Là nhà máy lọc dầu hiện đại, ngoài mục tiêu vận hành thương mại an toàn tuyệt đối, Nhà máy lọc dầu Dung Quất luôn chú trọng bảo vệ môi trường. Với công nghệ xử lý nước thải – chất thải hiện đại của các nước G7 và tinh thần luôn nỗ lực vì môi trường xanh – sạch – đẹp, Dung Quất được mệnh danh là nhà máy lọc dầu sạch nhất Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khảo sát tình hình sản xuất và đảm bảo môi trường ở BSR giữa năm 2016.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khảo sát tình hình sản xuất và đảm bảo môi trường ở BSR giữa năm 2016.
Trồng sen, nuôi cá ở bể nước thải đầu ra
Nhắc đến hiệu quả của xử lý nước thải của NMLD Dung Quất, các kỹ sư đưa chúng tôi đến thăm quan bể chứa nước thải sau xử lý để có cái nhìn thực tế. Bể chứa là một hồ rộng với những khóm sen, súng khoe nở. Lấp ló phía dưới những cụm sen, súng là đàn cá bơi lội. “Chúng tôi thả loài cây thủy sinh đẻ chỉ thị cho chất lượng nước thải đầu ra. Các loài cây và con đều sinh sống phát triển tốt. Tất cả thông số nước thải Nhà máy sau xử lý luôn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 40:2011/BTNMT”, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó trưởng Ban An toàn Môi trường BSR cho biết.
Để có hệ thống nước thải đầu ra đạt tiêu chuẩn như trên, NMLD Dung Quất đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ tiên tiến, hiện đại của các nước G7 với chi phí gần 28 triệu USD. Với đặc thù của nhà máy lọc dầu, nước thải nhà máy gồm nước nhiễm dầu bề mặt (OWS); nước nhiễm dầu (OW) và nước thải sinh hoạt. Sau khi phân tách dầu bề mặt ra khỏi dòng nước thải bằng phương pháp cơ học, nước thải được đưa đến công đoạn xử lý bằng phương pháp tuyển nổi (hóa lý) để loại bỏ dầu và chất rắn lơ lửng có trong nước thải các tạp chất hữu cơ, dầu và những chất ô nhiễm hòa tancòn lại sẽ được xử lý bằng phương pháp sinh học.
Sau khi phân hủy sinh học, dòng thải tiếp tục được đưa đến bể lắng, bùn vi sinh sau khi lắng được quay lại bể xử lý sinh học phần nước sạch được đưa đến thiết bị lọc cát để loại bỏ những chất rắn lơ lửng còn lại và được đưa đến bể kiểm tra có thể tích khoảng 8000m3. Tại đây, nước thải sau xử lý được lấy mẫu và phân tích đáp ứng quy chuẩn môi trường trước khi đưa ra môi trường, nếu không đáp ứng các quy định sẽ được bơm về để xử lý lại. Bên cạnh đó, Công ty còn lắp đặt thiết bị giám sát liên tục các thông số đầu ra của hệ thống xử lý như lưu lượng, pH, COD.
Hệ thống xử lý nước thải chỉ là một phần trong tổng thể hệ thống xử lý an toàn môi trường của NMLD Dung Quất. Nhà máy có 4 hạng mục chính xử lý và bảo vệ môi trường, gồm: Thiết bị tách bụi tĩnh điện - Phân xưởng Cracking xúc tác 1 tầng sôi (RFCC), Phân xưởng thu hồi lưu huỳnh (SRU1), Phân xưởng thu hồi lưu huỳnh bổ sung (SRU2) và Hệ thống xử lý nước thải tại khu vực Nhà máy.
Với chất thải rắn và nguy hại, nhà máy có quy trình được xử lý, đảm bảo tuân thủ các yêu cầu luật định. Khối lượng chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất đã được thu gom lưu giữ theo đúng quy định. Nhà máy có 2 kho lưu giữ chất thải nguy hại tạm thời có diện tích khoảng 600 m2/kho và 1 kho chất thải công nghiệp 500m2 để phân loại và lưu giữ chất thải trước khi chuyển cho nhà thầu xử lý. Tất cả các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại đều được phân loại thu gom và xử lý theo đúng quy định.
