PVN có nguy cơ bù lỗ 2 tỉ USD: Công nghiệp hóa dầu chưa ổn

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Các nhà máy lọc dầu được đầu tư hàng tỉ USD với tham vọng thay thế xăng dầu nhập khẩu, nhưng gần 10 năm qua VN vẫn loay hoay bù lỗ và lượng xăng dầu nhập khẩu hằng năm tăng đều.

Ưu đãi lớn hiệu quả thấp

Không kể đến dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn tại Thanh Hóa chưa đi vào hoạt động nhưng PVN có nguy cơ bù lỗ lên đến 2 tỉ USD trong vòng 10 năm, thì một số dự án khác vẫn còn trên giấy. Nhà máy lọc dầu Dung Quất - dự án lọc hóa dầu đầu tiên của VN - đã đi vào vận hành thương mại từ tháng 2.2009 đến nay nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn không có sự thay đổi nào mà chủ yếu phụ thuộc vào giá xăng dầu nhập khẩu (NK).

nha_mayloc_dau_dung_quat_anh_dnt__3__jpdl.jpg

Đáng nói là dù sử dụng 100% nguyên liệu dầu thô trong nước nhưng khi giá dầu thô trên thế giới giảm mạnh thì sản phẩm của Dung Quất vẫn không thể cạnh tranh với hàng NK. Cũng giống như kịch bản đối với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, không ít lần PVN đã phải gửi văn bản kêu cứu lên Chính phủ về việc tồn kho lớn của Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Lần gần đây nhất là đầu năm 2016, PVN cho biết giá bán dầu diesel, Jet A1 của Dung Quất vẫn không thể cạnh tranh so với nguồn hàng NK. Bởi theo lộ trình của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, từ đầu năm 2016 thuế NK diesel, xăng cho máy bay (Jet A1) từ các nước trong khu vực đã giảm từ 20% về 10% trong khi các mức thuế đối với các sản phẩm của Dung Quất vẫn giữ nguyên 20%.

Đáng lưu ý, nhà máy này nhận được hàng loạt ưu đãi rất lớn gồm: thời gian khấu hao dự án là 20 năm (dài hơn thời gian 15 năm nêu trong Báo cáo nghiên cứu khả thi), được hưởng mức giá trị ưu đãi tính trong giá bán đối với xăng, dầu là 7%, LPG là 5% và sản phẩm hóa dầu là 3% (số tiền này được giữ lại nhà máy). Ngoài ra, dự án còn được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo. Đồng thời được miễn tiền thuê đất và tiền sử dụng đất trong suốt thời gian dự án; được miễn thuế NK đối với nguyên liệu sản xuất, vật tư, linh kiện và bán thành phẩm mà trong nước chưa sản xuất được; được giảm 50% thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (kể cả người VN và người nước ngoài)...

Rõ ràng với chừng ấy ưu đãi, những tưởng Dung Quất lãi là điều tất yếu. Tuy nhiên, theo báo cáo của PVN năm 2015, nếu tính chung từ năm 2010 - 2014, nhà máy vẫn lỗ trên 1.000 tỉ đồng. Nếu như loại trừ số tiền ưu đãi được hưởng tương đương thuế NK thì báo cáo tổng số lũy kế của Công ty TNHH MTV hóa dầu Bình Sơn (quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất) có thể lên tới 27.600 tỉ đồng (hơn 1 tỉ USD) trong khoảng thời gian từ năm 2010 - 2014. Đây là phần doanh thu thuế mà Chính phủ đã mất đi.

TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, cho rằng có quá nhiều điều kỳ lạ xoay quanh các dự án lọc hóa dầu hiện nay. "Khi giá dầu tăng thì người dân không được hưởng lợi gì mà khi có chuyện thua lỗ thì người dân lại phải gánh chịu, thông qua các khoản thuế, phí phải đóng. Do đó cần phải xem xét lại hiệu quả thật sự của các dự án lọc hóa dầu hiện nay" - ông nhấn mạnh.

Làm sao thay hàng nhập khẩu?

Chuyên gia xăng dầu Nguyễn Tuấn Quỳnh cho rằng nhiều dự án nhà máy lọc hóa dầu của VN đặt ở các địa điểm không thuận lợi về vận chuyển sẽ khiến giá thành sản phẩm bị đội lên cao. Hiện sản lượng xăng dầu Dung Quất cung cấp cho thị trường tầm 30 - 35% thị phần và đang có giá thành cao hơn giá xăng dầu NK. “Bản chất công nghiệp hóa dầu không chỉ là câu chuyện lấy dầu thô lọc cho ra sản phẩm xăng dầu là xong mà nó là một nền công nghiệp phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau, trong đó có ngành quan trọng là hóa chất. Thế nên, để tiếp tục phát triển lâu dài, cần chuyển đổi và liên kết mở rộng phục vụ cho nhiều ngành khác nữa sẽ hiệu quả hơn”, ông Quỳnh nhận xét.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh bổ sung: “Nhiều dự báo cho thấy, đến năm 2020 - 2030, nhu cầu xăng dầu phục vụ ô tô có thể giảm đến 30% do công nghiệp ô tô điện, ô tô tự lái, xe buýt tự lái phát triển. Để tiếp tục vận hành các nhà máy lọc hóa dầu, tránh viễn cảnh trùm mền hay tiếp tục bù lỗ, cần nghiên cứu chuyển đổi công nghệ tại nhà máy vừa lọc vừa hóa, sản xuất vật liệu cung cấp ngành tơ sợi, hóa chất, nhựa... Phát triển khoa học thế giới đi đến đâu, chúng ta phải nhìn thấy để theo đến đấy, chứ cứ ôm mãi “cục nợ” rồi miệt mài bù lỗ”.

Mai Phương - Nguyên Nga
Báo Thanh Niên​
 

Việc làm nổi bật

Top