Lãnh đạo “ba trong một” của PVN chậm xử lý sai phạm vì “vướng” gì?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Là lãnh đạo “ba trong một”, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV, Phó Bí thư Đảng ủy phụ trách, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn có rất nhiều thuận lợi trong quản lý, lãnh đạo nhưng không hiểu vì “vướng gì”, ông này vẫn hết sức chậm trễ trong xử lý một số sai phạm.

Bộ Chính trị, Phó thủ tướng chỉ đạo, vẫn “không nhúc nhích”

Xử lý 12 đại dự án thua lỗ của ngành công thương đã và đang làm suy giảm nguồn lực kinh tế của đất nước là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng được Đảng, Nhà nước và toàn dân quan tâm. Trong 12 dự án đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chiếm tới 5 dự án nhưng suốt mấy năm qua, lãnh đạo Tập đoàn đã không hoàn thành nhiệm vụ không hiểu vì những khó khăn, lực cản gì?

lanh-dao-ba-trong-mot-cua-pvn-cham-xu-ly-sai-pham-vi-vuong-gi-hinh-anh0.jpg

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ từng phê bình gay gắt ông Nguyễn Vũ Trường Sơn
Chiều 5/7, tại trụ sở Chính Phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp triển khai ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, yếu kém của ngành công thương. Phó Thủ tướng hỏi Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn: “Tại sao dự án đạm Ninh Bình dừng sớm hơn, tình trạng kỹ thuật kém hơn nhiều mà họ có chuyển biến, còn các dự án của PVN thì không “nhúc nhích”? Các anh có làm được không?”; “Các anh có phân công cụ thể ai phụ trách dự án nào hay không? Tại sao cùng khó khăn như thế mà các đơn vị khác họ làm được còn các anh thì không làm được? Làm được hay không làm được thì các anh nói cho rõ, ai là người chịu trách nhiệm ở đây? Anh Sơn hay là ai? Nhà máy ở Dung Quất, tôi vào đó kiểm tra hồi trước Tết âm lịch các anh nói là chạy lại dễ như trở bàn tay, nhưng nay đã 6 tháng trôi qua có thấy nhúc nhích gì không?”.

Qua phát biểu của Phó Thủ tướng cho thấy, lãnh đạo PVN đã rất hạn chế trong năng lực điều hành, quản lý, phân công nhiệm vụ trong triển khai công việc được cả hệ thống chính trị quan tâm này. Điều này thể hiện rõ khi hai ngày sau đó, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn mới có cuộc “họp khẩn”, phân cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể với từng dự án. Báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Sơn cho biết: “Ông Sơn nhìn nhận, việc xử lý đối với các dự án ngành dầu khí trong suốt một năm qua đến nay các công việc thực sự gần như "chưa được triển khai". Mọi hoạt động mới chỉ dừng lại ở tranh luận, thảo luận nên dẫn tới kết quả xử lý “chưa có chuyển biến gì”.

“PVN đã có phương án, đề xuất cụ thể hướng xử lý đối với từng dự án, gửi Ban chỉ đạo và Bộ Công Thương nhưng do khách quan và chủ quan, vướng mắc tài chính nên công việc hiện nay chưa triển khai được nhiều. Tập đoàn Dầu khí xin nhận lỗi, ngoài nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ quan là có việc chưa quyết liệt, chưa quyết tâm từ phía chủ đầu tư, tổng thầu và công tác chỉ đạo”, ông Sơn nói.

Bộ trưởng chỉ đạo, gần ngày báo cáo vẫn chưa kỷ luật ai?

Trở lại với vụ việc mua bán than, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tập thể và cá nhân sai phạm, có hình thức xử lý kỷ luật và báo cáo Bộ trưởng trước ngày 30/10/2017. Vậy mà đến nay đã giữa tháng 10, vẫn chưa hề thấy ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Phó bí thư Đảng ủy phụ trách, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV có chỉ đạo việc kiểm điểm, xử lý các tập thể và cá nhân liên quan, nhất là trách nhiệm chính của ông Nguyễn Quốc Khánh. Dư luận đặt câu hỏi phải chăng vì vướng những sự “nhạy cảm” cho nên việc xử lý các tập thể, cá nhân liên quan bị chậm trễ, khi mà vụ việc liên quan đến cả cựu lãnh đạo PVN và thậm chí cả lãnh đạo Bộ Công Thương?

Trong kết luận thanh tra đã chỉ ra, lãnh đạo PVN và các đơn vị thiếu trách nhiệm khi ký hợp đồng với TKV mà không có chế tài trách nhiệm của TKV trong trường hợp TKV không đảm bảo được lượng than theo hợp đồng. Hơn nữa, theo số liệu nguồn than năm 2016 được đăng tải trên chính trang web của Công ty Hoành Sơn thì đến hết tháng 3-2016, TKV còn tồn kho lên đến gần 10 triệu tấn than và chính TKV lại là đơn vị nhập khẩu than lớn nhất nên việc PVN chỉ đạo vẫn mua than của Hoành Sơn vào thời điểm đầu năm 2016 khi ông Nguyễn Vũ Trường Sơn đã là Tổng giám đốc là thiếu sâu sát. Lẽ ra trên cương vị của mình, ông Sơn phải chỉ đạo Ban QLDA xem xét trách nhiệm của TKV khi vì sao không thực hiện được hợp đồng đã ký kết và chỉ đạo của Thủ tướng.

