Kinh tế Nga lập kỉ lục sau đạt đỉnh bán dầu khí

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Nga được chuyên gia đánh giá sẽ là thị trường ít rủi ro nhất và thu hút giới đầu tư thế giới dù hàng loạt các cấm vận kinh tế bất lợi.

Dự báo đầu tư năm 2017 vừa được Bloomberg công bố cho thấy những kết quả tươi sáng của nền kinh tế Nga dựa trên báo cáo về sự cải thiện môi trường chính trị, giá dầu đi lên cũng như việc đồng ruble tăng giá và trở thành tiền tệ có lợi nhuận nhất trên thế giới.

Nhà kinh tế học cấp cao và chiến lược thương mại tại Ngân hàng Danske- ông Vladimir Miklashevsky, đã chỉ ra những triển vọng tốt của kinh tế vĩ mô Nga.

nam-2017-nga-se-thu-hut-gioi-dau-tu-the-gioi_1128479.jpg

Theo ông Vladimir Miklashevsky, ở thị trường Nga trong quý tư năm sau, thế giới tiếp tục nhìn thấy sự cẩn trọng tài chính, tăng trưởng đầu tư và giá dầu đạt mức 59 USD/thùng. Tăng trưởng kinh tế 1,2 % sau 2 năm suy thoái. Có nhiều nhà đầu tư lựa chọn Nga hơn so với năm 2014.

Bên cạnh đó, trong số các thị trường nội địa, Nga có một thị trường ít rủi ro nhất với tỷ lệ dự trữ liên bang trong năm 2017. Các khu vực ngân hàng, nông nghiệp và xây dựng hứa hẹn sẽ là điểm hút nhiều các nhà đầu tư săn tìm lợi nhuận cao hơn trên toàn cầu.

3 lĩnh vực trên được cho là chịu sự ảnh hưởng đối với các lệnh cấm vận mà phương Tây và Mỹ áp đặt lên Nga kể từ khi Moscow thực hiện sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Liên bang.

Những triển vọng mà ông Vladimir Miklashevsky dự đoán không chỉ nằm ở ý kiến cá nhân của ông. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy kinh tế Nga tự phục hồi sau các lệnh cấm vận gay gắt mà châu Âu và Mỹ áp đặt lên Moscow.

Chính bởi việc cấm nhập khẩu, dừng xuất khẩu một số mặt hàng Nga đang cung cấp cho châu Âu khiến quốc gia này có điều kiện và thời gian để cải tổ lại tổng bộ các ngành kinh tế của mình. Sản xuất trong nước tăng, mặt hàng truyền thống được cứu vãn và niềm tin vào sự lãnh đạo của Putin ngày càng lớn. Người Nga đã coi những trừng phạt kinh tế chỉ như gió thoảng.

Đồng rúp của Nga trong năm nay đánh bại các ngoại tệ chính khác và đứng vững trước sự tấn công của đồng USD, theo Financial Times. Chỉ trong 3 tháng qua, các nhà đầu tư mua tài sản đồng ruble đã nhận được lợi nhuận lên đến 7%.

Đây là con số cao nhất trong số 30 đồng tiền khác, Bloomberg đưa tin. Theo các chuyên gia mà Bloomberg phỏng vấn, vào đầu năm tới, lợi nhuận trái phiếu đồng ruble có thể tăng gấp đôi và lên tới hơn 15%. Một trong những tập đoàn tài chính quốc tế lớn nhất Citigroup Inc cho rằng ruble sẽ trở thành thành "tiền tệ siêu lợi nhuận".

Bên cạnh đó, Bộ Kinh tế Nga trước đó cũng đã phòng bị các phương án và khả năng giải quyết cho những kịch bản kinh tế của mình khi giá dầu chạy quanh mức 40 USD/thùng. Sự lạc quan và cẩn trọng cho thấy những chuyển động của thế giới ra sao cũng sẽ khiến nền kinh tế Nga cũng có khả năng xoay vần được.

Năm 2016 cũng là năm mà Nga thu hút được giới đầu tư châu Âu tham gia vào dòng chảy dầu khí "Dòng chảy phương Bắc 2" không đi qua ngả các nước vùng Baltic, bao phủ toàn bộ châu Âu.

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án hợp tác giữa Nga và Đức để xây dựng 2 nhánh đường ống dẫn khí đốt từ Nga chạy qua biển Baltic sang Đức không qua lãnh thổ Ukraine với tổng công suất 55 tỷ mét khối/năm.

Một loạt các công ty tây Âu đã ký kết với Tập đoàn Gazprom của Nga hợp đồng xây dựng tuyến đường ống trị giá 10 tỷ euro này.

