Vay bảo lãnh để nâng cấp nhà máy lọc dầu: có khả thi?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Mong muốn của Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là vay khoảng 1,26 tỉ đô la Mỹ trong tổng số hơn 1,8 tỉ đô la Mỹ (tương đương 70% vốn từ các nguồn tín dụng xuất khẩu được Chính phủ bảo lãnh, vay thương mại…) được sử dụng để nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất giai đoạn II. Phần vốn vay lớn nhất trong số này là nguồn tín dụng xuất khẩu. Tuy nhiên, đề xuất Chính phủ bảo lãnh vay vốn liệu có khả thi trong bối cảnh hiện nay?

Theo Tờ trình thẩm định thiết kế tổng thể và dự toán xây dựng công trình dự án nâng cấp mở rộng BSR giai đoạn II của Công ty TNHH Bình Sơn gửi Bộ Công Thương (tháng 4-2017) thì nhà máy sẽ nâng cấp, mở rộng để nâng công suất chế biến từ 6,5 triệu tấn dầu thô/năm lên 8,5 triệu tấn/năm và lọc được các loại dầu thô trên thế giới (không chỉ dầu ở mỏ Bạch Hổ) để sản phẩm xăng dầu nâng cấp từ tiêu chuẩn Euro 2 hiện nay lên Euro 5 vào năm 2021. Tổng nguồn vốn cần để đầu tư cho giai đoạn II là 1,813 tỉ đô la Mỹ. Ngoài 30% trong số này là vốn chủ sở hữu, công ty sẽ phải đi vay 70% từ các nguồn khác để đầu tư.

Trao đổi với TBKTSG Online ngày 18-7, ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc BSR, cho biết công ty rất mong muốn được Chính phủ bảo lãnh để tìm kiếm nguồn vốn vay có chi phí thấp nhất và thời gian vay dài, nhất là nguồn vay tín dụng xuất khẩu (ECA). Ông Nguyên nói năm 2016, BSR đã xin bảo lãnh và đợi Chính phủ rà soát các dự án cần cấp bảo lãnh trong năm 2017.

Ông Nguyên nói: “Dự án nâng cấp mở rộng là dự án có hiệu quả để mở rộng đầu tư, đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm xăng dầu theo tiêu chuẩn Euro 5 và mang lại lợi nhuận lâu dài”.

Phía BSR khẳng định, hiện nay nhà máy vận hành hiệu quả (lợi nhuận sau thuế năm 2016 là 4.492 tỉ đồng, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu là 14%). Do vậy, BSR sẽ tập trung cho chế biến sâu vào hóa dầu vì hiện nay hóa dầu có lợi nhuận biên cao hơn nhiều so với lọc dầu.

ed4d2_f653b_mot_goc_loc_hoa_dau_binh_son.jpg

Tuy nhiên, việc BSR đặt vấn đề xin cấp bảo lãnh Chính phủ cho khoản vay lên đến một tỉ đô la hoặc thấp hơn (nếu tìm kiếm được một phần khoản vay tín dụng thương mại của các ngân hàng trong nước và quốc tế khác với giá vốn thấp hơn) không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quản lý nợ trung hạn (giai đoạn 2016-2018) theo Nghị quyết 25/2016 của Quốc hội, cam kết cắt giảm mạnh bảo lãnh Chính phủ.

Theo nội dung chương trình quản lý nợ thì Chính phủ sẽ dừng toàn bộ việc cấp mới bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong và ngoài nước, đồng thời rà soát danh mục các chương trình, dự án ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh để xây dựng hạn mức cấp bảo lãnh giai đoạn 2016-2020, đảm bảo chỉ tiêu an toàn nợ trong giới hạn đã được thông qua.

Ngay từ giữa năm 2016, Bộ Tài chính đã đề nghị Chính phủ cân nhắc khi bảo lãnh các dự án vay nợ nước ngoài. Như trường hợp Tập đoàn Dầu khí hay Tập đoàn Điện lực để nghị bảo lãnh các dự án đầu tư mới với khối lượng huy động vốn lớn thì Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội phê duyệt theo đúng Nghị quyết của Quốc hội về đầu tư các dự án, công trình trọng điểm quốc gia.

Khoản vay đề nghị bảo lãnh của BSR, nếu hạn mức lên đến một tỉ đô la hoặc tương đương thì Chính phủ sẽ phải trình Quốc hội phê duyệt.

Ngay sau tuyên bố của Bộ Tài chính, từ tháng 3-2017 đến nay, bộ mới chỉ cấp bảo lãnh cho một dự án vay vốn nước ngoài của Tổng công ty Truyền tải điện Việt Nam có trị giá 170 triệu đô la Mỹ.

Do ngân sách hạn hẹp và nợ công cao, kế hoạch tài chính 5 năm (2016-2020) chỉ đưa ra hạn mức cấp bảo lãnh nước ngoài ròng cho các doanh nghiệp theo hướng cắt giảm mạnh, từ mức 2,5 tỉ đô la Mỹ năm 2015 xuống còn tối đa 1,5 tỉ đô la trong vòng 4 năm tới.

Các dự án dầu khí và điện lực đều trả nợ vay nước ngoài đúng hạn, chưa để xảy ra tình trạng Chính phủ phải trả nợ thay như các dự án xi măng, thủy điện.

Tuy nhiên, cái khó của BSR là họ đề xuất khoản vay được Chính phủ bảo lãnh để đầu tư nâng cấp, mở rộng dự án trong điều kiện BSR chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu ra ra công chúng (IPO), dự kiến vào cuối năm nay. Sau IPO, nhà nước sẽ chỉ còn nắm dưới 50% cổ phần tại đây. Do đó, tương tự như trường hợp Vietnam Airlines khi chuẩn bị phương án IPO năm 2014, việc Chính phủ có tiếp tục bảo lãnh cho các khoản vay của công ty cổ phần để mua máy bay hay không đã phải bàn bạc rất nhiều để đảm bảo công bằng với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Trường hợp của BSR là khoản vay đề nghị bảo lãnh hoàn toàn mới, BSR lại là công ty cổ phần có vốn nhà nước không chi phối sau cổ phần hóa thì cánh cửa bảo lãnh vốn vay tín dụng xuất khẩu cấp Chính phủ lại càng không dễ dàng.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn​
 

Việc làm nổi bật

Top