Mỹ: Khả năng một số nước được loại khỏi danh sách bị cấm nhập khẩu dầu từ Iran

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Washington sẽ xem xét đề nghị của một số nước yều cầu được đưa khỏi danh sách các nước cấm nhập khẩu dầu từ Iran theo lệnh trừng phạt của Mỹ, dự kiến có hiệu lực vào tháng 11 tới.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 10/7 thông báo Washington sẽ xem xét đề nghị của một số nước yều cầu được đưa khỏi danh sách các nước cấm nhập khẩu dầu từ Iran theo lệnh trừng phạt của Mỹ, dự kiến có hiệu lực vào tháng 11 tới.

Tuyên bố này cho thấy quan điểm mềm mỏng hơn của Mỹ trong việc gia tăng sức mạnh của các biện pháp trừng phạt Iran.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn tại Abu Dabi, nhân chuyến thăm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), ông Pompeo cho biết sẽ có một số nước đưa ra đề nghị Mỹ nới lỏng danh sách các nước bị cấm nhập khẩu của Iran. Ông khẳng định Mỹ "sẽ xem xét yêu cầu đó".

Tháng trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ không có bất cứ trường hợp ngoại lệ nào trong danh sách bị cấm nhập khẩu dầu của Iran và mục tiêu của Washington là giảm lượng dầu xuất khẩu của quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này còn 0%.

Ông Pompeo đưa ra quan điểm mềm mỏng hơn của Mỹ sau khi Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước tiêu thụ giàu mỏ lớn khác bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ về ủng hộ tăng sức mạnh của các biện pháp trừng phạt của Washington nhằm vào Tehran.

Tuy nhiên, ông Pompeo một lần nữa khẳng định các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran sẽ có hiệu lực từ 4/11.

Nhật Bản được cho là một trong số nước sẽ đưa ra yêu cầu nói trên trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại sự ổn định của thị trường "vàng đen" bị đe dọa do thiếu hụt nguồn cung dầu từ Iran.

Sau khi kết thúc chuyến thăm UAE, ông Pompeo ngày 10/7 đã tới thủ đô Brussels của Bỉ tham gia các cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

nhap-khau-dau-bnews-vn.jpg

Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, mục đích của ông Pompeo trong chuyến đi này nhằm tăng cường sức ép đối với Iran và trấn an đồng minh về các nguồn cung dầu mỏ thay thế.

Cũng theo quan chức trên, các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã hoàn tất 3 ngày thảo luận với Saudi Arabia về Iran, đồng thời bàn thảo những cách mới nhằm cắt mọi nguồn thu của chính quyền Tehran.

Ngày 8/5 vừa qua, Tổng thống Donald Trump chính thức rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) vốn đã được Liên hợp quốc phê chuẩn, đồng thời tái áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương chống Iran.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ bắt đầu triển khai "mức cao nhất" của các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào nước thành viên OPEC này dẫn lý do để "ngăn chặn các nỗ lực của Tehran phát triển vũ khí hạt nhân".

Mỹ đã gây sức ép đối với các nước nhập khẩu dầu mỏ từ Iran bằng cách yêu cầu những nước này ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Tehran từ ngày 4/11 tới, nếu không sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt.

Iran là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 trong OPEC sau Saudi Arabia và Iraq. Iran hiện đang tìm cách thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí.

Tuy nhiên, Iran sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu dầu mỏ khi Mỹ đang tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với nhiều cá nhân và thực thể ở nước này.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ gặp khó khăn khi hợp tác và làm ăn tại Iran./.

TTXVN
 

Việc làm nổi bật

Top