Vì sao gã khổng lồ dầu khí Shell “ngã ngựa”?

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Bất chấp giá dầu tăng mạnh trong 4 tháng gần đây và đang đứng ở mức 50 USD/thùng, nhưng tập đoàn dầu khí lớn thứ hai thế giới Shell ngày 7-6 vẫn thông báo kế hoạch rút lui khỏi 10 thị trường và cắt giảm khoảng 12.000 lao động.

Kế hoạch trên, được đưa ra sau khi Shell hoàn tất thương vụ thâu tóm đối thủ BG Group Plc (Anh), nhằm mục tiêu giúp tập đoàn dầu khí khổng lồ này tiết kiệm khoảng 4,5 tỷ USD trong vòng hai năm, tăng 1 tỷ USD so với ước tính trước đó. Mới đây Shell đã hoàn tất thỏa thuận mua lại tập đoàn dầu khí BG Group Plc với giá 47 tỷ bảng (68 tỷ USD), nhằm mục tiêu củng cố vị thế trên thị trường khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Shell, tên đầy đủ Royal Dutch Shell Plc (của Anh và Hà Lan), đang hiện diện tại 70 quốc gia. Theo kế hoạch, Shell sẽ chỉ còn tập trung vào 13 thị trường trọng điểm nơi mang lại nhiều lợi nhuận, bao gồm Brazil, Australia và Mỹ. Phát biểu trên Bloomberg ngày 7-6, Giám đốc tài chính của Shell, Simon Henry, nói: “Danh mục của chúng tôi có lẽ đa dạng hơn và cũng trải rộng trên khắp thế giới, và một số đã kém hấp dẫn, hơn là chúng tôi muốn”.

Ngoài ra, Shell cũng dự tính bán 10% các tài sản khai thác dầu khí. Điều này sẽ giúp tập đoàn này trở lên nhỏ hơn về quy mô. Nhưng bù lại, việc thoái vốn cũng có nghĩa là các nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận với những danh mục đầu tư khủng hơn những gì mà tập đoàn dầu khí Exxon Mobil của Mỹ từng đưa ra.

Tập đoàn này cũng phải hạ mức chi phí cho năm 2016 xuống còn 29 tỷ USD, trong đó có 2,5 tỷ USD dành cho hoạt động thăm dò, so với mức dự kiến 35 tỷ USD trước đó.

Hồi cuối tháng 5-2016, các nhà phân tích tại Morgan Stanley cho biết việc thăm dò dầu mỏ trong năm 2015 giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1952, do các công ty năng lượng giảm ngân sách thăm dò trong bối cảnh giá dầu giảm. Cùng thời điểm này, tập đoàn BP của Anh đã thông báo sự ra đi bất ngờ của giám đốc điều hành chi nhánh thăm dò dầu mỏ và chuyển đổi trong chiến lược nghiên cứu dầu mỏ, đang tập trung chủ yếu vào việc mở rộng những giếng hiện có hơn là mạo hiểm tốn kém vào những nơi chưa biết.

Chưa dừng lại ở đó, Shell còn thông báo rằng để tiết kiệm chi phí, họ sẽ cắt giảm 12.500 lao động trong năm nay. Số lượng cắt giảm của Shell là nhỏ so với khối lượng nhân công tổng thể tại ngành dầu và khí đốt thế giới, nhưng việc giảm 12.500 việc làm của Shell là tương đương với toàn bộ lực lượng lao động của công ty truyền thông xã hội Facebook.

Giám đốc điều hành Ben van Beurden hy vọng rằng việc cắt giảm nhân công sẽ giúp đẩy giá cổ phiếu của Shell lên cao, sau khi giảm xuống do giá dầu tụt dốc từ giữa năm 2014. Cùng với niềm hy vọng đó, ông đưa ra lời hứa với các cổ đông rằng Shell sẽ tạo ra tăng trưởng lợi nhuận ở mức hai con số vào cuối thập kỷ này. Trong bối cảnh này, tập đoàn Shell đưa ra dự báo giá dầu sẽ ở mức trung bình khoảng 65 USD vào năm 2018.

