PVN thoái vốn tại hàng loạt công ty con: “Con ngoan” mẹ sẽ khỏe?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Sau hàng loạt vấn đề, hậu quả do sản xuất kinh doanh thua lỗ tại các tập đoàn, TCty nhà nước, rõ ràng cần phải có một phương thức hiệu quả nhằm giải quyết và trút bỏ gánh nặng bù lỗ cho những đơn vị này. Một trong những bước đi ấy là mới đây, Chính phủ đã quyết định thoái vốn tại hàng loạt doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Năm 2020 phải hoàn thành nhiệm vụ

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mới ký văn bản phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thuộc PVN thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn giai đoạn 2017-2020. Theo như phê duyệt, PVN sẽ giữ nguyên tỉ lệ nắm giữ vốn điều lệ trên 50% tại các doanh nghiệp TCty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVN nắm giữ 51,37% vốn điều lệ); Liên doanh dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro (PVN nắm 51% vốn điều lệ;

3-2_Opt.jpg

TCty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVN nắm 50,40% vốn điều lệ). Và dưới 50% vốn điều lệ tại các doanh nghiệp Cty TNHH Liên doanh Rusvietpetro (PVN nắm 49% vốn điều lệ); Cty TNHH Liên doanh Gazpromviet (PVN nắm 49% vốn điều lệ nhưng thực hiện tái cơ cấu phù hợp với triển khai các dự án và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền); Cty TNHH Lọc hoá dầu Long Sơn (PVN nắm 29% vốn điều lệ); Cty TNHN Tân Cảng- Petro Cam Ranh (PVN nắm 25% vốn điều lệ); Cty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn (25,10% vốn điều lệ).

Đối với nhóm doanh nghiệp CPH mà PVN nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ gồm: TCty Dầu Việt Nam (PV OIL); Cty TNHH MTV Lọc - Hoá dầu Bình Sơn; TCty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVN đang nắm 51% vốn điều lệ đến năm 2019).

Tùy theo từng giai đoạn, PVN sẽ phải thực hiện giảm tỉ lệ vốn nắm giữ tại các đơn vị có vốn đầu tư. Ví dụ như tới hết năm 2018, hai đơn vị phải giảm thoái vốn xuống còn 51% là TCy Phân bón và Hóa chất Dầu khí (hiện PVN đang nắm 61,3% vốn điều lệ) và Cty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVN đang nắm 75,56%).

Hết năm 2019, PVN phải giảm tỉ lệ vốn tại TCty Khí Việt Nam từ 96,72% xuống còn 65%. Hết năm 2020, PVN phải giảm vốn tại TCty CP Vận tải Dầu khí (PV Trans) sau khi thỏa thuận và được đối tác chấp thuận sửa đổi cam kết về tỉ lệ vốn.

Ngoài ra, kết quả phê duyệt cũng chỉ đạo PVN cho tới hết năm 2018, cần thoái toàn bộ vốn khỏi Công ty cổ phần PVI, Cty Cổ phần Dầu khí Đầu tư Khai thác cảng Phước An, Công ty cổ phần phát triển Đông Dương Xanh và Cty Cổ phần Bất động sản Dầu khí SSG. Đến hết năm 2019, các công ty khác mà PVN cần thoái toàn bộ vốn là Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam và TCty Bảo dưỡng - Sửa chữa công trình dầu khí.

Đối với Cty CP Hoá dầu và Xơ sợi tổng hợp dầu khí PV Tex (PVN đang nắm 74% vốn điều lệ) và Cty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất - DQS (PVN đang nắm 100% vốn điều lệ) thì thực hiện sắp xếp theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 2017-2020.

Mấu chốt là mẹ - không phải con

Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thua lỗ hoặc kinh doanh kém hiệu quả sẽ góp phần thu gọn và giúp PVN tập trung vào những nhiệm vụ chính. Điều đó giúp nguồn vốn nhà nước hạn chế chịu rủi ro.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc thoái vốn ở thời điểm hiện tại chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi nguồn cung quá dồi dào. Đặc biệt là sau Nghị quyết Trung ương 5 khóa 12 của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân.

Đồng thời, mối lo việc thoái vốn hoặc cổ phần hóa ồ ạt tại các doanh nghiệp của PVN sẽ tạo ra những bất cập về khả năng thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng “Việc thoái vốn và cổ phần hóa tại các doanh nghiệp thuộc PVN trong thời điểm này là đúng đắn. Giảm bớt đầu tư nhà nước ở những lĩnh vực không cần thiết, tư nhân làm được, khi ấy nhà nước dành vốn cho việc khác, giúp giảm chi đầu tư công, giảm nợ công và tăng hiệu quả đầu tư xã hội.

Tuy nhiên, việc thoái vốn phải đảm bảo đầu tư cạnh tranh, phải hết sức cẩn trọng để tránh thất thoát tài sản công trong quá trình cổ phần hóa. Cần phải làm tốt bằng cách tính đúng tính đủ”.

Ở góc độ là một nhà đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam lại có quan điểm khá táo bạo khi cho rằng: “Việc thoái vốn và cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc PVN là tất yếu phải làm. Rõ ràng cách quản lý của PVN có rất nhiều vấn đề, bằng chứng là hàng loạt dự án và công ty con của PVN thời gian gần đây không những tỏ ra kém hiệu quả mà còn trở thành gánh nặng cho nền kinh tế nhà nước.

Ví dụ như các dự án ethanol, Cty con làm ăn thua lỗ như Tổng Cty CP Xây lắp Dầu khí - PVC… Nhưng cái chính mà tôi cho rằng cần quan tâm phải là công ty mẹ. Chúng ta cần làm từ trên xuống dưới, tức là nên cổ phần hóa từ PVN.

Mấu chốt là công ty mẹ, một khi PVN tốt thì dĩ nhiên các công ty con sẽ tốt, ngược lại thì chưa có gì đảm bảo cả. Nhà nước ta có 4 ngân hàng thương mại lớn mà nay đã CPH được 3 (BIDV,Vietcombank, Viettinbank - PV), mà làm rồi chỉ thấy tốt lên, những ngân hàng ấy tầm cỡ cùng lớn mà làm được. Nên nếu CPH, chắc chắn PVN sẽ làm được”.

ĐỨC THÀNH
Báo Lao Động​
 

Việc làm nổi bật

Top