Để giảm thiểu tiếng ồn phát sinh từ các máy nén khí, thiết bị quay, lò hơi, các đầu ống xả hơi nước..., nhà máy thiết kế và lắp đặt, các thiết bị đảm bảo tiêu chuẩn về tiếng ồn hiện hành và các yêu cầu khác của các nước tiên tiến trên thế giới như: EEMUA 140 Noise procedure specification, EEMUA 141, API RP 521, CONCAWE 87/59 được ứng dụng tại NMLD Dung Quất. Để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, Công ty BSR đã tiến hành sơn kẻ vạch giới hạn các khu vực có độ ồn cao để kiểm soát người ra vào làm việc. Bên cạnh đó những người làm việc trong môi trường có tiếng vượt quá 85 dB (A) thì được trang bị nút hoặc chụp tai chống ồn, làm việc theo thời gian và tuần suất đã quy định và được khám thính lực định kỳ hàng năm.
Hàng năm, Công ty BSR (đơn vị quản lý, vận hành NMLD Dung Quất) phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Quan trắc Môi trường thuộc Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất tiến hành quan trắc giám sát môi trường tại Nhà máy. Trung tâm đã được tập đoàn TUVNORD (Cộng hoà liên bang Đức) đánh giá chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 9001: 2000, năm 2010 được tập đoàn WQA đánh giá chứng nhận đạt tiêu chuẩn 9001: 2008 và được Văn phòng Công nhận Chất lượng (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận hệ thống Phòng thí nghiệm đạt Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 với số hiệu Vilas 273.
Sáng kiến vì môi trường
Không chỉ làm tốt khâu xử lý chất thải, nước thải, NMLD Dung Quất còn áp dụng tối đa các đề tài sáng kiến vừa tiết kiệm nhiều tỷ đồng cho Công ty, vừa giảm nguy cơ gây hại với môi trường. Một trong những đề tài nổi bật được áp dụng ở Phân xưởng Điện. Theo thiết kế, phân xưởng có 4 lò hơi, trong điều kiện vận hành bình thường 3 lò hơi hoạt động và 1 lò hơi còn lại sẽ dừng và thực hiện công tác bảo dưỡng sửa chữa. Trong đó có 2 lò hơi chạy quạt gió (FDF) bằng tuốc bin hơi, sử dụng gần 15 tấn hơi HP/01 FDF và sinh ra gần 15 tấn hơi hơi thấp áp. Căn cứ vào kế hoạch vận hành và bảo dưỡng định kỳ lò hơi, các kỹ sư BSR nhận thấy trung bình hằng năm vận hành khoảng 3 tháng 2 lò hơi quạt gió là tuốc bin hơi và 1 lò hơi sử dụng quạt gió là mô tơ. Ở chế độ vận hành này tổng lượng hơi thấp áp sinh ra từ các tuốc bin hơi là cao hơn nhiều lượng hơi thấp áp sử dụng trong nhà máy. Một lượng hơi thấp áp thừa phải xả bỏ ra ngoài môi trường thông qua van 040-PV-018, điều này gây lãng phí rất lớn cho nhà máy.
Từ thực tế vận hành trên, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thanh, Ban Vận hành Sản xuất BSR và các đồng nghiệp đã nghiên cứu đề tài “Giải pháp hạn chế tối đa lượng hơi thấp áp xả ra môi trường trong điều kiện hơi thấp áp sinh ra từ các tuốc bin cao hơn nhiều so với lượng hơi tiêu thụ trong Nhà máy” nhằm hạn chế tối đa lượng hơi thấp áp thừa xả ra môi trường thông qua van 040-PV-018, mang lại lợi nhuận cho nhà máy hơn 22 tỷ đồng/năm.
Theo đó, nhóm đã chuyển đổi 3 bơm nước ngưng của các Tổ máy phát tuabin hơi A/B/C đang hoạt động từ bơm chạy bằng tuốc bin (P-4010A, P-4020A, P-4030A) sang bơm motor điện (P-4010B, P-4020B, P4030B). Thông thường 3 bơm nước ngưng chạy bằng tuốc bin sẽ vận hành, 3 bơm nước ngưng chạy bằng motor điện là dự phòng.Theo tính toán nếu bơm nước ngưng chạy bằng bơm điện bị dừng thì thời gian từ lúc bơm bị dừng đến khi mức cao gây mất chân không trong bình ngưng là 7 phút. Nếu sự cố này xảy ra, người vận hành có thể xử lý để giữ nhà máy vận hành ổn định. Nhóm nghiên cứu đã lập kế hoạch cụ thể để tiến hành bảo dưỡng lò hơi có FDF chạy bằng motor (lò hơi B và D) và đưa lò hơi này vào vận hành sớm nhất (2 lò FDF chạy bằng motor và 01 lò FDF bằng tuốc bin), hạn chế kéo dài thời gian vận hành 3 lò hơi để giảm lượng hơi thấp áp sinh ra từ FDF (23 tấn/h), tránh hơi thấp áp thừa xả ra môi trường, tiết kiệm chi phí cho nhà máy.
