Thế kẹt của PVN tại Dự án lọc dầu Long Sơn

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Dự án sẽ được khởi công vào tháng 8 hoặc tháng 9 tới nếu vấn đề tài chính được giải quyết.

Dự án Lọc hóa dầu Long Sơn tại Bà Rịa – Vũng Tàu hiện bị chậm trễ do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) chưa thu xếp được vốn, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn được tờ chuyên về năng lượng S&P Global Platts dẫn lời cho biết.

refinery_fmcn.jpg

Hiện PVN đang nắm 29% cổ phần tại dự án này, trong khi Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan sau khi mua lại 25% cổ phần từ công ty QPI Việt Nam - công ty nhánh của Qatar Petroleum International đã nâng vốn sở hữu tại dự án lên 71%.

Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng cho dự án đã được hoàn tất và các cổ đông đã chọn được nhà thầu EPC, ông Sơn cho biết.

PVN và SCG dự kiến vay vốn ngân hàng 3,2 tỷ USD trong tổng số 5,4 tỷ USD cho dự án này và sẽ góp phần còn lại từ vốn tự có.

Tuy vậy, đến nay dự án này vẫn chưa được khởi công do theo luật định, PVN không được bảo lãnh vốn vay cho dự án này. Trong khi đó, Chính phủ không bảo lãnh vốn vay cho dự án này do lo ngại nợ công tăng, ông Sơn cho biết thêm.

SCG đã cam kết bảo lãnh vốn cho gói 3,2 tỷ USD, nhưng cũng yêu cầu PVN phải đưa ra cam kết bảo lãnh khoản vay tương ứng với tỷ lệ góp vốn 29% của PVN mà SCG sẽ thay mặt PVN đứng ra vay.

Tuy nhiên, thế kẹt là PVN không thể bảo lãnh khoản vay như vậy cho dự án Long Sơn do theo luật hiện hành, 1 doanh nghiệp nhà nước chỉ có thể bảo lãnh vốn vay cho công ty con mà doanh nghiệp này nắm 51% vốn trở lên, Tổng giám đốc PVN giải thích.

Ông Sơn cũng cho biết dự án sẽ được khởi công vào tháng 8 hoặc tháng 9 tới nếu vấn đề này được giải quyết.

Tại buổi làm việc trong tuần trước giữa PVN và Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu, đại diện của Bộ Tài chính khuyến nghị PVN báo cáo vấn đề này lên Thủ tướng để xem xét.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đề nghị các bộ ngành tìm kiếm giải pháp linh động để dự án có thể được tiến hành do tầm quan trọng của nó đối với nền kinh tế.

Được biết SCG đã cùng Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Qatar Petroleum (Qatar) khởi công dự án vào năm 2008. Tổ hợp có tổng diện tích trên 460 ha, nằm trong Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn, trong đó, 398 ha xây dựng nhà máy (gồm 10 nhà máy, công suất chế biến đạt 2,7 triệu tấn nguyên liệu/năm, sử dụng nguồn khí Etan trong nước) và 66 ha đất xây dựng cảng.

Sự rút lui của Qatar International Petroleum vào năm 2015 là một trong những nguyên nhân khiến dự án này chậm trễ.

MINH TUẤN - Bizlive.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top