Nhu cầu năng lượng tăng nhanh, Việt Nam chuyển từ nước xuất khẩu sang nhập khẩu

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam hiện đang chuyển đổi từ một nước xuất khẩu năng lượng thành một nước nhập khẩu năng lượng. Dự kiến nhập khẩu khoảng 17 triệu tấn than, chiếm 31% nhu cầu than cho phát điện vào năm 2020.

Nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã tăng rất nhanh

Tại Hội Hội thảo “Năng lượng bền vững - hướng tới một nền kinh tế có mức phát thải thấp" vừa diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chia sẻ, Việt Nam đã và đang huy động những nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm hỗ trợ cho phát triển điện lực, đảm bảo cung cấp đủ điện với chất lượng ngày càng cao, giá điện hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các nỗ lực đáng kể của Việt Nam đã được thực hiện nhằm tăng cường hơn nữa đối thoại giữa ngành năng lượng với tất cả các bên liên quan, từ đó mong muốn ngành sẽ đạt được 1 hệ thống năng lượng bền vững và một nền kinh tế có mức phát thải thấp.

images2004185_nang_luong.jpg
Theo thông tin tại Hội thảo, Việt Nam đã và đang huy động những nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm hỗ trợ cho phát triển điện lực, đảm bảo cung cấp đủ điện với chất lượng ngày càng cao, giá điện hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó tập trung tối ưu hóa việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng cũng như thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Đáng chú ý, nhu cầu năng lượng của Việt nam đã tăng rất nhanh trong 15 năm qua, với mức tăng trưởng năng lượng thương mại khoảng 9,5%/năm và tiếp tục tăng khá cao trong 15 năm tới. Nhu cầu tiêu thụ điện năng của Việt Nam cũng đã tăng trung bình khoảng 13%/năm trong giai đoạn 2006-2010 và khoảng 11%/năm trong các năm 2011 đến 2016.

Thống kê cho thấy, năm 2015, tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc của Việt Nam là khoảng 55 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050 đề ra mục tiêu phấn đấu đảm bảo cung cấp năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 đạt khoảng 100-110 triệu TOE năng lượng sơ cấp, khoảng 310-320 triệu TOE vào năm 2050.

Trước nhu cầu ngày càng tăng cao và để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam hiện đang chuyển đổi từ một nước xuất khẩu năng lượng thành một nước nhập khẩu năng lượng. Dự kiến nhập khẩu khoảng 17 triệu tấn than, chiếm 31% nhu cầu than cho phát điện vào năm 2020.

Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức

Mặc dù nhu cầu năng lượng tại Việt Nam đang phát triển không ngừng, nhưng để phát triển hiệu quả và đảm bảo nguồn năng lượng này, chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức.

Chỉ ra những thách thức này, các chuyên gia tại Hội thảo cho biết, có 4 vấn đề cản trở phát triển hệ thống năng lượng bền vững tại Việt Nam. Bao gồm: Cung cấp năng lượng tin cậy; giá cả hợp lý; bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên.

Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, đòi hỏi nhu cầu năng lượng ngày càng lớn, ngoài việc không ngừng phát huy nội lực, Việt Nam đang quyết tâm giải quyết 4 thách thức nêu trên với sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt từ các đối tác phát triển có trình độ công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng.

Trước vấn đề này, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc khu vực của Tập đoàn Siemens Armin Bruck cho biết, để đảm bảo cung cấp năng lượng tin cậy và tối ưu hóa việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng Việt Nam cần phát huy cao nhất mức độ sử dụng năng lượng hiệu quả bao gồm các nguồn năng lượng tái tạo, lưới điện thông minh, thay đổi từ mô hình điện tập trung cho đến mô hình điện phân bố.

Trong khi đó, ông Wolfgang Manig, Đại biện lâm thời Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam lại cho rằng, việc điều chỉnh giá điện hợp lý sẽ là một động lực quan trọng nhằm thu hút đầu tư cũng như phát triển các nguồn điện năng mới, phục vụ nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao trong tương lai.

Theo thống kê, Siemens là tập đoàn đã tham gia thực hiện nhiều dự án về nguồn điện, quản lý điện năng tại Việt Nam. Trong đó, có các dự án trọng điểm như Nhà máy Nhiệt điện Chu trình kết hợp Phú Mỹ 3 công suất 720MW, Nhà máy Nhiệt điện Chu trình kết hợp Cà Mau 1&2 công suất 1.500MW và Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 công suất 750MW. Siemens cũng là nhà cung cấp lớn trong lĩnh vực truyền tải và phân phối điện, như các trạm 500kV Dốc Sỏi, Quảng Ninh, Sông Mây và Sơn La.

Yến Nhi - vnmedia.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top