Sau thông báo kế hoạch cải tổ trên, giá cổ phiếu của Shell đã tăng khoảng 2,7% trong phiên giao dịch chiều ngày 7-6-2016 trên thị trường chứng khoán London, và dẫn đầu các cổ phiếu thuộc chỉ số FTSE 100.

vi-sao-ga-khong-lo-dau-khi-shell-nga-ngua.jpg

Việc Shell công bố kế hoạch trên cho thấy dù giá dầu đã hồi phục mạnh từ tháng 2-2016 đến nay, thì một người khổng lồ trong ngành dầu khí như Shell (tập đoàn dầu khí lớn thứ hai toàn cầu sau Exxon Mobil,) vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong quý I/2016, lợi nhuận ròng của Shell giảm đến 89% với nguyên nhân được viện dẫn là do diễn biến ảm đạm của giá dầu. Từ năm 2014 đến nay, lợi nhuận của Shell liên tục giảm.

Thị trường “vàng đen” thế giới lao dốc kể từ giữa năm 2014, với giá dầu giảm từ mức trên 100 USD/thùng xuống mức đáy của 13 năm – vào khoảng 27 USD/thùng trong tháng 2-2016, chủ yếu bởi tình trạng nguồn cung dôi dư kéo dài. Tuy nhiên, giá mặt hàng này đã bắt đầu phục hồi lên khoảng 50 USD/thùng trong thời gian gần đây nhờ những dấu hiệu cho thấy thị trường đang dần tái cân bằng trở lại.

Tuy nhiên nhiều nhà phân tích cho rằng giá dầu tăng chỉ là do nguồn cung bị gián đoạn tạm thời ở Canada và Nigeria. Tuần trước, cuộc họp của OPEC đã không đạt được thỏa thuận về giới hạn sản lượng khai thác dầu nhằm đẩy giá dầu lên cao. Đã có nhiều ý kiến cho rằng một thỏa thuận đóng băng sản lượng dầu không còn thích hơp nữa, do giá dầu đã tăng, nhưng điều đó lại không mạng lại sự bảo đảm nào đối với việc nguồn cung sẽ tăng mạnh trở lại và đẩy giá dầu đi xuống.

Trước thông báo của Shell, ngày 26-4, Tập đoàn dầu khí BP của Anh thông báo lợi nhuận của họ trong quí 1/2016 giảm 80% xuống còn 532 triệu USD. Giá dầu ở mức thấp trong thời gian dài cộng với khoản bồi thường cho vụ tràn dầu ở Vịnh Mexico là nguyên nhân dẫn đến kết quả trên. Cùng lúc gã khổng lồ số 1 thế giới về dầu khí Exxon Mobil cũng bị đánh tụt hạng tín nhiệm. Cuối tháng 4 vừa qua, Standard & Poor's đã hạ mức tín nhiệm của Exxon Mobil từ AAA xuống AA+. Trong thông báo của mình, Standard & Poor's giải thích rằng giá dầu thấp trong thời gian dài đã khiến lợi nhận hàng năm của Exxon Mobil giảm hơn 60% trong năm 2015. Ngoài ra, theo Standard & Poor's, để duy trì các dự án đa quốc gia cũng như các nhà máy lọc dầu, đặc biệt là dự án xây dựng nhà máy hóa lỏng khí ở Papouasie-Nouvelle Guineé, Exxon Mobil đã phải tăng gấp đôi khoản nợ dài hạn của mình lên 20 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên trong 67 năm, Exxon Mobil bị hạ điểm tín nhiệm.

Các đại gia dầu khí khác như Chevron (Mỹ) cũng tuyên bố cắt giảm chi tiêu 13% trong năm nay, trong khi ConocoPhillips cũng của Mỹ dự định cắt giảm đầu tư khoảng 30%.

S.Phương
Nguồn:Năng lượng Mới​
 

Việc làm nổi bật

Top