thác

Yếu tố thứ hai khiến nước Mỹ ung dung ở ngôi vị số một thế giới trên thị trường dầu, điềm nhiên bất kể giá dầu có tăng giảm ra sao, là do lợi thế về công nghệ.

Nếu như cách đây 1 năm, giá thành khai thác một thùng dầu đá phiến phải khoảng 50 USD/thùng thì các công ty mới có lãi, giờ đây điều này đã là quá khứ. Ở thời điểm hiện tại, sự đổi mới liên tục về công nghệ khai thác dầu đá phiến ở Mỹ khiến cho chi phí khai thác loại dầu này giảm đáng kể, và thậm chí còn rẻ hơn một số loại dầu thông thường.

Theo chủ tịch Tom Pitrie của hãng Pitrie Partners Inc, chi phí khai thác một thùng dầu phiến trung bình ở Mỹ hiện chỉ còn khoảng 25 USD và thậm chí còn thấp hơn. Ông này cũng cho biết, chi phí trung bình để vận hành tốt một mỏ dầu ở Mỹ hiện chỉ khoảng 20 USD/thùng, thậm chí chi phí thực mà các nhà sản xuất bỏ ra để khai thác chỉ là khoảng 5 USD/thùng.

Để có được một mức giá thấp như vậy, các công ty dầu Mỹ đã trải qua cả một giai đoạn đổi mới liên tục cả về quy mô khai thác lẫn đổi mới công nghệ.

Trên thực tế, việc giá dầu sụt giảm trong suốt năm qua đã khiến phần lớn các công ty khai thác dầu cỡ trung bình và cỡ nhỏ ở Mỹ phải ngưng hoạt động; nó khiến cho những công ty còn trụ lại là những công ty có quy mô khá lớn trở lên. Các công ty còn lại này đã thay đổi chiến thuật: họ tập trung vào các mỏ dầu phiến lớn nhất có trữ lượng cao. Điều này khiến cho chi phí khai thác giảm rất nhiều, do phần lớn chi phí sản xuất dầu phiến là ở việc thăm dò và khoan. Nó đồng nghĩa với việc, mỏ dầu có trữ lượng càng lớn và thời gian khai thác càng lâu thì chi phí càng rẻ. Cộng với công nghệ khoan và khai thác liên tục được đổi mới nên giá thành còn hạ hơn nữa.

Chính vì thế, bất chấp việc giá dầu thế giới chạm đáy và Nga cùng Ả Rập Saudi đang phải tìm đủ mọi cách tháo gỡ kể cả phải chấp nhận bán bớt cổ phần của các tập đoàn dầu lớn nhất quốc gia, các công ty dầu ở Mỹ đang ăn nên làm ra chưa từng thấy. Chẳng hạn như tập đoàn Exxon Mobile, với chi phí khai thác trung bình ở mức 12,72 USD/thùng, hay như Continental Resources Inc thậm chí chỉ mất 99 cent/thùng ở một số địa điểm khai thác trong số 1,8 tỷ thùng dầu khai thác tại miền Nam bang Oklahoma.

Công ty khai thác dầu Laredo Petroleum Inc cho biết công ty này đã tăng gấp ba sản lượng khai thác kể từ năm 2010 và sẽ cắt giảm 50% chi phí tài chính cho năm tới do đổi mới công nghệ và sẽ tăng sản lượng khai thác thêm 12% trong năm nay. Chủ tịch Rex Tillerson của Irving cho biết chi phí tài chính của công ty này sẽ giảm khoảng 37 tỷ USD/năm do các khoản đầu tư vào việc khai thác các mỏ dầu tại Australia và Canada không cần thêm chi phí.

Tất cả những điều này khiến cho Mỹ đang thờ ơ hơn bao giờ hết với sự biến động của giá dầu, vì phần lớn lượng dầu khai thác đều được cung ứng cho thị trường nội địa và không phải cạnh tranh thị phần như Nga hay Ả Rập Saudi.

Hiện nhu cầu sử dụng dầu của thị trường Mỹ là trên 18,7 triệu thùng/ngày, và sản lượng khai thác của ngành dầu nước này tổng cộng mới chỉ đạt trên 16 triệu thùng/ngày mà thôi. Chi phí khai thác và sản xuất dầu rẻ, lại được bao tiêu phần lớn lượng dầu sản xuất ra, nên dễ hiểu vì sao nước Mỹ lại điềm nhiên trước việc giá dầu giảm mạnh đến vậy.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg/VTV, Ncseif, PVN)​
 

Việc làm nổi bật

Top