Mặt khác, sau tháng 3/2016, khi mà cầu cảng đã có thể tiếp nhận than TKV, lẽ ra lãnh đạo PVN không được gia hạn hợp đồng với Hoành Sơn nữa mà phải yêu cầu TKV cung cấp than theo hợp đồng trước đó.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng làm trái chỉ đạo của Thủ tướng

Kết luận Thanh tra nêu rõ, việc đề xuất lựa chọn Công ty Hoành Sơn chưa chi tiết, cụ thể về các điều kiện, chủ yếu dựa vào các Văn bản giới thiệu của tỉnh, điều kiện thực tế cung cấp than tại NMNĐ Vũng Áng 1 và năng lực của Công ty (không có biên bản kiểm tra hiện trạng kho bãi của Công ty Hoành Sơn)...Như vậy, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng chưa quán triệt đầy đủ tinh thần chỉ thị 21 của Thủ tướng.

Gần đây, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh còn cho phép Công ty Hoành Sơn đầu tư nhà máy sản xuất phân bón tại Vũng Áng với tổng mức đầu tư 1.445 tỷ đồng, trên diện tích 10 ha, quy mô sản xuất 1.200.000 tấn/năm (sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ). Trong khi cả nước còn hàng loạt nhà máy phân bón thua lỗ nặng mà chính PVN chưa thể xử lý được thì việc cho phép đầu tư thêm một nhà máy như vậy liệu có gây ra nhiều hệ lụy?

Thêm nhiều sự việc gây bức xúc

Trong một diễn biến khác, được biết gần đây, C46 – Bộ Công an đang điều tra làm rõ việc quản lý tài chính, sử dụng quỹ, sử dụng hàng trăm tỷ đồng gửi ngân hàng trái quy định từ 2014 đến nay tại Ban Quản lý dự án (QLDA) Công trình liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn. Theo phản ánh, đơn vị này đã tự ý ký hợp đồng, tự đóng dấu của ban QLDA với số tiền lớn hàng trăm tỷ đồng gửi vào 2 ngân hàng trên địa bàn tỉnh với lãi suất có kỳ hạn 1 tháng để lấy lãi. Ông Trần Khắc Hiệp - Trưởng ban QLDA cho biết khi trả lời báo chí: “Ban không sử dụng tiền Nhà nước để gửi mà được Tập đoàn uỷ quyền làm dịch vụ cho công ty liên doanh. Dòng tiền trên là tiền dịch vụ của nhà thầu, trong quá trình làm thủ tục chờ thanh toán, ban QLDA có gửi số tiền này vào ngân hàng. Ban được giao chủ động làm để sao hoàn thành nhiệm vụ, việc hạch toán khoản lãi số tiền gửi trên như thế nào, Ban sẽ báo cáo với tập đoàn”. Dù sự việc đang được C46 xác minh làm rõ nhưng đây cũng là một vụ việc đặt ra dấu hỏi trong quản lý của PVN.

pvn-bonhiem.jpg

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn trao quyết định bổ nhiệm cán bộ tại PVEP
Dư luận cũng đặt câu hỏi trong công tác điều động cán bộ, mặc dù Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có chỉ đạo không điều động cán bộ ở PVN trong giai đoạn “nhạy cảm” nhưng gần đây, vẫn có nhiều vị trí chủ chốt được điều động gây thắc mắc trong dư luận.Chẳng hạn, khi bổ nhiệm một Phó ban tài chính Tập đoàn thì đồng chí này chưa đủ tiêu chí, trong quyết định ghi rõ “cho nợ bằng chuyên ngành”; điều chuyển Trưởng Ban Đầu tư của Tập đoàn xuống làm Hội đồng thành viên Tổng công ty VPEP; điều chuyển Chánh Văn phòng Tập đoàn xuống làm Phó Tổng giám đốc VPEP; điều Phó Tổng giám đốc PVEP lên Tập đoàn…

Cũng xung quanh công tác quản lý của Tập đoàn, được biết vừa qua, cơ quan chức năng đã yêu cầu xem xét, làm rõ một số vấn đề xung quanh các dự án tại Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí PVEP như: Hai dự án đầu tư ra nước ngoài gồm dự án dầu khí Junin 2 (tại Vênêzuela) và dự án khai thác dầu tại lô 67 và lô 39 ở Pê-ru gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách; việc chuyển nhượng khách sạn Thái Bình với giá trị 111 tỷ đồng nhưng thu hồi tiền rất chậm; vụ chuyển nhượng tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 2…Tại phiên tòa xét xử đại án OceanBank vừa qua cho thấy, Cơ quan CSĐT đã có căn cứ để khởi tố 3 doanh nghiệp thuộc PVN nhận tiền chi lãi ngoài gồm VietsovPetro, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và PVEP. Riêng số tiền cần làm rõ PVEP có nhận không là 76 tỷ đồng.

lanh-dao-ba-trong-mot-cua-pvn-cham-xu-ly-sai-pham-vi-vuong-gi-hinh-anh2.jpg

Ông Nguyễn Quốc Khánh trao quyết định bổ nhiệm thành viên HĐTV cho ông Nguyễn Vũ Trường Sơn
Được biết, trước khi được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc PVN, ông Sơn là tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí PVEP (2009-2012). Khi lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, có hai ứng cử viên chức Tổng giám đốc PVN gồm ông Nguyễn Vũ Trường Sơn và ông Nguyễn Quốc Thập. Tuy lúc đầu ông Nguyễn Quốc Thập nằm trong quy hoạch và có uy tín cao nên khi làm thủ tục bổ nhiệm cần phải được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm. Thế nhưng, không hiểu sao sau đó, chỉ một mình ông Sơn được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm và sau đó đã được bổ nhiệm vào cương vị Tổng giám đốc PVN khiến dư luận không đồng tình.

 

Việc làm nổi bật

Top