Dự án dầu khí được cho là tạo điều kiện cho Nga và châu Âu gia tăng các lợi ích đôi bên trong việc giảm bớt các ảnh hưởng trung gian từ Nga mà vẫn đảm bảo duy trì các cấm vận kinh tế của Mỹ.

Một trong những nguyên nhân khiến lệnh trừng phạt kinh tế chẳng ảnh hưởng tới sức khỏe nền kinh tế Nga là phương Tây đang "nói một đằng, làm một nẻo" khi chính phủ kiên quyết trừng phạt Nga nhưng làm ngơ cho các doanh nghiệp trong nước móc nối làm ăn với Moscow.

Đơn cử như Đức. Năm 2016, Nga được giới doanh nhân Đức đánh giá rất cao, đầu tư của nước này vào thị trường Nga đã đạt mức kỷ lục.

Tờ báo Spiegel dẫn số liệu từ Phòng Thương mại Đức- Nga và Ngân hàng liên bang Đức nhấn mạnh, chỉ tính riêng trong quý hai của năm 2016, các công ty Đức đã đầu tư vào Nga tới 655 triệu euro - nhiều gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Chính quyền Đức thời gian qua đang dần chuyển sang xu thế ủng hộ dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga. Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều chính trị gia Đức, thậm chí là cả các lãnh đạo ở cấp chính phủ đã đến Moscow để đàm phán về làm ăn kinh tế với Nga.

Nga đừng vội cười

Rõ ràng, năm 2016 là một năm sóng gió nhưng vẫn mang đến những tín hiệu vui của nền kinh tế Nga khiến dự báo cho năm 2017 đối với Nga vẫn đầy sáng lạn. Tuy nhiên, năm 2017 vẫn là năm thứ 3 liên tiếp nước Nga hứng chịu lệnh trừng phạt và sự cô lập của châu Âu cũng như khả năng nền kinh tế sụt giảm tới mức tồi tệ nhất trong gần 20 năm qua.

Nhiều cuộc khảo sát có cùng chung kết quả cho rằng phần lớn người dân Nga đều tỏ ra hoài nghi về việc họ sẽ sớm được chứng kiến những thay đổi tích cực trong năm 2017.

"Hiện chưa có dấu hiệu khả quan nào. Chúng tôi cũng chưa biết mục tiêu phía trước bởi những gì chúng tôi biết chưa thể theo kịp tốc độ diễn ra nhanh chóng của các sự kiện. Bản thân tôi cũng chưa thấy thay đổi tích cực nào ngoại trừ những lời dự đoán", nhà khoa học chính trị Yuly Nisnevich tại Trường Kinh tế ở Moscow nhận định.

Ngay cả khi nền kinh tế Nga chứng kiến tăng trưởng vào năm 2017 cùng với việc giá dầu tăng giá, Moscow cũng chưa thể quay trở lại thời kỳ tăng trưởng nhanh như 10 năm trước.

Thực tế, những chính sách cải cách kinh tế tại Nga sẽ còn phải đối mặt với không ít thách thức ít nhất là trong giai đoạn ngắn hạn. Và hoạt động cải cách kinh tế sẽ gây ảnh hưởng tới phần lớn người dân Nga, những người vốn đang phải sống trong cảnh chất lượng cuộc sống và dịch vụ xã hội sụt giảm cùng với cơ hội việc làm ngày càng ít.

Dù chứng kiến một vài cuộc biểu tình, nhưng xã hội Nga vẫn đang thể hiện tinh thần đoàn kết đáng ngạc nhiên trong 3 năm qua. Song câu hỏi đặt ra là liệu tình hình này sẽ kéo dài được bao lâu?

"Người dân Nga hiện không hài lòng với tình cảnh hiện thời và cũng không bằng lòng với hoạt động của chính phủ ngay cả khi Tổng thống Putin nhận được sự ủng hộ lớn từ dư luận nhưng họ cũng không có giải pháp thay thế. Thật khó để khẳng định khi nào sự thay đổi trong nước Nga sẽ diễn ra", Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ chính trị tại Moscow, ông Alexei Makarkin nói.

ông Alexei Mukhin, Giám đốc Trung tâm Thông tin chính trị ở Moscow chia sẻ: "Vị thế của Nga rõ ràng là ngày càng hùng mạnh hơn trên thế giới. Phương Tây cố tình tạo sức ép với Nga trên nhiều lĩnh vực và nỗ lực lật đổ Nga.

Nhưng Nga cũng cần cảnh giác bởi dù có ông Trump hay không thì những căng thẳng địa chính trị và cuộc chiến thông tin sẽ chưa thể sớm kết thúc. Hy vọng lớn nhất của chúng tôi là tránh được những điều tồi tệ để bước sang năm mới".

Đông Phong - Báo Đất Việt​
 

Việc làm nổi bật

Top