Khảo sát thực tế tình hình triển khai dự án NCMR NMLD Dung Quất, trong đó bảo vệ môi trường là yêu cầu nghiêm ngặt
Khi vận hành tất cả 3 bơm nước ngưng motor đối với các Tổ máy phát tuabin hơi đang hoạt động thì trạng thái hoạt động của các thiết bị ổn định, lượng hơi xả ra môi trường qua van 040-PV-018 giảm khoảng 9.9 tấn/h, mang lại lợi nhuận rất lớn cho BSR.
Tính trung bình tối thiểu hằng năm gần 3 tháng vận hành 2 lò hơi chạy FDF bằng tuốc bin và 1 lò hơi chạy FDF bằng motor điện, lượng hơi đã hạn chế xả thải ra môi trường là 21.384 tấn/năm. Theo đơn giá khoảng 50,03 USD/tấn hơi thấp áp thì lượng tiền tiết kiệm được khoảng 1 triệu USD/năm (đã trừ tiền điện). Đề tài này đã được chính thức áp dụng từ tháng 7/2014.
Hướng tới phát triển xanh
Với dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất - một trong những trọng tâm sắp tới, BSR luôn lắng nghe ý kiến nhân dân về môi trường. Năm 2017, Công ty tổ chức nhiều đợt tham vấn cộng đồng dân cư về báo cáo tác động môi trường tại xã Bình Trị và Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Mục đích của chương trình nhằm góp phần đảm bảo quyền lợi người dân, gắn nghĩa vụ thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của BSR với việc giám sát của cộng đồng. BSR xây dựng hệ thống quản lý về môi trường khi mở rộng NMLD Dung Quất, cam kết chọn nhà thầu đủ năng lực để giám sát về môi trường của Nhà máy.
Được biết, dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất nâng từ công suất 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn/năm, tương đương 192.000 thùng dầu/ngày. Tổng vốn cho dự án khoảng 1,82 tỷ USD. Sau khi NCMR, Nhà máy sẽ có tổng cộng 17 ống khói, 2 đuốc đốt; công suất của khu vực xử lý nước thải nâng từ 565 m3/giờ lên 764 m3/giờ. Các chất thải rắn cũng được phân loại nghiêm ngặt và chuyển cho nhà thầu xử lý. Tất cả những trang thiết bị thu gom, xử lý không khí, nước thải, chất thải đều được đầu tư hiện đại từ các nước G7.
Theo đánh giá của người dân sinh sống tại xã Bình Thuận – nơi có một số hạng mục của Nhà máy và dự án NCMR (như khu vực bồn bể sản phẩm, khu vực xuất sản phẩm bằng đường bộ, khu xuất sản phẩm bằng đường biển và cảng..) đi qua, các hạng mục này hầu như không tác động đến môi trường sống xung quanh. Đa số ý kiến đóng góp của nhân dân Bình Thuận đều đồng tình và nhất trí với dự án NCMR; ủng hộ dự án và sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân (chủ yếu nghề biển) song song với bảo vệ môi trường.
- Công ty BSR đã được cấp Chứng nhận “Trusted Green – Chỉ số Tín nhiệm Xanh 2016” do Trung tâm Đánh giá chỉ số Tín nhiệm Châu Á Thái Bình Dương khảo sát và Tổ chức InterConformity – CHLB Đức giám sát chất lượng, Viện Doanh nghiệp Việt Nam cấp.
- Công ty cũng đạt các giải thưởng lớn về môi trường như doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường vì mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia năm 2017; Top 10 “Nhà máy xanh thân thiện” năm 2017 và 2018 do Trung ương Hội kinh tế Môi trường Việt Nam trao tặng. Riêng dòng sản phẩm: Xăng không chì RON 95 – III, Xăng không chì RON 92 – II, Xăng không chì E5 RON 92 – II; Nhiên liệu Diezen (DO 0,05S)… của NMLD Dung Quất đạt Top 20 “Sản phẩm thân thiện với môi trường” năm 2018.
- Công ty đã triển khai và áp dụng thành công Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008, hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001: 2004 và hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp theo tiêu chuẩn OHSAS 18001: 2007 và đã được Tổ chức quốc tế DNV-Na Uy cấp giấy chứng nhận phù hợp vào ngày 08/3/2011.
ĐỨC CHÍNH
Báo Tiền Phong
Báo Tiền Phong
Relate Threads